Lâm Đồng quyết tâm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 an toàn, nghiêm túc

GD&TĐ - Sáng 21/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có buổi làm việc và kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia tại tỉnh Lâm Đồng.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng trao đổi, làm việc với Ban chỉ đạo thi của tỉnh Lâm Đồng.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng trao đổi, làm việc với Ban chỉ đạo thi của tỉnh Lâm Đồng.

Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Lâm Đồng - cùng chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác.

Hai cụm thi đã sẵn sàng

“Trên tinh thần chuẩn bị nghiêm túc, với tinh thần không để xảy ra một sai sót nhỏ nào trong công tác chuẩn bị, đến nay cả hai cụm thi (Sở GD&ĐT và trường đại học chủ trì) đã sẵn sàng”- Ông Phan Văn Đa thông tin tới Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng và đoàn công tác.

Báo cáo cụ thể về tình hình chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016, TS Lê Hồng Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt - cho biết:

Cụm thi số 52 do trường chủ trì về cơ bản đã sẵn sàng. Công tác chuẩn bị phối hợp giữa trường, các phòng - ban - sở - ngành đều đã hoàn tất, công tác tập huấn được tổ chức kỹ càng với tinh thần hạn chế thấp nhất những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Với cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì (xét tốt nghiệp), bà Phạm Thị Hồng Hải - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - báo cáo: Năm nay số lượng thí sinh dự thi cụm thi địa phương giảm nhiều nên công tác chuẩn bị nhẹ nhàng hơn, nhiều điểm thi chỉ có hơn 100 thí sinh.

Tuy nhiên với tinh thần không chủ quan, suốt thời gian qua Sở GD&ĐT luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn; công tác đảm bảo an toàn, an ninh trường thi và bảo mật đề thi ở hai điểm xa nhất (Nam Cát Tiên, Đạ Tẻn) đều được kiểm soát sát sao.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng và đoàn công tác kiểm tra điểm in sao đề thi
 Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng và đoàn công tác kiểm tra điểm in sao đề thi

Hỗ trợ tối đa cho thí sinh

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Lạt - cho biết: Mục tiêu của thành phố là hỗ trợ tối đa cho thí sinh dự thi. Chúng tôi chỉ đạo tỉnh Đoàn xây dựng và thực hiện chương trình tiếp sức mùa thi, phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt, Đoàn thanh niên thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thí sinh như: Đưa đón đến điểm thi miễn phí, hỗ trợ suất ăn miễn phí (5.000 suất) và chỗ trọ miễn phí (5.000 chỗ ).

Hiện ngoài 200 tình nguyện viên là sinh viên tham gia tiếp sức mùa thi, TP Đà Lạt cũng xây dựng ngân sách hỗ trợ cho thí sinh khó khăn ở các huyện xa về.

Được biết, năm nay số thí sinh dự thi tại TP Đà Lạt giảm 7.000 em nên sức ép công tác chuẩn bị cũng giảm đi nhiều. Tuy nhiên với tinh thần không chủ quan, TP Đà Lạt thời gian qua đã chỉ đạo Công an TP rà soát kỹ các điểm có nguy cơ kẹt xe, các điểm kinh doanh, có nguy cơ nảy sinh tội phạm.

Dịch vụ ăn uống, kinh doanh cũng được Sở Y tế nhắc nhở, thường xuyên kiểm tra, siết chặt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe cho thí sinh dự thi.

Với các điểm thi thuộc Sở GD&ĐT tại các huyện vùng xa, công tác hỗ trợ thí sinh khó khăn đến điểm thi cũng được Sở GD&ĐT phối hợp với địa phương lên danh sách, hỗ trợ 100% chi phí đi lại, ăn ở.  

Không nể nang, dễ dãi trong coi thi

Chúng ta có thuận lợi khi công tác tổ chức thi chỉ gói gọn trong tỉnh nhưng cũng rất dễ nảy sinh những tình huống tiêu cực vì sự nể nang, dễ dãi trong công tác coi thi. Cần phải hết sức lưu ý, quán triệt điều này 
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng 

Kiểm tra các điểm thi và nơi tổ chức in sao đề thi, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đánh giá cao công tác tổ chức thi của tỉnh; đồng thời lưu ý đội ngũ cán bộ, giáo viên không được chủ quan.

Sai sót của giám thị, cán bộ coi thi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì vậy công tác tập huấn cần phải làm thật thường xuyên và đúng quy chế.

Bên cạnh đó, những người tham gia kỳ thi phải nắm rõ nhiệm vụ của mình. Bất kỳ một tình huống nào xảy ra trong điểm thi cần báo cáo ngay cho Điểm trưởng điểm thi và Ban chỉ đạo thi.

Ban chỉ đạo thi của tỉnh cần kết nối chặt chẽ các đầu mối liên lạc, thường xuyên tổ chức họp để xử lý các tình huống nảy sinh trong kỳ thi. Đặc biệt, công tác đề thi cần phải tuyệt đối được bảo mật.

Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Đa - chỉ đạo: “Tôi đề nghị tất cả các đồng chí có mặt tại đây phải cố gắng tuân thủ một cách tuyệt đối quy chế trường thi, không vì một vài khó khăn của địa phương mà làm khác, gây ảnh hưởng đến kỳ thi chung. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến kỳ thi chung, ảnh hưởng đến công sức chuẩn bị của cả tỉnh.

Các ban - ngành - sở chức năng tiếp tục quán triệt các quy định cho kỳ thi này đến từng cá nhân, tổ chức, tránh tình trạng chủ quan, xảy ra những tình huống không đáng có.

Đặc biệt Sở Thông tin - Truyền thông cần phải tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất để thí sinh có thể dễ dàng xét tuyển trực tuyến, hạn chế tối đa sự chậm trễ trong việc chuyển phát hồ sơ của các em.

“Chúng ta phải làm hết sức, hết trách nhiệm, cẩn trọng trong mọi chi tiết để hướng đến một mục tiêu duy nhất: Tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tất cả vì thí sinh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng lưu ý.

Cụm thi số 52 (xét tuyển ĐH - CĐ) có 12 điểm thi, 375 phòng thi với 11.714 thí sinh. Số cán bộ điều động làm công tác coi thi là 1.211 người (1.017 cán bộ là của trường). Trong số 170 cán bộ chấm 4 môn tự luận, trường huy động 60 cán bộ chấm thi. Công tác hỗ trợ, tiếp sức thí sinh được trường đặc biệt quan tâm.
Cụm thi địa phương có 12 huyện, TP nhưng chỉ có 11 điểm thi (ghép huyện Lạc Dương với TP Đà Lạt do học sinh quá ít) với 112 phòng thi phục vụ cho 2.552 thí sinh dự thi. Số cán bộ coi thi của Sở là 150 người, của hai đơn vị phối hợp( Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và Cao đẳng Y tế Lâm Đồng) là 150 người. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ