Làm nổi bật những điểm nhấn VNEN

GD&TĐ - Những đặc trưng riêng, những “điểm nhấn” của mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) đều được Sở GD&ĐT Khánh Hòa lưu ý và có chỉ đạo cụ thể và chi tiết; các trường triển khai thực hiện một cách linh hoạt. Đó là nhân tố quan trọng tạo nên hiệu quả của mô hình này trên địa bàn tỉnh.

Làm nổi bật những điểm nhấn VNEN

Báo Giáo dục và Thời đại trao đổi với bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa - về nội dung này.

Cập nhật "Nhật kí chuyên môn"

- Với mô hình VNEN, giáo viên không phải soạn giáo án trước khi lên lớp. Vậy việc chuẩn bị bài của giáo viên sẽ thay đổi như thế nào? Sở GD&ĐT Khánh Hòa có quy định cụ thể nội dung này không?

Đối với các môn học có sách Hướng dẫn học, các giáo viên phải thực hiện Nhật kí chuyên môn, được xem là một trong các hồ sơ chuyên môn của giáo viên. Chúng tôi yêu cầu mỗi giáo viên đều nghiên cứu bài học và phải soạn Nhật kí chuyên môn trước khi lên

Bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa 

lớp, tránh hình thức, sao chép. Trong Nhật ký chuyên môn, giáo viên ghi chép những chi tiết nội dung cần lưu ý, cần điều chỉnh, cần quan tâm, rút kinh nghiệm sau bài dạy, không sao chép tài liệu Hướng dẫn học vào nhật kí.

Giáo viên có thể trình bày Nhật kí chuyên môn theo hình thức vắn tắt hoặc hình thức chi tiết. Việc trình bày theo hình thức nào tùy thuộc vào năng lực của từng giáo viên và do giáo viên quyết định. Đối với các giáo viên mới tiếp cận phương pháp dạy học theo VNEN, Ban Giám hiệu tăng cường thăm lớp, dự giờ để nhận xét tiết dạy của giáo viên, qua đó tư vấn cho giáo viên việc chuẩn bị bài trước khi lên lớp.

Giáo viên có thể sử dụng lại Nhật kí chuyên môn cho các lớp hoặc các năm học nhưng phải có ghi chép cụ thể trong phần Rút kinh nghiệm, chia sẻ và điều chinh cho phù hợp với đối tượng học sinh.

Như vậy, tuy giáo viên không phải soạn giáo án, nhưng phải thực hiện ghi Nhật kí chuyên môn hàng ngày. Điều này giúp giáo viên hiểu sâu sắc hơn sách Hướng dẫn học để từ đó hỗ trợ, giúp đỡ học sinh tự học có hiệu quả

Khi soạn bài tham gia hội thi giáo viên tiểu học dạy giỏi các cấp, Sở GD&ĐT quy định rõ, giáo viên chỉ trình bày mục tiêu và các hoạt động, nhiệm vụ của một tiết học, không trình bày mục tiêu và các hoạt động, nhiệm vụ của cả bài học.

Giảm thuyết trình, tăng hướng dẫn tự học

- Phương pháp dạy học, tổ chức lớp học VNEN có đặc trưng riêng. Hoạt động này được Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tham gia VNEN trên địa bàn thực hiện như thế nào?

Phương pháp dạy học, tổ chức lớp học VNEN , Sở GD&ĐT Khánh Hòa quy định rõ: Đối với các môn học có tài liệu Hướng dẫn học, giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ, kiểm tra. đánh giá kết quả làm việc của từng nhóm, từng học sinh; động viên, khuyến khích và hỗ trợ kịp thời khi học sinh gặp khó khăn vướng mắc; tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của học sinh.

Đối với các Hoạt động giáo dục, các môn học tự chọn, học sinh không thực hiện tự học theo quy trình 10 bước học tập. Giáo viên tổ chức hoạt động cho học sinh theo bài soạn đã được chuẩn bị trong môi trường lớp học được tổ chức theo mô hình trường học mới. Trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục, giáo viên cần phát huy kinh nghiệm, kiến thức đã biết của học sinh.

Khi học sinh gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các hoạt động mà cần sự hỗ trợ, giáo viên hạn chế giảng giải, không trả lời trực tiếp các câu hỏi mà khuyến khích học sinh tự trả lời bằng hệ thống câu hỏi mở, giúp học sinh tự học tự khám phá, tự lĩnh hội kiến thức.

Khi lên lớp, giáo viên có thể thay đổi hình thức tổ chức. Ví dụ, Cho làm việc nhóm, nhưng nhiều nhóm gặp khó khăn cùng xin hỗ trợ thì giáo viên chuyển sang làm việc cả lớp, nhằm giúp học sinh thực hiện tốt các nhiệm vụ. Tuy nhiên, đây là việc “xử lý tình huống sư phạm" trên lớp, không phải việc “thay đổi logo trong tài liệu Hướng dẫn học”.

Giáo viên cần ghi nhận xét rút kinh nghiệm sau khi đã thực hiện việc thay đổi hình thức tổ chức. Muốn thay đổi lớp (hình thức tổ chức), các giáo viên phải đề xuất, thảo luận và thông qua tổ chuyên môn. Sau khi được tổ chuyên môn thống nhất, giáo viên sẽ ghi vào Nhật kí chuyên môn và được xem là điều chỉnh sách Hướng dẫn học. Khi vào đầu tiết học, giáo viên thông báo cho học sinh được biết để các nhóm tự tổ chức học tập theo hình thức đã điều chỉnh.

Chúng tôi cũng lưu ý, việc tích hợp đã được soạn trong tài liệu Hướng dẫn học, giáo viên nghiên cứu hướng dẫn học sinh khai thác sao cho có hiệu quả, tránh hình thức, máy móc.Việc tích hợp thực hiện tự nhiên, phù hợp với từng nội dung bài học, môn học, các Hoạt động giáo dục.

Như vậy, phương pháp dạy học trong VNEN, chúng tôi quán triệt cho giáo viên là hạn chế thuyết trình trên lớp và thay bằng giáo viên thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn học sinh tự học, hoàn thành nhiệm vụ học tập theo sách Hướng dẫn học đã gợi ý.

Linh hoạt trong chia nhóm, đánh giá

- Nói đến Trường học mới là nói tới việc học theo nhóm. Theo bà, việc chia nhóm như thế nào là hiệu quả nhất. Nếu lớp học đông, có quá nhiều nhóm, liệu giáo viên có thể đảm đương được hết công việc tổ chức tất cả các nhóm hay không?

Tùy theo tình hình cơ sở vật chất và số lượng học sinh/lớp mà nhà trường chỉ đạo việc chia nhóm trong lớp, chỉ nên bố trí tối đa từ 4 đến 6 học sinh/nhóm là có hiệu quả nhất.

Giáo viên cần quan tâm đến các đôi bạn học tập hợp lí để tạo điều kiện học sinh hỗ trợ nhau trong nhóm. Lưu ý vị trí của nhóm trưởng và vị trí đứng của giáo viên khi giao nhiệm vụ, giúp đỡ, hỗ trợ, kiêm tra, đánh giá học sinh của nhóm để có thể quan sát được bao quát các nhóm còn lại.

Tổ chức cho học sinh làm việc cá nhân (học sinh đọc thầm để nghiên cứu bài, không đọc thành tiếng), giáo viên hướng dẫn cho nhóm trưởng cần dành thời gian nhất định đảm bảo các bạn trong nhóm đều đọc hết nội dung cần đọc và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, sau đó mới tổ chức đến các hoạt động cặp đôi hoặc nhóm lớn.

Cũng cần lưu ý rằng, các thành viên trong nhóm, vị trí ngồi học của nhóm, không cố định mà có sự thay đổi. Một số học sinh khả năng nhận thức còn hạn chế, giáo viên bố trí ngồi cùng nhóm với những học sinh khá, giỏi, tiện cho việc giúp đỡ bạn trong quá trình học tập

- Sở GD&ĐT Khánh Hòa có quy định cụ thể về việc sử dụng Bộ công cụ hỗ trợ theo dõi tiến độ học tập của học sinh hay không? Nếu có thì cụ thể quy định là như thế nào?

Với Bộ công cụ hỗ trợ theo dõi tiến độ học tập của nhóm hoăc của cá nhân (như mặt cười - hoàn thành, mặt mếu - chưa hoàn thành,...), Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên nghiên cứu thực hiện sáng tạo với mục đích theo dõi được tiến độ học tập của nhóm, của cá nhân phù hợp, hiệu quả, tránh tạo sự phức tạp, nặng nề.

Đối với các môn học có sách Hướng dẫn học, giáo viên cần sử dụng bộ công cụ để theo dõi tiên độ học tập của các nhóm. Đối với các hoạt động giáo dục, các môn tự chọn, cần sử dụng linh hoạt đối với từng hoạt động giáo dục hoặc các môn tự chọn.

Thực chất, đây là kênh trao đổi thông tin, yêu cầu hỗ trợ giữa các nhóm và giáo viên

Hoạt động giáo dục thể chất không thể sử dụng do tổ chức ngoài trời; môn tự chọn Tin học khó sử dụng vì học sinh chủ yếu học theo cặp đôi và máy vi tính che khuất tầm nhìn.

Đối với tiết học không có nhiệm vụ làm việc cả lớp, giáo viên có thể thiết kế phiếu giao việc cho các nhóm tự tổ chức hoạt động. Nếu có từ 2 nhiệm vụ trở lên thì sử dụng mặt cười, mặt mếu và các bông hoa nhiệm vụ để theo dõi tiến độ học tập của các nhóm.

Đối với tiết học được thiết kế 3 nhiệm vụ, giáo vên không cần thiết kế phiếu giao việc mà tổ chức cho học sinh thực hiện từng nhiệm vụ. Sau mỗi nhiệm vụ, học sinh chỉ cần dùng mặt cười để báo cáo hoàn thành nhiệm vụ hoặc mặt mếu để giáo viên hỗ trợ.

Với bộ công cụ hỗ trợ theo dõi tiến độ học tập của cá nhân, có thể sử dụng trong các tiết học ở buổi hai nhằm nâng cao khả năng tự học, góp phần thực hiện yêu cầu phát triển năng lực của học sinh.

- Còn việc đánh giá học sinh ở những trường VNEN, làm sao để tránh hình thức, đảm bảo mục đích của việc đánh giá?

Các trường tiểu học trong toàn quốc, không riêng của Khánh Hòa tham gia VNEN được chỉ đạo thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30, tăng cường đánh giá bằng nhận xét với mục đích động viên, khuyến khích, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập.

Để tránh hình thức và đảm bảo mục đích của việc đánh giá, giáo viên hướng dẫn nhóm trưởng các kĩ năng bao quát nhóm, tổ chức thảo luận, tự đánh giá trong nhóm, tổng hợp kết quả đánh giá đế báo cáo cho giáo viên.

Giáo viên cần nghiên cứu kĩ bài học, có giải pháp hợp lý trong việc theo dõi, đánh giá việc thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ trong quá trình học tập của học sinh, tránh bỏ rơi học sinh yếu hoặc giáo viên phải đi lại quá nhiều mà hiệu quả không cao.

Trong quá trình học sinh làm việc tại nhóm (cả nhóm, cặp đôi, tự học), giáo viên phải quan sát để giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời; đồng thời kiểm tra, đánh giá các cá nhân đã hoàn thành nhiệm vụ, không phải đợi đến lúc nhóm cắm bảng “Hoàn thành” thì giáo viên mới đến kiểm tra, đánh giá.

- Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ