Làm rõ hơn những hoạt động mà ngành đã và đang triển khai

Làm rõ hơn những hoạt động mà ngành đã và đang triển khai

(GD&TĐ) - Cũng bày tỏ sự tán thành với phần lớn nội dung bản dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị Báo cáo cần bổ sung một số nội dung để làm rõ hơn các kết quả đạt được, thực tế những tồn tại cũng như khó khăn mà ngành GD&ĐT gặp phải. Một trong những nội dung quan trọng được Bộ trưởng đề nghị bổ sung là cần có thêm những nhận định, đánh giá về hệ thống GD ngoài công lập.

Về đánh giá của Đoàn giát sát đối với công tác biên soạn CT – SGK GDPT, Bộ trưởng cho rằng cần phải tính đến yếu tố vùng miền, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn... Những vùng đặc thù này mới xuất hiện hiện trạng đôi chỗ CT – SGK còn chưa phù hợp với năng lực tiếp thu của HS, trình độ của GV.

Những điều này, Bộ GD&ĐT cũng đã nhìn thấy qua thực tế và có những điều chỉnh trong thời gian qua, đồng thời đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng Đề án Đổi mới CT – SGK phổ thông sau năm 2015 hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề cập đến một số bất cập trong công tác tuyển dụng cán bộ, GV mà ngành đang gặp phải (các cơ sở GD không có quyền chủ động, việc tuyển dụng căn cứ nhiều vào bằng cấp thay vì thực tài)…

IMG_4214.JPG
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Cần làm rõ hơn những hoạt động mà ngành GD đã và đang triển khai để toàn xã hội được biết

Đối với một số hoạt động mà Bộ GD&ĐT triển khai đạt hiệu quả gần đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đề xuất cần bổ sung vào dự thảo Báo cáo. Trong số này, có thể kể tới Chương trình Tiếng Việt Công nghệ GD, đến nay Bộ GD&ĐT đã triển khai đến thời điểm này ở 36 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có những địa phương còn rất nhiều khó khăn như Lào Cai, Lai Châu…

Những kết quả đạt được cho thấy Chương trình có khả năng nhân rộng rất tốt, giúp giải quyết triệt để tình trạng HS tái mù chữ, góp phần hạn chế tình trạng học thêm. “Câu hỏi mà Quốc hội và toàn xã hội luôn đặt ra là có giải quyết được chuyện học thêm hay không thì Chương trình GD hiện hành cùng với mô hình trường học tiên tiến này giải quyết được tình trạng học thêm” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với vấn đề HS nghiên cứu khoa học ở bậc THPT, Bộ trưởng cho biết dù chưa nhiều nhưng ngành GD đã đưa vào một số trường ĐH, trước hết là khối trường Chuyên, được tiếp cận với công nghệ mới, được các nhà khoa học trực tiếp hướng dẫn. Với các kết quả bước đầu, dẫu chưa làm thay đổi hoàn toàn mô hình GD ở THPT nhưng đã tạo ra một hướng đi mới, với những kết quả cụ thể trong thành tích nghiên cứu khoa học của HS, thể hiện qua các giải thưởng uy tín gần đây.

Những kết quả này, theo đề xuất của Bộ trưởng, cần đưa vào Báo cáo giám sát, để toàn xã hội có thể thấy được những công việc cụ thể mà Bộ GD&ĐT đã triển khai trong thời gian qua, với những kết quả bước đầu đạt được, đồng thời là bước đi quan trọng cho Đề án Đổi mới CT – SGK phổ thông sau năm 2015 mà Chính phủ đang giao Bộ GD&ĐT xây dựng và dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát cũng có đề cập tới.

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ