Làm gì khi học sinh “ì xèo” về đồng nghiệp?

GD&TĐ - Bạn đã từng ở vào tình huống thường xuyên nghe học sinh “ì xèo”, to nhỏ với nhau hoặc trực tiếp chia sẻ với bạn chuyện đồng nghiệp A dạy chán, chả có sức hấp dẫn gì,…?

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Giáo viên hỏi:

Được tiếng là gần gũi, thân thiện nên tôi thường được đồng nghiệp và học trò chia sẻ nhiều chuyện trên trời, dưới bể. Có nhiều chuyện để “cả nhà cùng vui” nhưng cũng có những tâm sự trong đó khiến tôi băn khoăn, không biết làm cách nào để ứng xử cho trọn vẹn.

Nếu ở vào vị trí của tôi, các thầy cô sẽ xử lý ra sao? Vì đã nhiều lần nghe tâm sự và “ca thán” của học sinh về đồng nghiệp này nên tôi băn khoăn không biết nên góp ý trực tiếp để bạn mình rút kinh nghiệm hay là phản ánh với tổ trưởng chuyên môn để có biện pháp giúp đồng chí ấy khắc phục nhược điểm? (Một cô giáo xin giấu tên)

Chuyên gia trả lời:

Hãy luôn thể hiện sự chân thành trong mỗi lời góp ý và đừng quên đặt niềm tin vào sự cố gắng của đồng nghiệp.

Theo Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tình (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), chuyện góp ý giữa các đồng nghiệp là chuyện tế nhị và đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế trong quá trình trò chuyện. Hơn nữa, đây là câu chuyện bạn nghe được từ các học sinh nên mức độ nhạy cảm còn cao hơn.

Giả sử nếu tôi là bạn, trước tiên xem giáo viên A là người mới ra trường hay đã có thâm niên?

Nếu giáo viên A mới ra trường thì lấy lời nhẹ nhàng thăm dò và nêu thông tin (theo kiểu phản ánh) cho giáo viên A biết, nghe phản hồi rồi mới góp ý hay hướng dẫn theo tình huống thực tế.

Nếu giáo viên A là người đã có nhiều năm công vụ, lựa lúc cà phê chuyện trò thân mật thì khéo léo góp ý kiểu “buôn dưa” để giáo viên A biết thông tin. 

Tuy nhiên, phải hết sức thận trọng, tránh để giáo viên A hiểu sai ý tốt của bạn. Bạn nên lựa tình huống, chờ phản hồi và bàn luận cách giải quyết, tùy theo mức độ thân tình và diễn tiến của câu chuyện.

Bạn nên lưu ý rằng, chuyện “ì xèo” của đám học sinh cũng là chuyện thường xảy ra và mới chỉ là thông tin một chiều. Tuy nhiên, nhiều thông tin lan truyền trong học sinh theo kiểu “thông tấn xã vỉa hè” cũng có ý nghĩa nhất định và đáng suy ngẫm.

Trong xu thế hiện nay, các trường Đại học thỉnh thoảng lại tổ chức lấy ý kiến của sinh viên về chất lượng giảng dạy và một số điều liên quan tới giảng viên.

Với tình huống này, giáo viên A có thể mới ra trường, nghiệp vụ chưa vững hoặc lười thay đổi phương pháp dạy học.

Học sinh hoàn toàn có thể cảm nhận, thầy cô của mình dạy hay, dạy tốt hay không khi so sánh với một thầy cô khác dạy cùng bộ môn!

Có lẽ cách tế nhị và vẹn toàn hơn cả để giải quyết tình huống này là: Chúng ta nên đề đạt với tổ trưởng tổ chuyên môn để nhắc nhở, giúp giáo viên A thay đổi. Còn nếu nỗ lực đó không mang lại hiệu quả, tốt nhất, tổ bộ môn nên tổ chức dự giờ tiết dạy của giáo viên A để “kiếm cớ”, sau tiết dạy trao đổi trực tiếp tình hình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ