Làm gác chắn sợ nhất là Tết

“Làm nghề này, sợ nhất là dịp Tết, sơ sẩy một tích tắc thôi xảy ra tai nạn ngay”, chị Huyền nói.

Lượng xe cộ qua lại đường ngang nhiều, có người còn say xỉn, nguy cơ mất an toàn rất cao. (Ảnh minh hoạ)
Lượng xe cộ qua lại đường ngang nhiều, có người còn say xỉn, nguy cơ mất an toàn rất cao. (Ảnh minh hoạ)

Thăm chắn đường ngang Định Công Km4+370 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Hà Nội) tầm giữa giờ sáng những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi xe máy, ô tô vẫn qua lại nườm nượp. Đã vậy, xung quanh đường ngang đủ thứ hàng quán, xe ôm hoạt động, ô dù giăng mắc, vi phạm cả vào hành lang đường sắt.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, nhân viên gác chắn lắc đầu nói: “Nhắc suốt nhưng họ cứ chây ì, nếu có dọn thì chỉ được một lúc lại bày ra. Nếu làm gắt quá họ chửi ngay, động đến miếng cơm manh áo mà. Lại sắp Tết rồi, hàng quán bày ra càng nhiều”.

Theo chị Hà, việc này dẫn đến nguy cơ mất an toàn cao vì người dân vi phạm hành lang đường ngang, nhân viên gác chắn như chị phải thường xuyên để ý, nhắc nhở mỗi khi sắp có tàu đến.

Còn với chị Phạm Thị Huyền, trạm chắn đường ngang Bổ Túc Km 3+750 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, những ngày cận Tết lo ngại nhất là nguy cơ bị người đi đường hành hung vì lưu lượng xe đông, hay ùn tắc hơn nên những va chạm cũng nhiều hơn.

Kể lại vụ việc đã xảy ra từ hồi Tết Mậu Tuất 2018, nhưng đến giờ chị Huyền vẫn e ngại, sợ bị trả thù. Hôm đó, chị cùng một đồng nghiệp nữ đang thao tác đóng chắn thì có ô tô lao vào đường ngang, đâm vào dàn chắn. Các chị buộc phải dừng đóng chắn để ô tô nhanh chóng qua đường ngang trước khi tàu đến. Tàu qua an toàn, tài xế điều khiển ô tô ra giữa đường ngang “ăn vạ”, rồi lao vào đập phá dàn chắn và đuổi đánh hai chị. May mà hai chị được sự hỗ trợ của đơn vị, công an tới giải quyết kịp thời.

Chị Huyền tâm sự: “Mọi người xung quanh bảo mấy cô gác chắn là sướng nhất. Cứ ngồi mát trong nhà gác, có tàu mới ra gác, chỉ mất vài phút. Biết đâu chúng tôi áp lực thế nào”. Như đơn vị của chị Huyền, lên ban 12 tiếng, nghỉ 24 tiếng. Nhưng 12 tiếng đằng đẵng đó, ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, không chỉ là gác cho tàu qua mà lúc nào cũng phải “canh” đường ngang, ngộ nhỡ có gì bất thường xảy ra như xe chết máy hay chướng ngại vật là phải kịp thời giải quyết nhanh trước khi có tàu. Đã vậy, dịp Tết tàu đông, biểu đồ chạy tàu thay đổi nên càng căng thẳng. Trong khi đó, lượng xe cộ qua lại đường ngang nhiều, có người còn say xỉn, nguy cơ mất an toàn rất cao.

“Làm nghề này, sợ nhất là dịp Tết, sơ sẩy một tích tắc thôi xảy ra tai nạn ngay”, chị Huyền nói.

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ