Thậm chí khi đã ở trên lề đường, tôi cũng hạn chế lấy điện thoại ra nghe hoặc gọi. Tuy nhiên, tôi cũng không tránh khỏi nạn cướp giật. Chiếc điện thoại bị giật ngay trước cửa nhà tôi (trong hẻm), một nơi được cho là an ninh nhất trong phường.
Mất của tôi buồn ít, nhưng buồn vì tình người thì hơi nhiều. Mặc cho tôi chạy theo tên cướp và la to: “Cướp! Cướp!”, người dân hai bên hẻm chỉ ùa ra và… đứng nhìn như đang xem phim hành động. Dù tên cướp chạy bộ nhưng tôi vốn đã lớn tuổi nên không đuổi theo kịp, đành lủi thủi quay về nhà. Tên cướp mất hút sau đó ít phút một cách dễ dàng.
Đem câu chuyện này kể cho người bạn nghe, tôi như nhận được một gáo nước lạnh tạt vào mặt mình: “Gặp tôi thì tôi cũng sẽ làm như họ!”. Rồi như đoán được thắc mắc của tôi, anh ta đưa ra quan điểm của mình. Anh nói có thể tên cướp mang theo hung khí, nếu người dân đuổi theo, biết đâu bị hắn đâm chết hoặc bắn chết. Nếu hắn không có vũ khí, có thể hắn đem theo kim tiêm, và biết đâu hắn nhiễm HIV lây qua cho mình.
Giả dụ hai trường hợp trên không xảy ra, tên cướp bị bắt, giao cho công an, thì cũng có nhiều vụ việc rắc rối tiếp tục xảy ra. Công an sẽ mời nhân chứng lên phường làm việc một hoặc nhiều lần. Dù mình không phạm tội nhưng người ngoài nhìn vào cứ nghĩ mình là kẻ xấu. Rồi công ăn việc làm bê trễ, thu nhập thất thu… Cuối cùng anh bạn tôi kết luận một câu: “Làm người tốt không dễ như ông nghĩ đâu!”.
Tôi thấy anh nói một phần cũng có lý, vì ngay chính bản thân tôi từng chứng kiến một vụ đánh nhau phải đi lên phường như đi chợ. Vừa mất thời gian, lại bị một số người khoái buôn chuyện hỏi han kiểu nghi ngờ mình là tội phạm: “Ông bị sao thế? Sao công an mời lên làm việc hoài vậy?”.
Tuy nhiên, không phải như thế là chúng ta vô cảm, sống chỉ nghĩ cho riêng mình mà chẳng thiết gì đến ai? Chúng ta đang sống trong xã hội, tức là có rất nhiều người: Xấu có, tốt có, giàu có, nghèo cũng có…
Nhiệm vụ của mỗi công dân là phải tự bảo vệ mình và cả bảo vệ những người xung quanh trước cái ác. Biết rằng vấn đề an ninh trật tự đã có công an, cảnh sát đảm trách nhưng không phải vì thế mà chúng ta phó thác hoàn toàn cho họ. Bởi đôi khi “nước xa không cứu được lửa gần”. Đó là lý do vì sao ngày xuất hiện càng nhiều hiệp sĩ săn bắt cướp.
Nếu mỗi người không vô cảm, đều chung tay bài trừ cái xấu, cái ác thì cướp giật sẽ không có đất dung thân và lụi tàn. Đúng là làm người tốt không dễ, nhưng vô cảm trước bọn bất lương là gián tiếp đồng lõa với điều xấu xa.