Làm đẹp cho đời

GD&TĐ - Gần 30 năm đứng lớp dạy học cho trẻ khuyết tật, hai ông bà vẫn mong mỏi có nhiều sức khỏe để lên lớp hằng ngày. Cuộc sống dẫu khó khăn nhưng cả hai vẫn hạnh phúc bên nhau với ý tưởng làm đẹp cho đời.

Cô giáo Đỗ Thị Nga dạy chữ cho trẻ khuyết tật
Cô giáo Đỗ Thị Nga dạy chữ cho trẻ khuyết tật

Hẹn gặp ông bà Nguyễn Văn Minh và Đỗ Thị Nga vào một ngày cuối tuần tại Trung tâm Giáo dục Trẻ em khuyết tật (Quận 4, TPHCM), chúng tôi chứng kiến không khí say sưa học tập tại đây. Bà Nga cho biết, hiện trung tâm có 70 em học sinh bị chậm trí và khiếm thính được chia thành 6 lớp với 3 cấp độ để giảng dạy.

Tùy theo khả năng nhận thức của các bé mà có những bài học phù hợp như tập viết, tập đọc, làm toán, vẽ, kỹ năng tự lực… Khó nhất là lớp cấp độ 3 mà bà đang đảm nhận. Mắc căn bệnh chậm trí hoặc hội chứng Down, các bé khó tiếp thu những kỹ năng tưởng chừng đơn giản với nhiều người, như ăn uống, đi vệ sinh, thay quần áo… Người đứng lớp không còn cách nào khác là kiên nhẫn dạy kèm riêng cho từng em trong lớp.

Năm nay bà Nga đã 67 tuổi nhưng vẫn rất tâm huyết với công việc giảng dạy cho các trẻ khuyết tật. Kể về công việc của mình, bà cho biết: “Khi còn là bảo mẫu ở trường mẫu giáo gần Linh Quang tịnh xá, quận 4, TPHCM, tôi thường xuyên qua lại nhà chùa. Chiều đó, sư thầy cho biết sẽ mở một trung tâm nuôi dưỡng giáo dục trẻ khuyết tật, hoạt động miễn phí để chia sẻ gánh nặng với gia đình và xã hội. Đêm về, tôi suy nghĩ rất nhiều rồi quyết định xin nghỉ ở trường để hỗ trợ trung tâm này. Biết công việc sẽ rất vất vả, thu nhập không cao, nhưng tôi muốn góp một phần công sức của mình để chăm lo, giúp đỡ các em”. 

Là một trong những người đầu tiên gầy dựng trung tâm từ năm 1989, bà đã phải đến từng hộ có trẻ khuyết tật để động viên các em đi học. Đến nay bà trở thành giáo viên lớn tuổi nhất và có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc dạy dỗ trẻ khuyết tật tại trung tâm.

Sinh ra tại thành phố Đà Lạt, ngay từ lớp một, cậu học trò Văn Minh đã đứng đầu ở tất cả các môn học. Chữ của ông viết đẹp như tranh và tranh vẽ đẹp như thật. Nguyễn Văn Minh dễ dàng thi đậu vào Trường Mỹ thuật Sài Gòn (nay là Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) với số điểm cao.

Sau khi ra trường, ông xách ba lô thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ tầm cỡ. Nhưng cái mơ ước giản dị ấy bị ngăn trở bởi chiến tranh. Ông trôi dạt khắp nơi rồi gặp người con gái quê Tiền Giang, Đỗ Thị Nga mê nghệ thuật và hội họa. Hai tâm hồn nhanh chóng hòa hợp, cuộc hôn nhân đến như sự sắp đặt của tự nhiên.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông làm đủ thứ nghề kiếm sống, cuối cùng “theo” vợ vào làm tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật quận 4, (TP Hồ Chí Minh). Ở Trung tâm, ông từng làm đủ thứ nghề, kể cả dạy vẽ, đàn, võ cho học viên, bảo vệ, giữ xe. Ông Minh là một trong những người đầu tiên đưa bộ môn võ vào giảng dạy cho trẻ em khuyết tật.

Rồi những năm tháng trên bục giảng, “giấc mơ xưa” thỉnh thoảng hiện hữu, nung nấu mỗi khi ông dạy học trò vẽ từng đường nét, chỉ cách tô màu. Được mọi người động viên, nhất là người bạn đời, cô giáo Nga, ông bắt đầu cầm lại cọ vẽ.

Ông nảy ra ý tưởng trang trí lại những bức tường cũ kỹ, hoen ố trong xóm. Ban đầu, còn thấp thỏm lo sợ bị người ta trách và bắt phải xóa những bức tranh đó đi nhưng không ngờ việc làm của ông được mọi người ủng hộ và tấm tắc khen những tác phẩm nghệ thuật ngẫu hứng đó. Những bức tranh của ông đa phần khắc họa những nét đẹp của quê hương, mùa xuân và hòa bình. Dần dà, công việc đó trở thành một sở thích khó bỏ, ông chia sẻ: “Ngày nào không vẽ không chịu được”.

Thấy ông mê mẩn với màu sơn, nét cọ nhưng đôi khi túi lại rỗng, thỉnh thoảng cô giáo Nga lại dấm dúi tiền để chồng mua sơn. Hai người con trai của ông cũng ủng hộ ba hết mình.

Ông chia sẻ, cả hai vợ chồng chưa bao giờ nghĩ đến việc rời bỏ trung tâm để làm công việc khác nhiều tiền hơn. Tình cảm của cả hai dành cho các em học sinh đặc biệt còn hơn cả tình thầy trò. Các em gặp ông bà ở ngoài đường đều chạy lại trao những cái ôm vô cùng trìu mến.

Bà Nga vẫn thầm ước luôn có thật nhiều sức khỏe để lên lớp dạy học cho các em khuyết tật và mong có những mạnh thường quân đóng góp cho việc học của các em được tốt hơn.

Bà cho biết: “Biết công việc sẽ rất vất vả, thu nhập không cao, nhưng vợ chồng tôi muốn góp một phần công sức của mình để chăm lo giúp đỡ các em… Những khi nhận được tin có những em ra trường và tìm được việc làm tốt, trong lòng chúng tôi rất vui và hạnh phúc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ