Kỷ vật trở về từ lòng đất

Kỷ vật trở về từ lòng đất

(GD&TĐ) - Cuốn nhật ký có tựa đề “Thế hệ Hồ Chí Minh” dày 35 trang chứa đựng lòng yêu nước , lý tưởng sống cao đẹp của một nữ chiến sĩ chưa rõ tên. Nhật ký ghi chép những năm tháng công tác, hành quân của tác giả trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1966, trên vùng đất Chiến khu Đ thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.

 
v
Trang bìa và nôi dụng bên trong của cuốn nhật ký

Cuốn nhật ký này được ông Huỳnh Văn Sáng ở ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên vừa trao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, với mong muốn tìm được chủ nhân cuốn nhật ký và nhân thân. Ông Sáng cho biết, cách đây không lâu ông đã tìm được cuốn nhật ký trong bọc ni lông, bị chôn vùi bên cạnh các hài cốt liệt sĩ trong khu mộ của gia tộc ông.

Theo ông Sáng, năm 1966 có 6 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh ác liệt ở xã Tân Mỹ đã được chôn trong khu mộ của gia tộc ông. Do đó, ông Sáng phán đoán cuốn nhật ký vừa tìm thấy là của 1 trong 6 chiến sĩ này. “Khi tìm thấy cuốn nhật ký có tựa là “Thế hệ Hồ Chí Minh” trong người tôi như nổi cả da gà, lặng người đi. Dường như người chiến sĩ cách mạng viết cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” muốn gửi gắm điều gì đó, hay nhắn nhủ tôi đi tìm người thân và đồng đội còn sống hoặc đã chết nên đã phó thác cho tôi cuốn nhật ký này”- ông Sáng xúc động nói.

v
Nhân vật trong bức ảnh này có nhiều khả năng chính là tác giả của quyển nhật ký

Bị chôn trong lòng đất đã 50 năm qua nhưng nội dung cuốn nhật ký vẫn rõ ràng từng chữ. Rất tiếc tác giải cuốn nhật ký không nói rõ tên tuổi, quê quán của tác giả do phải giữ bí mật trong kháng chiến. Song nét chữ và nội dung trình bày thể hiện đây là một phụ nữ, xưng tên “M.” từng dạy học và có nhiều đoạn nhắc đến người thân quê ở Cần Thơ . Đặc biệt trong cuốn nhật ký có một số bài thơ và 6 tấm ảnh. Trong đó có tấm ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi còn nguyên vẹn. Một số tấm ảnh về chân dung một cô gái còn trẻ được phỏng đoán là tác giả cuốn nhật ký. Ngoài ra còn một số ảnh có thể là của người thân, đồng chí và đồng đội.

v
Tấm hình anh hùng Nguyễn Văn Trỗi được tìm thấy trong cuốn nhật ký

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương nhận định: Cuốn nhật ký “ Thế hệ Hồ Chí Minh” có giá trị lớn về tư tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng khá sâu sắc. Ban Tuyên giáo cho biết sẽ đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thẩm định giá trị cuốn nhật ký này và in thành sách, để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ thanh niên ở tỉnh Bình Dương.

 
Nhiều khả năng các bức ảnh này là người thân của tác giả cuốn nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh"
Nhiều khả năng các bức ảnh này là người thân của tác giả cuốn nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh"

Xin trích đăng một số dòng trong nhật ký:

- Tháng 12-1962: Rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng. Vừa dạy học, vừa tham gia các mặt công tác kháng chiến ở địa phương.

- Tháng 2-1963: Dự lớp chuyên môn, sau một tuần học tập, trở về hướng dẫn lớp PT, một trường ở ấp nhà.

- Tháng 10-1963: Vì yêu cầu công tác, M. được chuyển đến dạy ở một trường khác của xã (ấp B.T).

- Tháng 2-1964: Trường xã không có người, M. được bố trí về đây.
- Tháng 5-1964: Được tin chuẩn bị đi dự lớp sư phạm ở R (họp ngày 30-5), rất phấn khởi về tư tưởng. Vì đi học sẽ có kiến thức, phục vụ cách mạng nhiều hơn.

- Ngày 4-6-1964: Ngày giỗ ngoại. Qua lời khuyên của cậu, M. cố khắc sâu vào tư tưởng, cố gắng làm thế nào cho xứng đáng là đứa cháu của cậu, đứa con ngoan của ba má, đứa con ưu tú của Đảng.

- Ngày 22-6-1964: Rời gia đình lên đường học tập, M. có cảm nghĩ mới lạ. Khi học tập phải cố gắng với bổn phận của mình để xứng đáng là đứa con yêu của ba má, đứa em của các chị, đứa con của cách mạng, của Đảng.

- Ngày 4-7-1964: M. đến điểm học tập. Trong sinh hoạt ở đây có nhiều mới lạ, vui tươi. M. thích quá - Tư tưởng đã lớn, con người cũng mạnh dạn kể từ đây.

- Ngày 26-7-1964: Được tin giặc càn bố xã nhà, M. cảm thấy buồn và lo lắng nhiều. Không biết bà con ở đây ra sao? Gia đình M. thế nào? Sốt ruột mong biết tin.
 

 Minh Hằng (T.H)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.