Làm đường từ rác thải, nhựa tái chế

GD&TĐ - Công nghệ trên đến với kỹ sư Toby McCartney rất tình cờ, khi ông còn làm việc ở miền Nam Ấn Độ cho một tổ chức từ thiện nhằm hỗ trợ cho những người đi thu nhặt rác tại các bãi chôn lấp. 

Công ty khởi nghiệp MacRebur (Anh), đơn vị đang sử dụng nhựa tái chế như là một giải pháp thay thế cho Bitumen trong công nghệ làm đường sá
Công ty khởi nghiệp MacRebur (Anh), đơn vị đang sử dụng nhựa tái chế như là một giải pháp thay thế cho Bitumen trong công nghệ làm đường sá

Toby McCartney khám phá ra rằng chất thải nhựa có thể đổ vào những “ổ gà” trên đường, đổ xăng và đốt lửa. Khi chất thải nhựa chảy ra chúng sẽ trám vào các “ổ gà”, chất nhựa nguội lại sẽ khiến cho mặt đường rất cứng.

Vật liệu mới

Từ quan sát trên, quay về lại quê nhà Scotland, kỹ sư Toby McCartney đã bàn bạc với 2 người bạn về việc mà mình đã chứng kiến. Anh Gordon Reid, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Công ty MacRebur nhớ lại, bộ ba cùng nhất trí rằng sẽ sử dụng chất thải nhựa để tạo ra một dạng vật liệu mới dùng cho việc xây dựng đường xá.

Sau một năm miệt mài nghiên cứu, bộ tam đã phát triển ra một phương thức có thể biến đổi chất thải nhựa tiêu dùng và chất thải nhựa công nghiệp thành những viên bột vật liệu mới nhằm thay thế cho Bitumen – là vật liệu có thể hàn kín nhựa đường khi trải nhựa trên đường.

Từ trái qua phải là các Giám đốc của Công ty MacRebur: Toby McCartney, Gordon Reid và Nick Burnett

Từ trái qua phải là các Giám đốc của Công ty MacRebur: Toby McCartney, Gordon Reid và Nick Burnett

Kể từ tháng 4 năm 2016 khi công ty MacRebur đi vào hoạt động, vật liệu xây dựng đường bằng nhựa tái chế của công ty đã được dùng để làm đường ở nhiều đô thị trên khắp nước Scotland sang đến Australia và cả Dubai, theo báo Daily Record (Scotland). CEO Gordon Reid tự hào khoe: “Chúng tôi làm đường trên mọi châu lục. Và cũng như chúng tôi đang để mắt tới khoảng 50 quốc gia trên thế giới. Hiện tại công ty đang có những cuộc thảo luận với một trường đại học ở tiểu bang California nhằm xây dựng một con đường thử nghiệm nhằm chứng minh rằng nhựa hoàn toàn có thể tương thích với những tiêu chuẩn khắt khe về làm đường ở Mỹ”.

Hỗn hợp nhựa và Bitumen

Sử dụng nhựa tái chế để làm đường nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng thật sự nó là một quy trình rất phức tạp nhằm tạo ra một thứ vật liệu hiệu quả và bền vững. Gordon Reid giải thích: “Nhựa khác nhau thì sẽ cho ra những loại bitumen khác nhau. Chỉ cần sai một li sẽ đi ngay một dặm, khiến cho bitumen trở nên dễ rạn nứt và gãy hơn”.

Do vậy, Công ty MacRebur tránh sử dụng các loại chai nhựa PET (polyethylene terephthalate) và các loại nhựa khác mà có thể dễ tái chế, mà thay vào đó là tập trung mọi loại chất thải nhựa có thể chôn vùi dưới đất.

Một dự án làm đường của công ty MacRebur ở Bahrain
Một dự án làm đường của công ty MacRebur ở Bahrain

Ống nhựa

Ở Mỹ, nhựa đang được sử dụng cho việc bảo trì đường xá. Tại Đại học Texas ở Arlington (UTA), giáo sư cơ khí dân dụng Sahadat Hossain, là Giám đốc của Viện nghiên cứu chất thải rắn cho sự bền vững (SWIS) đã để mắt tới nhựa tái chế như là một phương pháp nhằm giải quyết vấn đề đất không ổn định trên các con dốc của xa lộ, mà cuối cùng có thể làm hỏng mặt đường.

GS Sahadat Hossain đã phát triển ra một công nghệ lấy rác nhựa từ các bãi chôn lấp và tái chế chúng thành các ống khổng lồ rồi cắm vào lòng đất không ổn định để giữ nó ổn định.

Theo trang web UTA của GS Sahadat Hossain thì mỗi ống nhựa tái chế có thể dùng khoảng 500 chai nhựa soda. Tại một trong những địa điểm thử nghiệm, nhóm nghiên cứu của GS Hossain đã đặt 600 ống nhựa xuống đất (làm từ 300.000 chai nhựa được chôn trong các bãi chôn lấp).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ