Làm được 3 điều căn dặn này của người xưa, sống như tiên Phật

Ở nước ta, trước đây có một vị bác sỹ rất giỏi về các phương pháp tập luyện để nâng cao sức khỏe cho con người như khí công, thiền, dưỡng sinh. Ông lại là một nhà nghiên cứu triết học, nhà văn hóa lớn nên những lời giảng dạy của ông cho đám học trò chúng tôi đều mang ý nghĩa ẩn dụ, sâu sắc, minh triết đến ngạc nhiên.

Làm được 3 điều căn dặn này của người xưa, sống như tiên Phật
Lam duoc 3 dieu can dan nay cua nguoi xua, song nhu tien Phat - Anh 1

Ảnh minh họa.

Một trong những lời dạy để đời của ông là:

“Muốn đạt đến Minh triết trong giữ gìn sức khỏe tâm hồn và thể xác, con người phải cố gắng suốt đời tập luyện để đạt được Ba không”.

Ba không đó là: “Ngứa không gãi, Nóng không quạt và Bị chọc tức không nóng giận”.

Chao ôi, cái “Ba không” ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu đến như thế nhưng thực hành và đạt được kết quả thì thật là khủng khiếp, thật là toát cả mồ hôi, thật là chết đi sống lại, thật là trăn trở, vật vã.

Bài viết này chỉ dám đề cập đến “Hai không” là Nóng và Ngứa. Còn cái Không thứ ba thì chỉ dám nói qua vì nó khó khăn, phức tạp, quá sức của con người bình thường.

1. “Ngứa không gãi, Nóng không quạt ” dưới ánh sáng của Y học và Triết học:

- Con người và phản xạ bản năng, phản xạ sinh tồn:

Con người là một động vật cấp cao với hệ thống thần kinh hoàn chỉnh. Vì thế nó sẵn sàng đáp ứng với mọi biến đổi của môi trường mà con người đang sống để tồn tại và phát triển.

Thí dụ: + Tay ta sờ vào chén nước rất nóng, lập tức một cung phản xạ thần kinh hình thành. Não ra lệnh cho ta rụt tay lại để khỏi bị bỏng.

+ Thấy gió bụi bay trước mặt, mắt nhắm chặt lại để bảo vệ nhãn cầu.

Những phản xạ bản năng đơn giản này dần dần cùng với sự trưởng thành của tư duy, của lý trí mà con người được giáo dục từ nhỏ đến lớn, từ gia đình, học đường, xã hội sẽ dạy cho từng cá thể những chọn lựa, những đắn đo, những cân nhắc trước những hoàn cảnh luôn luôn thay đổi trong môi trường tự nhiên cũng như xã hội.

- Trong các bệnh da liễu gây ngứa hàng ngày:

Cảm giác ngứa là một dấu hiệu rất chủ quan, tùy theo thể trạng từng người, tùy theo nghề nghiệp, tùy theo lứa tuổi. Vì thế trước đây đã có một định nghĩa mới nghe rất buồn cười, nhưng sau đó đã được chấp nhận vì nó rất thực tế. Định nghĩa đó là: Ngứa là nếu gãi thì hết”. Rõ ràng gãi không phải là một biện pháp điều trị tích cực nào cả, nó chỉ gây đau rát hơn sự ngứa để chấm dứt ngứa mà thôi.

Trở lại với các bệnh da liễu gây ngứa. Các thày thuốc khuyên bệnh nhân không nên gãi, càng không nên gãi mạnh gây tổn thương da, làm lan rộng vùng tổn thương. Vì khi gãi ta kích thích vùng tổn thương tăng tiết hóa chất trung gian là histamin, lại càng gây ngứa thêm. Lúc đó chỉ nên xoa nhẹ xung quanh, hoặc gây đau ở vùng lành làm giảm bớt ngứa mà thôi. Nếu ai tập luyện tốt, có thể nhờ thể dục thể thao, đi bộ… mà quên cảm giác ngứa. Cảm giác ngứa sẽ thường xảy ra khi mình cứ chăm chú nghĩ đến nó.

Ở người già trên 70 tuổi, da bị khô, mỏng đi do lão hóa gọi là “da giấy”. Loại da này rất dễ ngứa, vừa gội đầu xong đầu lại ngứa, vừa tắm xong cứ gãi là lại ngứa. Vì thế người già càng phải năng tập luyện, sao cho cơ thể tăng cường vận động, mồ hôi ra hàng ngày, phổi thở đủ oxy hàng ngày đảm bảo không ngứa, không gãi như thói quen xấu của người trì trệ, hết ngồi lại nằm nghĩ vẩn vơ rất dễ ngứa, rất hay gãi lại càng làm lan rộng vùng ngứa ra. Thấy rõ nhất là về mùa đông, da khô, trời hanh. Da ngứa, khô nên bôi kem cho da ẩm lại, đừng gãi.

Như trên đã phân tích sự có hại của gãi thì thấy rõ là ngứa không nên gãi.

- Nóng không nên quạt:

Nóng mà quạt sẽ gây thói quen kém chịu đựng. Những ngày hè nóng nực, nhiệt độ ngoài trời lên đến 39 – 40oC, không khí hầm hập, ngột ngạt. Ta để ý thấy người nào kiên nhẫn chăm chú vào công việc sẽ ít thấy nóng hơn người kém chịu đựng, lười biếng, lúc nào cũng kêu than: nóng quá, nóng quá. Không khí nóng xung quanh hầm hập, dù ta có chĩa thẳng quạt máy vào người thì cũng chỉ đón những luồng gió nóng kinh khủng hắt vào, càng nóng bức khó chịu thêm, đã nóng lại càng nóng.

Qua những phân tích nêu trên, ta thấy “Ngứa không gãi, Nóng không quạt” chính là dạy cho ta phương pháp tự rèn luyện thân thể, vững vàng trước thay đổi của môi trường, làm chủ được tình hình. Qua các vụ sập hầm công nghiệp hay tai nạn giao thông cho thấy rõ ai bình tĩnh, yên tâm chờ giải cứu sẽ sống lâu hơn những người sợ hãi, hốt hoảng, ngất lên ngất xuống làm cơ thể càng thiếu oxy, càng thiếu năng lượng sẽ có hậu quả xấu ngay trước mắt.

2. “Bị chọc tức không nóng giận”:

- Cái “Không” thứ ba là: “Bị chọc tức không nóng giận” là cái “Không” khó nhất, vất vả nhất, vật vã nhất đối với một người bình thường, một hệ thống thần kinh - tinh thần bình thường:

Theo phản xạ tự vệ bản năng của sinh vật thì nếu bị tấn công sẽ xảy ra hai tình huống: chống lại hoặc cho qua (Flighting or Flying). Nếu chống lại thì lại không phải là “không” nữa. Ở đây là khuyên nên “cho qua”. Cái khó là ở chỗ ấy. Nó đòi hỏi con người phải cân nhắc thật nhanh, quyết định thật nhanh chứ không có thì giờ mà suy đi nghĩ lại, hoặc xin ai tư vấn. Thế mới khó.

Nếu bật lại ngay lập tức thế nào cũng sinh chuyện. Hậu quả có thể xảy ra ngay trước mắt như án mạng chết người, động chân động tay gây thương tích. Hậu quả có thể lâu dài, cứ thù hận kéo dài mãi, hết năm này đến năm khác, hết đời này đến đời khác, xảy ra những thảm kịch đau lòng. Nổi tiếng nhất là chàng Roméo và nàng Juliet, trong một tác phẩm để đời của Đại văn hào Shakespeare, đã cùng phải chết một cách thảm khốc để trả giá cho những hận thù, chọc tức lẫn nhau một cách ngu xuẩn của hai dòng họ.

Không cần nói nhiều về lý thuyết, chỉ nên nhớ rằng: lúc bị chọc tức cần phải nhẫn nhịn, bình tĩnh, cân nhắc kỹ. Vì có câu: “Lùi một bước, trời cao biển rộng” đã chẳng quá đúng hay sao.

Các cụ ta đã dạy: “Một sự nhịn là chín sự lành” đã chẳng thấu tình đạt lý lắm lắm hay sao.

Lại dạy: “Nhiều khi hậu quả của sự nóng giận nặng nề hơn nhiều so với nguyên nhân gây ra nóng giận”. Đúng thế, nó làm cho cả hai bên ân hận đến mãi mãi là sao lại xảy ra cái giây phút “định mệnh” tồi tệ đến như vậy, cái giây phút “định mệnh” tai hại đến như vậy.

- Người hay nóng giận là người yếu kém, người thất bại:

Khi đọc tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” ai cũng thấy rõ và rất khâm phục vẻ mặt ung dung tự tại của nhân vật Gia Cát Khổng Minh. Vì ông quá giỏi, quá nắm vững tình hình nên lúc nào cũng bình thản, luôn cầm chiếc quạt lông phe phẩy. Kiểu quạt ấy là để tạo ra một phong cách minh triết (Sagesse – Wisdom), nhìn đời bằng con mắt thông thái, bình tĩnh, ôn hòa. Thậm chí khi Khổng Minh chết rồi, một người đóng giả Khổng Minh ngồi trên thành cao cầm quạt phe phẩy, vẫn còn tác dụng lui quân địch.

Rất tiếc trong đời sống hàng ngày, có nhiều người luôn có thái độ hùng hổ, ăn to nói lớn, quát tháo người khác. Những người này luôn tỏ ra nóng giận, khó tính, cau có. Họ không biết rằng chính họ đang bộc lộ sự run sợ, yếu kém, thất bại của mình. Vì thế trong Thánh kinh cổ, vua Salomon đã có phổ biến và đã được Đại văn hào Pháp Jean Jacques Rousseau trích dẫn là: “Kẻ tức giận, hung tợn là kẻ yếu kém, thất bại” (La méchancheté vient de faiblesse).

Theo Tin Nhanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ