Vậy, tôi có được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh không? Thủ tục cấp như thế nào, cơ quan nào có thẩm quyền cấp?
Về vấn đề này Bộ Y tế trả lời bà Loan như sau:
Việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 41/2011/TT-BYT, hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu 01 quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này và hai ảnh 4 x 6 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 6 tháng tính đến ngày nộp đơn.
- Bản sao có chứng thực văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp.
- Giấy xác nhận quá trình thực hành.
- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác).
- Phiếu lý lịch tư pháp.
Tại khoản 3 Điều 16 Thông tư số 41/2011/TT-BYT quy định việc xác nhận về thời gian thực hành đối với hộ sinh viên, kỹ thuật viên và điều dưỡng viên như sau:
Đối với điều dưỡng viên đã thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trước ngày 1/1/2012:
- Nếu có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 9 tháng liên tục tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì được xác nhận có đủ thời gian thực hành.
- Nếu có thời gian khám bệnh, chữa bệnh chưa đủ là 9 tháng liên tục tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thời gian đã thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trước ngày 1/1/2012 được tính là thời gian thực hành (xác định từ thời điểm có hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng) và phải tiếp tục thực hành đến khi đủ 9 tháng để được xác nhận có đủ thời gian thực hành;
- Nếu đã có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 9 tháng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng sau đó đã không thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian 2 năm tính đến ngày nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề thì phải thực hành theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với điều dưỡng bắt đầu thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/1/2012 thì phải thực hành theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (9 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh).
Theo quy định tại điểm 2 Công văn số 6705/BYT-KCB ngày 4/10/2012 của Bộ Y tế về việc giải quyết vướng mắc khi thực hiện cấp chứng chỉ hành khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
“Xác nhận quá trình thực hành trước ngày 01/01/2012 đối với người hành nghề làm việc trong tổ chức hoặc cơ quan không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại phòng khám chuyên khoa tư nhân quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư số 41/2011/TT - BYT ngày 14/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế như sau: Đối với tổ chức hoặc cơ quan không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhưng có phòng y tế hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (ví dụ: Phòng y tế Cục Quản trị A Văn phòng TW Đảng hoặc phòng y tế Trung tâm sức khỏe nghề nghiệp thuộc Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động hoặc phòng y tế Trung tâm y tế Bách Khoa...) việc xác nhận thời gian thực hành đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phải có xác nhận của tổ chức hoặc cơ quan đó kèm theo quyết định thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền”.
Như vậy, người hành nghề là điều dưỡng thực hành liên tục đến nay là 2 năm tại y tế trường học (có quyết định thành lập bộ phận y tế cơ quan) thì đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề nộp tại Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi làm việc.