Tương truyền rằng khi Đức Phật còn tại thế, trong một lần đi truyền đạo ở Myanmar, Ngài đã trao một sợi tóc cho vị tu sĩ TaikTha và Ngôi chùa này đã được xây dựng lên để cất giữ phần xá lợi này. Chùa được xây dựng từ năm 574, tức là khoảng thời gian khi Đức Phật còn tại thế, có thể xem là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất khu vực Đông Nam Á.
Toàn bộ quang cảnh Chùa Đá Vàng là một tảng đá to lớn hình trông như một quả trứng khổng lồ với đường kính theo chiều cao khoảng 7,3m và chu vi khoảng 15,2m.
Hòn đá thiêng này nằm ở vị trí cao 1.100m so với mực nước biển, nhìn khá kỳ lạ và bí ẩn vì độ nghiêng và điểm nối kết giữa hai hòn đá với nhau rất mỏng manh, dường như đã vượt ra ngoài quy luật tự nhiên của lực hút trái đất.
Dù nhìn rất chông chênh nhưng hàng ngàn năm qua, hòn đá thiêng này vẫn đứng rất thăng bằng, vững chắc, trường tồn với thời gian.
Trên khối đá thiêng này là một ngôi chùa bằng vàng cao khoảng 5,5m. Xung quanh tảng đá cũng được những người sùng đạo dát những lớp lá vàng mỏng lên trên, qua năm tháng thì nhìn như một khối vàng khổng lồ.
Dù đường đến chùa khá là khó khăn vất vả cheo leo, thời tiết có mùa mưa kéo dài triền miên hàng tháng không dứt, hàng ngày vẫn có hàng trăm người dân Myanmar lặn lội đến đây chiêm bái, cầu nguyện những điều may mắn cho bản thân và gia đình. Người ta dâng cúng lễ vật, viết những lời cầu an, và đọc kinh cầu nguyện trong gian nhà nguyện được xây sát bên chùa.
Được chạm tay, áp mặt và đầu vào hòn đá thiêng là niềm mơ ước của nhiều người dân Myanmar. Tuy vậy, phụ nữ không được làm điều này. Chỉ có đàn ông được bước lại gần và chạm tay vào hòn đá thiêng. Tương truyền rằng nếu để phụ nữ chạm tay vào, hòn đá thiêng sẽ rơi ngay xuống vực, nên nơi này lúc nào cũng có người canh giữ ngày đêm.
Những người hành hương thực thụ sẽ rời khách sạn từ tinh mơ, chọn đường bộ để lên đỉnh núi và đi trong hơi sương mát lạnh. Khi thấy mái chùa bằng vàng ẩn hiện xa xa, thì cũng là lúc hừng đông.
Ánh sáng chói lòa của hòn đá thiêng cùng với ánh nắng ban mai sẽ như chiếu rọi, lộng lẫy và bừng sáng cả một vùng. Và những lời kinh thì thầm sẽ làm cho không gian thêm thanh tịnh huyền ảo.
- Từ dưới chân núi có hai cách để lên chùa: nếu đi xe thì mất khoảng 1 tiếng, và bạn phải chuẩn bị tinh thần cho những đoạn đèo dốc quanh co rất hồi hộp vì có cảm giác mạo hiểm. Cách thứ hai là đi bộ xuyên qua những khu rừng, mất khoảng 4 – 6 tiếng đồng hồ cho quãng đường dài khoảng 11km.
Tuy không phải là đường đi quá mệt nhọc nhưng cũng cần phải đủ sức khỏe. Nhưng nếu đi nửa đường mà cảm thấy mệt không thể tiếp tục thì cũng có thể thuê võng, kiệu của người địa phương để được mang lên chùa.
- Tất cả người hành hương không được phép mang giày dép vào khuôn viên khu vực chùa chiền, cho nên bạn phải gửi dép từ bên ngoài. Phí gửi giày dép rẻ nên bạn cần chuẩn bị ít tiền lẻ trong túi cho việc này.
- Chụp hình cảnh chùa ở Myanmar phải trả phí, cũng rất rẻ. Bạn chuẩn bị tiền lẻ và khi trả phí xong sẽ được phát một tấm card nhỏ đính vào máy ảnh, để bạn có thể chụp ảnh thoải mái.
- Phụ nữ không được chạm tay vào Chùa Đá vàng, cũng như không được tiến lên khu vực chính điện trung tâm của các ngôi chùa ở Myanmar. Bất cứ ngôi chùa nào cũng có người đứng gác. Nên nếu là phụ nữ đi du lịch đến đây, bạn nhớ quan sát và thận trọng.