Lạm phát liên tục được kéo xuống là tín hiệu tốt hay không tốt?

Lạm phát liên tục được kéo xuống là tín hiệu tốt hay không tốt?

(GD&TĐ)-Sáng nay 24/5, trong phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu đoàn Quốc Hội của TP.Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiến hành thảo luận xung quanh các nội dung: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%). Trong đó công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94%. 

Tại tổ thảo luận của đoàn Hà Nội: Về báo cáo tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách đất nước năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 của Chính phủ, các đại biểu ghi nhận những kết quả phát triển của đất nước thời gian qua nhưng cho rằng, báo cáo còn nhiều điểm chưa thực sự thuyết phục.

đáng lo vì sức mua giảm quá mạnh
Nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại vì sức mua giảm quá mạnh (ảnh có tính minh họa/Internet)

Theo đại biểu Bùi Thị An, trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, nền kinh tế đất nước tương đối ổn định và phát triển. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế đất nước, mặc dù đã chú ý đến tính bền vững nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vấn đề nổi lên hiện nay trong quá trình phát triển, theo đại biểu An, đó chính là môi trường, tai nạn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Tôi cho rằng, Đảng, Chính phủ và Nhà nước đã nhận ra được sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường, chắc chắn sẽ có những giải pháp tốt”, đại biểu An nói.

Đại biểu An đề nghị, Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về mô hình tăng trưởng, tiến hành tái cơ cấu với những giải pháp tổng thể.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, trước tình hình số doanh nghiệp giải thể ngày càng tăng, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho các DN. Đặc biệt, cần xem xét miễn thuế thu nhập và tăng tính hiệu quả của các gói kích cầu.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhận xét tình hình kinh tế-xã hội đất nước còn nhiều bất cập mà trong báo cáo chưa được chỉ rõ nguyên nhân.

“Hàng chục nghìn DN đã phá sản với nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân không tiếp cận được nguồn ưu đãi hạ lãi suất. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng nếu không có bước đi hiệu quả sẽ rất khó khăn”, đại biểu Quyền nói.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị, báo cáo Chính phủ cần có những đánh giá cụ thể, khách quan, đúng về những khó khăn, hạn chế, tìm ra nguyên nhân, từ đó mới đưa ra được những giải pháp hiệu quả.

Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, đại biểu Đào Trọng Thi cho rằng, trong điều hành các lĩnh vực này, chúng ta có một hạn chế chung là chỉ quan tâm đến số lượng, chưa đề cao yêu cầu chất lượng.

“Yếu tố chất lượng liên quan mật thiết đến phát triển bền vững. Ví dụ như trong lĩnh vực giáo dục, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến tăng trưởng số lượng bao nhiêu sinh viên/vạn dân, bao nhiêu trường trung học chuyên nghiệp, đại học... thì càng tăng về số lượng, chúng ta sẽ làm giảm chất lượng”, đại biểu Thi dẫn chứng.

Theo đại biểu Thi, cần đặt ra một hệ thống chỉ tiêu bao gồm cả số lượng và chất lượng cho các lĩnh vực phát triển xã hội. Lúc đầu, chuẩn có thể thấp, nhưng dần dần sẽ đạt và tiến tới ngang bằng các nước trong khu vực và thế giới.

Đánh giá khía cạnh xã hội, đại biểu Nguyễn Bắc Son cho rằng, xã hội hiện còn nhiều vấn đề bất ổn, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, còn một hiện tượng xã hội cũng cần lưu ý đó là người dân chống lại người thi hành công vụ, chính quyền. Theo đại biểu Son, ngoài sự tự phát còn có nguyên nhân do những người thực thi pháp luật chưa tốt.

“Chúng ta phát triển kinh tế - xã hội nhưng chất lượng chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều vấn đề... Tôi đề nghị cần kiểm điểm tái cơ cấu ngân hàng, tìm hiểu sau mỗi lần tái cơ cấu có lợi ích nhóm hay không, cần tránh tái cơ cấu nhưng làm giảm sức mạnh, không để một số người nhân tái cơ cấu hưởng lợi ích cá nhân mà không phục vụ lợi ích toàn dân”, đại biểu Son nói.

Hầu hết các đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM tán thành với báo cáo của Chính phủ. Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng các đại biểu cũng thể hiện những lo lắng trên nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, nhất là dấu hiệu suy giảm kinh tế.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần đánh giá việc lạm phát liên tục được kéo xuống là tín hiệu tốt hay không tốt? Ông cho biết đáng lo vì sức mua giảm quá mạnh, phải chăng giải pháp thắt chặt đầu tư công và thắt chặt tiền tệ khiến nền kinh tế thiếu máu, sức mua giảm quá mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Sức mua giảm khiến nhập khẩu giảm, giảm nhập siêu là do ngừng nhập chứ không phải là do các giải pháp điều hành; chắc chắn khi kinh tế phục hồi thì nhập siêu lại tăng. Điều đó cho thấy các giải pháp hiện nay chưa căn cơ.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, năm 2012, dấu hiệu suy giảm kinh tế rất rõ, rất đáng lo ngại. Ông cho biết, trong bối cảnh hiện nay, ông hoàn toàn đồng tình với Nghị quyết 13 của Chính phủ. Với tình hình sức mua giảm hiện nay, CPI chắc chắn dưới 10%, vì vậy Chính phủ hoàn toàn có điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải bài toán tăng trưởng. Vì nếu GDP giảm sút thì số thất nghiệp sẽ rất tăng. Từ nay đến cuối năm, chắc chắn khó đạt mục tiêu tăng GDP 6-6,5%%, nhưng có thể đạt 5,5-6%, cần nỗ lực nhiều.

Về các giải pháp tiền tệ (kinh tế hiện nay khát vốn nhưng thiếu máu), Chính phủ cần tăng tín dụng, chấp nhận nợ xấu, vì nếu ngân hàng thủ thế quá kỹ thì càng đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, đến lúc đó nợ xấu vẫn không giải quyết được mà doanh nghiệp phá sản càng nhiều.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, cùng với thắt chặt đầu tư công, chi tiêu thường xuyên, Chính phủ nên có các giải pháp “bung” ra để phát triển sản xuất kinh doanh. Ngân hàng cần hạ lãi suất xuống vì thực tế hiện nay, lãi suất tuy công bố giảm nhưng vẫn cao và doanh nghiệp rất khó vay.

Về các giải pháp điều hành của Chính phủ từ nay đến cuối năm (đã trình Quốc hội), các đại biểu bày tỏ sự tán thành. Đại biểu Trần Du Lịch cho biết ông hoàn toàn ủng hộ Chính phủ đề xuất miễn giảm thuế. Theo ông, miễn giảm thuế là lựa chọn khó khăn của Quốc hội trong tình hình hiện nay. Vì miễn giảm thuế có thể làm giảm thu 2012, nhiều công trình phải chậm lại, nhưng nếu không gỡ khó cho doanh nghiệp thì năm 2013 nguồn thu sẽ gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, cần đẩy mạnh giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp, giảm thuế VAT cho doanh nghiệp. Hàng triệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đang trông chờ vào quyết định của Quốc hội. Phải tồn tại thì mới tái cấu trúc nền kinh tế được.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cũng cho rằng, năm 2012 này cần nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế, đồng thời kích thích được những trọng điểm, những lĩnh vực có thế mạnh, nhưng thắt chặt đầu tư công.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Chính phủ nên chủ động giảm giá một số nguồn lực mà Nhà nước có thể cung ứng cho thị trường như đất đai.

Theo ông, nên đồng bộ 3 giải pháp: hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích sức mua và giảm giá một số nguồn lực mà Chính phủ có thể kiểm soát. Nền kinh tế đang hết sức khó khăn, các doanh nghiệp co cụm, nên nếu không triển khai các giải pháp thì cũng không thể thu thuế được.

Ngoài thảo luận các giải pháp của Chính phủ, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc sử dụng  nguồn vốn, tài sản của Nhà nước ở các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước. Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị Chính phủ phải giải trình về sử dụng nguồn vốn ở các tập đoàn kinh tế Nhà nước, làm rõ những lãng phí (nhất là đầu tư ở các DNNN) dàn trải, thiếu hiệu quả để bảo đảm việc sử dụng ngân sách, tiền thuế của người dân phải hiệu quả hơn. Đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) cũng đồng tình Bộ Tài chính cần tăng cường giám sát tài chính, đặc biệt là ở khối Doanh nghiệp Nhà nước.

Về các vấn đề xã hội, Đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) đề nghị Chính phù cần đánh giá đầy đủ hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Hiện nay phòng chống tham nhũng vẫn chưa hiệu quả, tham nhũng ngày càng phức tạp tinh vi, cơ chế xin-cho vẫn còn là điều kiện để nảy sinh tham nhũng. Theo bà, Chính phủ cần đánh giá những cơ chế kiểm sóat hiện nay để phòng ngừa tham nhũng vẫn yếu. Cùng với đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay còn nhiều nhức nhối.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) cho rằng, chiến lược phát triển giáo dục được triển khai quá chậm. Cần quan tâm vấn đề chỗ ở cho sinh viên, cần đưa việc xây dựng KTX cho sinh viên là một trong những tiêu chí để đánh giá các trường ĐH.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đánh giá cao các thành tựu của Chính phủ, tuy nhiên đại biểu cho rằng trong đánh giá của Chính phủ cần luận thêm một số vấn đề bức xúc của xã hội diễn ra, từ việc suy giảm kinh tế, dẫn đến các doanh nghiệp bị phá sản hoặc không có khả năng đóng thuế, dẫn đến hệ lụy là lao động mất việc làm. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phân tích thêm một số nội dung thuộc lĩnh vực xã hội không được kiềm chế…

ĐBQH Lê Minh Thông (Thanh Hoá) băn khoăn, tình trạng nước ta có trên 5.000 doanh nghiệp hiện nay dừng sản xuất và phá sản, dẫn đến hệ lụy xã hội nặng nề. Đại biểu cho rằng, trong điều kiện hiện nay, phải giải quyết minh bạch câu chuyện phá sản. Đây là vấn đề Chính phủ cần quan tâm xử lý, căn bệnh này sẽ "di căn" sang căn bệnh khác. Bên cạnh đó, khi chúng ta chưa khắc phục được việc chỉ  huy nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính, thì Chính phủ cần xem xét doanh nghiệp tiếp cận vốn như thế nào?

ĐBQH Lê Minh Thông cho rằng, vẫn đầu tư chiều ngang chứ không phải chiều rộng, tiền có bằng ấy, nên ưu tiên trọng tâm trọng điểm. Đại biểu cũng nhấn mạnh, bổ sung trái phiếu Chính phủ là cần thiết nhưng cần cân nhắc, việc điều chỉnh quy mô có thể dẫn tới làm tăng tổng mức đầu tư.

Nguyễn Sơn (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ