Ký ức khai giảng ngập tràn niềm vui của bà Trần Thị Tâm Đan

GD&TĐ - Mặc dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng những ký ức về ngày khai giảng của bà Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vẫn vẹn nguyên như ngày nào và luôn ngập tràn niềm vui.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bà Tâm Đan nhớ lại thời còn là “cô giáo làng”. Ngày ấy, bà dạy ở một trường THCS ở thị xã Sơn Tây (tỉnh Hà Tây cũ). Cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng luôn ngập tràn niềm vui và ấm áp tình thầy - trò. Ngày khai giảng luôn là ngày hội của học sinh theo đúng nghĩa.

“Để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là giờ phút đón chào các em HS đầu cấp. Cảm xúc lúc đó thật khó tả thành lời - vừa mới, vừa quen và có thêm một chút háo hức. Giáo viên chúng tôi luôn trân trọng, nâng niu và thân thiện với HS để các em không cảm thấy bỡ ngỡ và xa lạ”, bà Tâm Đan chia sẻ.

Bà cho biết, ngày ấy, mỗi khi nhận chủ nhiệm lớp đầu cấp, bao giờ bà cũng đến thăm gia đình các em HS để đến ngày khai giảng, cô - trò không còn xa lạ. “Nhớ nhất có một năm, đúng ngày khai giảng, cô được học trò tặng một bó hoa sen thơm ngát vừa được hái tại ao của gia đình. Tình cảm cô - trò luôn dạt dào, thân thương và ngập tràn niềm vui trong ngày khai giảng”, bà Tâm Đan tâm sự và cho biết: Đến khi bà làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và sau này khi ở bất kỳ cương vị hoặc vị trí công tác nào cũng vậy, mỗi lần dự lễ khai giảng năm học mới, bao giờ bà cũng muốn tận mắt chứng kiến và dự trọn vẹn thời khắc thầy cô đón các em HS đầu cấp. Với bà, đó là giây phút thiêng liêng, đáng nhớ và là kỷ niệm khó phai mờ đối với mỗi em HS.

Bà Trần Thị Tâm Đan. Ảnh: Sỹ Điền
 Bà Trần Thị Tâm Đan. Ảnh: Sỹ Điền

Bà cũng mong muốn, trong ngày khai giảng năm học mới 2019 - 2020 sẽ có nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ, các trò chơi hoặc các hoạt động giáo dục ngoài trời dành cho HS. Đây phải thực sự là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, mà ở đó các em là nhân vật trung tâm trong mọi hoạt động.

Kỳ vọng năm học mới sẽ thành công trên mọi phương diện, bà Tâm Đan nhấn mạnh: GD đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Vì vậy, mỗi thầy, cô trước hết phải là nhà GD. Chú trọng dạy học theo hướng phát triển năng lực của người học, bởi năng lực ấy sẽ tạo ra động lực để HS học tập và làm việc sau này. Các nhà trường cũng cần thay đổi, mà trước hết là thay đổi mối quan hệ thầy - trò. Ngoài ra, cần đổi mới công tác quản lý, xây dựng nền nếp, kỷ cương trong các nhà trường để “thầy ra thầy và trò ra trò”.

“Bên cạnh đó, cần quản lý và lập lại trật tự về vấn đề truyền thông trong GD. Vấn đề này cần được bàn bạc kỹ lưỡng và có giải pháp phù hợp. Đồng ý là truyền thông cung cấp thông tin cho xã hội, nhưng cũng cần hiến kế các giải pháp để GD ngày một tốt hơn, không nên chỉ đưa ra hiện tượng, rồi thả nổi thông tin” - bà Tâm Đan nêu ý kiến.

Bà đặc biệt nhấn mạnh: Năm học 2019 - 2020 cũng là năm tiền đề quan trọng để triển khai Chương trình GDPT, SGK mới đối với lớp 1. Vì vậy, ngoài việc chú trọng bồi dưỡng GV thì vấn đề thẩm định, lựa chọn SGK cũng cần được ưu tiên hàng đầu. “Tôi tin là chúng ta sẽ lựa chọn được những bộ SGK chất lượng, đáp ứng lòng mong mỏi của xã hội và thầy - trò trên cả nước”, bà Tâm Đan tin tưởng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.