Những ngày này, gia đình nghệ sĩ cải lương Thanh Nga lại sum họp để làm giỗ cho bà và chồng - luật sư Phạm Duy Lân. 37 năm trước, vào ngày 26/11/1978, vợ chồng nữ nghệ sĩ bị sát hại ngay trước cửa nhà riêng tại quận 1, TP HCM. Những câu chuyện về Thanh Nga được người thân ôn lại với sự tôn kính và tiếc thương.
Nghệ sĩ Thanh Nga thời son trẻ. |
Nghệ sĩ Hà Linh - con trai của cố nghệ sĩ - nhớ lại giây phút nguy khốn của cả gia đình. Thời khắc bị kẻ truy sát dùng súng uy hiếp, Thanh Nga đã giấu con trai ra sau lưng rồi nằm đè lên để giữ tính mạng cho con. Cũng trong phút thập tử nhất sinh, tình yêu Thanh Nga dành cho chồng bộc lộ rõ nét. "Chứng kiến bố tôi bị bắn, mẹ nói: "Bố chết rồi mẹ con mình chết theo bố thôi"", Hà Linh nhớ lại.
Khoảng 23h đêm 26/11/1978, khi diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng - nằm ở khu vực chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, nghệ sĩ Thanh Nga lên chiếc xe hiệu Volkswagen sơn màu xám nhạt do chồng bà cầm lái để về nhà. Thanh Nga ngồi băng ghế phía sau với con trai Cúc Cu, 5 tuổi. Ở ghế trước, cạnh tài xế có võ sư Nguyễn Văn Các, làm vệ sĩ bảo vệ Thanh Nga. Ngay khi xe dừng trước cổng nhà (trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1), vệ sĩ Các bước ra mở cửa thì bất ngờ một chiếc Honda trờ tới, hai tên lạ mặt nhảy xuống, dùng súng ngắn P38 khống chế anh vào trong xe. Chúng tiếp tục uy hiếp vợ chồng Thanh Nga để bắt bé Cúc Cu. Khi vợ chồng nghệ sĩ chống cự, chúng liên tiếp nã đạn bắn chết cả hai rồi vọt mất. Viên đạn trúng ngực trái đã cướp đi sinh mệnh của Thanh Nga ở tuổi 36.
Trong ký ức người thân, phía sau hào quang sân khấu, Thanh Nga là một người mẹ, người vợ đảm đang, hết lòng yêu thương chồng con. Hà Linh khi còn bé thường xuyên theo mẹ đi diễn. Lúc mẹ lên sân khấu, anh ở trong cánh gà chạy nhảy, nghịch ngợm đến mướt mồ hôi. Kết thúc đêm diễn về nhà thường hơn 22h, thay vì có thể tự đi tắm rửa cho sạch sẽ, anh vờ buồn ngủ để được mẹ cưng chiều.
"Mẹ rất mệt nhưng việc đầu tiên bao giờ cũng là lấy khăn mặt chườm nước ấm lau rửa cho tôi sạch sẽ, pha sẵn bình sữa để đầu giường rồi mẹ mới đi thay phục trang và lau son phấn". Theo lời anh, nghệ sĩ cưng con trai đến mức có lần Hà Linh bị cảm, nghệ sĩ Thanh Nga sợ con đau nên dùng bông gòn để cạo gió thay vì dùng những vật dụng dân gian vẫn làm là thìa nhôm hoặc đồng bạc. "Lúc đó ở nhà ai cũng cười nhưng mẹ tôi bỏ qua hết bởi mẹ sợ tôi đau", người con trai kể.
Bà Ánh Mai - em gái cố nghệ sĩ kể rằng, mấy năm sau đám cưới với luật sư Phạm Duy Lân, Thanh Nga mới mang thai con đầu lòng. Nhà có người giúp việc nhưng mọi việc chăm con, nghệ sĩ đều tự tay làm. Cúc Cu (tên thân mật của nghệ sĩ Hà Linh) hay có cữ bú đêm. "Tự tay chị Nga pha sữa, để đầu giường cho con chứ không nhờ ai làm. Mọi việc tắm rửa, giặt giũ cũng vậy. Đêm nào đi diễn chị cũng mang con theo", em gái nghệ sĩ hoài niệm.
Nghệ sĩ Thanh Nga bên chồng con và mẹ chồng. |
Thanh Nga đến với luật sư Phạm Duy Lân là cuộc hôn nhân thứ hai của cả hai, mang đến cho họ cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Người thân của bà kể, khi mới lấy nhau, ông Lân để hết gia sản cho người vợ cũ, còn Thanh Nga vốn không có nhiều của cải. Đôi vợ chồng cùng thuê chung cư ở trọ, sau một thời gian dài họ mới dành dụm mua được nhà riêng. Trên sân khấu, Thanh Nga hiện lên như một nữ hoàng, nữ tướng nhưng ngoài đời, trong mắt người thân, bà hết sức nhỏ bé, nhất là trước chồng.
"Mỗi đêm sau khi nhận lương hát, chị Nga được 42 đồng. Chị đưa chồng giữ 40 đồng, hai đồng chị bỏ ống chờ đến mùa sầu riêng thì đập ống lấy tiền mua ăn. Chị rất tin tưởng anh Lân, đưa hết tiền cho chồng giữ. Nhưng anh Lân không muốn vợ ăn nhiều sầu riêng vì sợ nóng. Bởi vậy, chị Nga thường giữ lại hai đồng để lén mua sầu riêng ăn", ông Chí Tiên - em trai cố nghệ sĩ - kể.
Với mẹ - bà bầu Thơ nổi tiếng của gánh hát Thanh Minh - Thanh Nga, Thanh Nga luôn vâng lời vì hai người hiểu nhau đến "chân tơ kẽ tóc". Khi nghệ sĩ qua đời, chỉ duy nhất bà bầu Thơ mới có thể thay con gái chăm sóc cháu trai Hà Linh.
Với anh em, đồng nghiệp, cố nghệ sĩ Thanh Nga là một người chu toàn, có trách nhiệm và cư xử hết sức mềm mỏng, dịu dàng.
Nghệ sĩ Thanh Nga là chị cả, được mẹ tin tưởng nhưng không khi nào nạt nộ các em. Theo lời người em gái, khi bà đạt thành tích học tập tốt ở trường, Thanh Nga sẵn sàng mua tặng em chiếc PC - xe Honda được coi là thời thượng những năm 1970.
"Tôi bị ngã xe cũng gọi chị Ba (tên thân mật của Thanh Nga ở nhà), hết tiền đổ xăng cũng chị Ba. Nga thích nước hoa lắm mà tôi hay nghịch ngợm phá của chị. Chị không mắng mà chỉ khuyên: "Thay vì để chị mất tiền mua nước hoa mới, tiền đó chị dành ra để sửa mũi cho Chín"", bà Ánh Mai ngậm ngùi.
Thanh Nga trong phim "Xa lộ không đèn". |
Với đồng nghiệp, Thanh Nga không cậy là con chủ gánh hát nổi tiếng, mà bà sống chan hòa, nhân ái. Những cô đào trẻ học nghề trong đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thường được bà mang son phấn, mũ áo đến cho, giúp đỡ họ tự tin hơn khi bước đầu đến với sàn diễn.
Tài và sắc của Thanh Nga được chắp cánh thêm nhờ tâm nhân hậu khiến cho những ai tiếp xúc với bà đều sinh lòng cảm mến. Nghệ sĩ cải lương Thanh Lan là người có nhiều kỷ niệm gắn bó với Thanh Nga. Thanh Lan từng chứng kiến những ngày Thanh Nga nằm bệnh viện vì bị ném lựu đạn, cố nghệ sĩ được khán giả hâm mộ tặng rất nhiều quà. Thanh Nga đem quà chia đều cho những bệnh nhân nằm cùng mà không giữ lại cho riêng mình.
Nghệ sĩ Thành Được - người từng có thời gian gắn bó với Thanh Nga - tâm sự cuộc đời ông trải qua nhiều mối tình nhưng người phụ nữ khiến ông nhớ lâu chính là Thanh Nga. "Ngoài sân khấu Thanh Nga rất đoan trang, điềm đạm. Trong hậu trường cô không nghiêm nghị với đồng nghiệp. Cô vui tính, có khi rất dí dỏm và nói đùa nhiều câu thật có duyên", Thành Được chia sẻ.
Những năm 1960 - 1970, Thanh Nga được coi là "nữ hoàng" trên sân khấu cải lương miền Nam. Bà từng đoạt giải Thanh Tâm triển vọng với vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới. Năm 1966, nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm xuất sắc với vai Giáng Hương trong vở Sân khấu về khuya.Nghệ sĩ cải lương Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31/7/1942 tại Tây Ninh. Từ năm 10 tuổi, bà đã bước lên sân khấu tuồng cổ để hát mở màn cho mỗi đêm diễn của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga do mẹ làm chủ.
Năm 12 tuổi, bà vào vai bé Nghi Xuân trong vở Phạm Công - Cúc Hoa. Từ năm 16 tuổi, Thanh Nga trở thành một "ngôi sao sáng" của làng cải lương miền Nam nhờ hội tụ đầy đủ thanh sắc của một đào hát. Thanh Nga có chất giọng và phong cách diễn xuất được người trong nghề đánh giá là đặc biệt.
Bà quyến rũ khán giả bằng giọng ca mùi mẫn, đầy cảm xúc, khi thanh thoát, khi day dứt, cũng có lúc bi ai nhưng rất chân phương. Đến tận ngày hôm nay, giọng hát và cách diễn của bà vẫn được xem là chuẩn mực để thế hệ nghệ sĩ ngày sau học tập.
Hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, tên tuổi Thanh Nga gắn liền với nhiều vở cải lương gây tiếng vang như Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa, Phụng Nghi đình, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng sóng Tiêu Tương... Ngoài cải lương, nghệ sĩ góp mặt trong nhiều phim điện ảnh như Loan mắt nhung, Xa lộ không đèn, Sau giờ giới nghiêm, Lan và Điệp...
Nghệ sĩ ra đi ở tuổi 36 vì bị sát hại khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Năm 1984, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. 37 năm sau cái chết của nghệ sĩ tài danh, tên bà được đặt cho một con đường thuộc khu dân cư Gia Hòa, phường Phước Long B, quận 9, TP HCM.