Lai Châu chú trọng giữ vững, tăng cường củng cố các thành quả giáo dục

GD&TĐ - Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu sáng nay (15/10) tại UBND tỉnh.

Lai Châu chú trọng giữ vững, tăng cường củng cố các thành quả giáo dục
Lai Châu chú trọng giữ vững, tăng cường củng cố các thành quả giáo dục ảnh 1Lai Châu chú trọng giữ vững, tăng cường củng cố các thành quả giáo dục ảnh 2Lai Châu chú trọng giữ vững, tăng cường củng cố các thành quả giáo dục ảnh 3

Cùng dự buổi làm việc, về phía Bộ GD&ĐT có Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Trần Công Phong, đại diện Văn phòng Bộ, các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT; các Giám đốc Sở GD&ĐT: Hà Nội, Điện Biên, Lào Cai.

Về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Lò Văn Giàng - Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Chử - Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh.

Quy mô và chất lượng giáo dục tăng lên theo từng năm

Quy mô giáo dục của tỉnh tăng nhanh, chính vì vậy trong những năm tới tỉnh cần phải chú ý giữ vững, tăng cường củng cố các thành quả giáo dục, nhất là đối với giáo dục chuyên nghiệp đã có sự tăng tưởng nhanh về số lượng, các trường này phải chú trọng đến cơ cấu giảng viên, các yếu tố đảm bảo chất lượng. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận  

Lai Châu là tỉnh miển núi còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra hàng năm; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém và chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

Đến nay, quy mô trường lớp, học sinh của tỉnh tăng nhanh theo từng năm học. Toàn tỉnh hiện có 433 trường học, cơ sở giáo dục với 127.585 học sinh; tăng 259 trường và 69.590 học sinh so với năm 2004 mới thành lập tỉnh.

Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, tỷ lệ học sinh vào các lớp học đầu cấp đạt cao: vào học lớp 1 Tiểu học đạt 99,5%; lớp 6 đạt 98,2%, vào lớp 10 THPT cả hai hệ đạt trên 73%.

Cơ sở vật chất trường, lớp học được tỉnh quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Hiện toàn tỉnh có 6.400 phòng học, trong đó phòng học kiên cố chiếm tỷ lệ trên 57%, bán kiên cố 26%, phòng học tạm còn chiếm 16,5%.

Chất lượng giáo dục tại tỉnh Lai Châu có nhiều chuyển biến tích cực; mô hình trường nội trú, bán trú đã được tỉnh tăng cường nguồn lực củng cố quy mô học sinh và chất lượng giáo dục. 

Công tác phổ cập giáo dục được tỉnh quan tâm đặc biệt: năm 2010 Lai Châu được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về PCGD THCS và PCGD Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; hiện nay đã có 100% xã, phường thị trấn đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn: Giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có sự chênh lệch so với vùng trung tâm. 

Tỷ lệ bỏ học ở THCS, THPT còn cao, số lượng trúng tuyển vào ĐH- CĐ, số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia còn ít. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng với yêu cầu công tác GD&ĐT trong tình hình mới. 

Số phòng học tạm, phòng học nhờ, mượn còn cao (trên 1.000 phòng); các trường bán trú trong những năm qua tuy phát triển nhanh nhưng còn thiếu rất nhiều công trình phụ trợ cho học sinh bán trú...

Tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trên đây để GD&ĐT Lai Châu có những bước tiến chất lượng bền vững, tỉnh Lai Châu đã có những đề xuất kiến nghị với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT: 

Cho phép một số cơ sở giáo dục ĐH mở các lớp liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ tại tỉnh; Có cơ chế, chính sách cho nhân viên phục vụ trong các trường Phổ thông dân tộc bán trú, nội trú; 

Kéo dài thời gian hưởng phụ cấp sau 5 năm cho giáo viên đang công tác tại vùng khó khăn chuyển đến giảng dạy tại một vùng khó khăn khác; 

Bộ GD&ĐT hỗ trợ cho các tỉnh miền núi, biên giới về kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng công trình phụ trợ cho các trường học, quan tâm hỗ trợ tỉnh tăng cường năng lực cho trường THPT Chuyên...

Chú trọng giữ vững các thành quả giáo dục

Tại buổi làm việc, đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT đã giải đáp những kiến nghị, đề xuất của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định: Lai Châu là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, có vai trò quan trọng trong phát triển thủy điện đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo an toàn mưa lũ cho vùng xuôi.

Tuy nhiên, tỉnh cũng còn có nhiều khó khăn trong giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trong đó có nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục.

Về lĩnh vực GD&ĐT, Lai Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ngành Giáo dục nơi đây vẫn có nhiều tồn tại, hạn chế cần nỗ lực khắc phục để nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng lưu ý: Quy mô giáo dục của tỉnh tăng nhanh, chính vì vậy trong những năm tới đây tỉnh cần phải chú ý giữ vững, tăng cường củng cố các thành quả giáo dục, nhất là đối với giáo dục chuyên nghiệp đã có sự tăng tưởng nhanh về số lượng, các trường này phải chú trọng đến cơ cấu giảng viên, các yếu tố đảm bảo chất lượng. 

Cùng đó là việc đào tạo, nâng chuẩn bằng cấp cho cán bộ, viên chức, phải chú ý đến chất lượng thật. Công tác này liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để triển khai các hoạt động giáo dục ngành đang đổi mới.

Với đề nghị liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ, các bộ phận giúp việc chuyên môn của Bộ sẽ làm việc cụ thể với Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu để đảm bảo các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo.

Lãnh đạo Ngành tháo gỡ những khúc mắc giúp địa phương

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị Trường Cao đẳng Cộng đồng - Đơn vị đầu đàn trong đào tạo nhân lực của tỉnh - phải tính đến việc tăng cường đội ngũ, tăng cường chất lượng đào tạo để ngoài việc đào tạo trình độ thạc sĩ, trong thời gian tới phải đủ lớn mạnh để tham mưu với tỉnh triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong công cuộc đổi mới GD&ĐT.

Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng đối với số lượng giáo viên tuyển mới, đã đạt chuẩn trình độ; đối với các giáo viên đang công tác chưa đạt chuẩn trình độ phải cố gắng sớm đạt chuẩn đáp ứng đòi hỏi ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục.

Liên quan đến các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng cho biết: Những năm trước đây, Bộ đã có những ưu tiên cho các tỉnh khó khăn trong phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ thuộc Đề án Kiên cố hóa trường lớp, học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012.

Với nhân viên phục vụ trong các trường nội trú, bán trú, Bộ Nội vụ đã ban hành chính sách xác định vị trí việc làm trong xã hội hiện nay và chưa có vị trí việc làm tương ứng trên đây nên không thể bố trí ngân sách nhà nước để trả lương cho các nhân viên này. 

Đề nghị địa phương cùng các nhà trường tính toán, huy động các nguồn lực tài chính khác để trả thù lao cho các nhân viên, đảm bảo ngày công lao động.

Liên quan đến biên chế giáo viên, Bộ trưởng đề nghị các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Nội vụ để thành lập nhóm công tác nghiên cứu thực tế tình hình tại địa phương nhằm tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại trong cơ chế, chính sách đã ban hành về công tác này.

Đối với các công trình phụ trợ trường nội trú, bán trú khi thành lập, xây dựng trường, địa phương phải chú ý xây dựng bể nước, bếp nấu cho các trưởng đảm bảo công tác nấu ăn hợp vệ sinh cho học sinh.

Tỉnh cũng cần mở rộng quy mô các trường PTDTNT cấp tỉnh và ở huyện dựa trên căn cứ nhu cầu học tập của con em các đồng bào dân tộc trong vùng. Có thể thành lập trường liên cấp nội trú để tạo thuận lợi cho học sinh dân tộc được học trong các trường nội trú.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng các thành viên trong đoàn đã đến thăm cơ sở vật chất, trò chuyện với đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Lai Châu.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp thu những kiến nghị về điều chỉnh suất đầu tư các công trình trường học, những bất cập trong chế độ phụ cấp thu hút theo Nghị định số 19 của Chính phủ để sớm có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với các địa phương miền núi, biên giới như Lai Châu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ