Ký ức của những người thân về Hàn Mặc Tử (Kỳ 1)

GD&TĐ - Phận số đã khéo trói buộc những thi nhân có một đời sống nội tâm rất đổi lạ thường, họ nặng nỗi với đời, với người, với vạn vật của tạo hóa…

Nhà thơ Hàn Mặc Tử
Nhà thơ Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ kiệt xuất của thời kỳ hiện đại, một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam giữa thời hoàng kim của phong trào thơ mới. Với tài năng xuất chúng của mình, với nỗi đớn đau của định mệnh vô cùng nghiệt ngã. Ông đã hoàn tất sứ mệnh với cuộc đời, để lại cho đời một di sản vô cùng quý báu với nhiều câu thơ kỳ diệu có thể xếp vào hàng hay nhất của thi ca Việt Nam.

78 năm qua, kể từ ngày thi sĩ rời xa cõi tạm, đã có không biết bao nhiêu người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ đã kính cẩn nghiêng mình rơi lệ trước anh linh của người thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh này. Với tư duy khác lạ của một nhà thơ hiện đại, cùng với sức tiên cảm đặc biệt của một bậc “thánh thi”, trong những tháng năm ngắn ngủi của đời mình, Hàn Mặc Tử đã “hóa giải” được mối liên hệ thống nhất khăng khít giữa thi sĩ với vũ trụ vô thủy vô chung này.

“Một mai kia ở bên khe nước ngọc

Với sao sương anh nằm chết như trăng

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm”

Sinh thời, nhà thơ tài hoa này đã mắc phải một chứng bệnh khốc hại (bệnh phong) mà cho tới nay người đời vẫn cứ đinh ninh rằng Hàn Mặc Tử phải sớm lìa xa cõi thế cũng vì chứng nan y này.

Rất ít người biết được rằng, từ sau khi được người anh rể (chồng của chị Lễ), một viên chức làm việc trong ngành xét nghiệm phát hiện bị mắc bệnh phong, suốt bốn năm trời chạy chữa và dưỡng bệnh ấy, dẫu rằng có rất nhiều những người bạn, những người tình trong mộng đến bên cạnh Hàn Mặc Tử, vậy mà “vết thương tâm” trong nhà thơ vẫn cứ mỏi mòn.

Hạnh phúc thay còn có một người, đó là ông Phạm Hành (em con chú ruột của Hàn Mặc Tử). Vì quá thương anh sớm lâm trọng bệnh mà ông Hành đã bỏ học để theo chăm sóc, đưa cơm xách nước, phục vụ chu tất trong những ngày nhà thơ chống chọi tuyệt vọng với căn bệnh nan y.

Là anh em chú bác ruột, nhưng người mang họ Nguyễn (Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912, tại làng Lệ Mỹ, nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), người lại mang họ Phạm, là do ông nội của nhà thơ và ông Hành là ông Phạm Bồi (người gốc Thanh Hóa), vì có liên quan đến phong trào Cần Vương chống Pháp, nên sau khi phong trào thất bại, ông Bồi đã phải trốn vào ẩn dật ở đất Thừa Thiên.

Khi sinh ra thân phụ của Hàn Mặc Tử, ông Phạm Bồi đã cải họ Phạm của mình thành họ Nguyễn và đặt tên cho con là Nguyễn Văn Toản nhằm tránh những rắc rối về lý lịch sau này. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, khi sinh ra thân phụ của ông Hành thì ông Phạm Bồi vẫn giữ nguyên họ Phạm để đặt tên cho con?

Ông Phạm Hành sinh năm 1924, tại làng Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Khi lớn lên, do những run rủi của phận người, bước chân ông đã dạt trôi đến vùng đất ở phía Nam cầu Mỹ Chánh, thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và sống luôn ở đó cho đến bây giờ.

Thời điểm tôi cùng với Nhà báo Nguyễn Hoàn ở Báo Quảng Trị (Nay Nhà báo Nguyễn Hoàn là Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị) tìm đến được nhà ông Hành, trông ngôi nhà của vợ chồng ông trú ngụ nhỏ bé và tuềnh toàng lắm, nằm khuất sau một lối đi nhỏ cỏ mọc um tùm, hoang vắng. Vườn nhà tuy rộng nhưng cũng chỉ có mấy gốc chè, vài cây mít…

Gia sản đáng giá nhất có chăng cũng chỉ là một cỗ hậu sự do mấy người con đi xây dựng vùng kinh tế mới ở tận trong miền Đông Nam Bộ gom góp chuẩn bị sẵn cho ngày ra đi của ông và một kho ký ức về nhà thơ tài danh Hàn Mặc Tử.

Sau khi cha mất sớm, Nguyễn Trọng Trí được mẹ đưa vào Quy Nhơn để sống với người anh ruột là Nguyễn Trọng Nhân (lúc này ông Nhân là công chức ở Sở cầu đường Quy Nhơn, Bình Định). Năm 1928, Nguyễn Trọng Trí được mẹ cho ra Huế học. Năm 1930, đoạt giải nhất cuộc thi thơ do một thi xã tổ chức với bút hiệu là Lệ Thanh và Phong Trần.

Năm 1932, Nguyễn Trọng Trí làm công chức ở Sở Đạc Điền Quy Nhơn dưới quyền của Thương tá Hoàng Phùng (thân sinh của bà Hoàng Thị Kim Cúc – người yêu của Hàn Mặc Tử). Năm 1934, theo Thúc Tề vào Sài Gòn ôm mộng viết báo, làm thơ, lấy bút hiệu là Hàn Mặc Tử. Năm 1936, thấy mình nhuốm bệnh, Hàn Mặc Tử đã từ giã những người bạn cùng ôm mộng làm thơ, viết báo của mình, từ giả cả Sài Gòn hoa lệ để quay trở lại Quy Nhơn và xuất bản tập thơ đầu tay “Gái Quê”...

Năm đó, ông Hành chừng mười hai, mười ba tuổi gì đó. Sống bên cạnh Hàn Mặc Tử, ngày ngày ông giúp nhà thơ thay quần áo rồi gói ghém mang đến tiệm thợ giặt gửi giặt, lo bưng cơm, rót nước, đặc biệt là lo dán tem lên những bì thư rồi đạp xe đi bỏ thư vào những thùng thư mà Nha Bưu điện đặt rải rác dọc các đường phố Quy Nhơn. Ông Hành nhớ là hầu như ngày nào anh Trí cũng bảo ông đạp xe đi gửi thư cả, có ngày tới ba, bốn lá…

Dừng lại và ngẫm nghĩ một hồi lâu ông Hành kể: “Hồi đó, anh Trí chỉ mới bị mấy cái nụ đỏ đỏ ở trên mặt thôi, chứ chưa phải là phong hủi chi hết. Khi bệnh còn nhẹ, sáng nào anh Trí cũng tập thể dục thiệt sớm, thường là anh kéo dây, khi khỏe thì anh kéo một lúc 6 sợi dây cao su, lúc nào mệt thì anh chỉ kéo 2, 3 sợi thôi. Rồi cả ngày anh viết thơ luôn tay không nghỉ, rồi dạo lui, dạo tới ngâm thơ một mình như người điên… (cười).

Anh Trí có kiểu viết thơ lạ lắm, khi mô cũng nằm ngửa, rồi kê tờ giấy trong lòng bàn tay mà viết. Chữ của anh Trí thì cứ chữ này dính với chữ kia kéo thành dây nhìn ngồ ngộ. Hỏi thì anh nói viết như rứa cho mau”. Dù đã cách xa nhà thơ từ nhiều năm lắm rồi, nhưng ông Hành vẫn nhớ như in hình bóng của người anh khả kính. “Thân hình anh Trí không to mà cũng không nhỏ lắm, đầu tóc khi mô cũng bờm xờm như đội mũ bia rê. Trưa trưa, chiều chiều là bắc ghế mây ra trước sân ngồi nhìn phong cảnh ở ngoài con đường Khải Định.

Tính tình hiền từ như con gái, và rất ít khi nghe anh Trí nói chuyện ở nhà. Vậy mà mỗi khi có bạn thơ họp mặt, ngâm ngợi với nhau thì anh Trí là người cãi sôi nổi hơn ai hết. Về sau khi bệnh tình hành hạ, anh Trí hầu như không thích giao du với mọi người nữa" - Ông Hành nhớ lại - "Hồi đó có một cô gái nói giọng Bắc Kỳ sang trọng lắm, ngày nào cũng thuê xe kéo tay đảo lui đảo tới vài vòng trước nhà để xin gặp mặt anh Trí, nhưng mà anh cứ trốn lỳ trong buồng từ chối không gặp mặt.

Riết rồi cô con gái năn nỉ quá anh mới chịu cho gặp, nhưng với một điều kiện là cô gái kia phải bịt mắt khi đối diện với nhà thơ. May thay, bà Nguyễn Thị Duy, mẹ của Hàn Mặc Tử biết chuyện và đã cho cô gái cởi khăn bịt mắt ra".

Theo ông Nguyễn Bá Tín (em ruột của Hàn Mặc Tử) thì: “Anh Trí vốn ít nói, sống thầm lặng, nhất là sau tai nạn ở bờ biển, lại càng khép kín hơn.

Gần bên anh lâu ngày, tôi biết anh có nhiều tâm sự chưa hề tiết lộ với ai. Bên ngoài có vẻ như lặng lẽ vô tình nhưng bên trong lại rất nồng nàn mãnh liệt mà anh đang sống bằng cảm thụ.

Giá như anh không làm thơ để “bài tiết” cái tâm sự của anh, thì thật nguy hiểm vô cùng, nhất là với tình trạng mà tôi cho là bất bình thường sinh lý sau đây:

Từ thời còn đi học giáo lý, anh chịu ảnh hưởng sâu đậm của cha Thiềng, một linh mục nhân đức có nếp sống đơn sơ mà anh rất cảm phục yêu mến.

Có hai điều giáo lý của cha mà anh ghi nhớ rất cẩn thận và tuân thủ vô cùng chặt chẽ. Đó là:

– Nhân đức sạch sẽ (có nghĩa tinh khiết) mà cha hay nói: “Điều răn thứ sáu (tình dục) rất đáng sợ, thậm chí các Thánh ngày xưa không dám nói đến tên.

– Đừng bắt chước bọn Pharisiêu mà kinh thánh cho là giả hình. Cần phải sống bằng nhân đức khiêm nhượng kín đáo (humilité).

Trong đời anh, người con gái duy nhất mà anh dám trò chuyện vui đùa là chị Như Lễ, ngoài ra anh không hề mở miệng với bất cứ thiếu nữ nào đồng trang lứa dù là để chào hỏi, kể cả láng giềng hay bà con.

Chị Lễ có học, ít nhiều có khiếu văn chương, rất hợp với anh. Nhưng hễ ngồi lại là hay tranh cãi, nhất là cãi giáo lý, và chị Lễ thường bị anh chỉ trích là Pharisiêu, vì chị có thói quen đứng hàng giờ bên bàn thờ sau buổi kinh tối (tôi nghĩ hai chị em không có đề tài để nói chuyện ngoại trừ tranh cãi giáo lý).

Và chị Lễ cũng là người con gái đầu tiên được anh ca ngợi tán dương trong bài “Chơi giữa mùa trăng” như một pho tượng trinh nữ.

Không biết có phải vì anh có những nét nhân đức thật sự, hay vì e ngại tội lỗi, mà cha Thiềng nhắm muốn đỡ đầu cho anh đi tu, xem anh như có ơn kêu gọi, cho nên anh rất sợ bị dòm ngó đạo đức của anh mà vốn dĩ anh là đứa trẻ nghịch ngợm nhất nhà. Ngay cả những khi đọc kinh anh cũng rất kín đáo, tràng hạt trong túi áo, hai tay thọc sâu vào đi đi lại lại im lặng. Không ai biết anh lần tràng hạt hay làm thơ. Thế rồi, anh biết yêu. Khi anh tiến sâu vào địa hạt văn thơ.

Bạn bè đều biết anh bắt đầu yêu sau khi tiếng tăm thơ văn anh được báo chí nói đến, cũng đồng thời có nhiều cảm hứng trong giao thiệp văn chương với một số nữ sĩ. Tôi hay đùa: Thơ và tình đến với anh cùng một lúc.

Vì vậy, anh ước mơ người đẹp một cách cổ điển: “Thư trung hữu mỹ nữ”.

“Để rồi một buổi trăng sáng nào đó yên lặng, anh chờ người đẹp từ từ trong sách hiện ra với anh”.

Cho nên gần suốt cuộc đời anh, vẫn chưa gặp được người yêu mơ ước và cuối cùng phải thở than:

Đời không có ngọc trong pho sách

E hết khôi nguyên ở Thượng Trì…

Trong tác phẩm “Hàn Mặc Tử, anh tôi”, ở chương 4 có tên gọi là “Những mối tình”, ông Nguyễn Bá Tín cũng đã ghi lại bốn mối tình của thi nhân mà bóng dáng còn lưu lại đậm đà trong văn thơ Hàn Mặc Tử, và cũng là bốn mối tình Hàn Mặc Tử mang nhiều ray rứt trong tâm tư. Đó là mối tình đầu với Hoàng Hoa, ông Tín viết: “Năm 1933, anh Trí vào làm việc ở Sở Địa Chánh (Cadastre), nơi đây anh bắt đầu quen với một số bạn bè yêu thích văn thơ.

Trước hết là Hoàng Diệp và Hoàng Tùng Ngâm. Ngâm là cháu ruột cụ Thương tá Hoàng Phùng, giám đốc Sở Địa Chánh.

Hoàng Tùng Ngâm có người chị thúc bá (ái nữ cụ Hoàng Phùng) cũng rất yêu thơ Hàn Mặc Tử, thường viết báo làm thơ với bút hiệu Hoàng Hoa nữ sĩ, tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc, một thiếu nữ khuê các mà phong thái nhàn hạ, thoáng đôi chút kiêu sa khiến anh Trí say mê và… sợ sệt. Trong nhà cũng phong phanh biết anh Trí yêu cô Kim Cúc.

Bà Kim Cúc lúc còn trẻ
Bà Kim Cúc lúc còn trẻ

Chị Kim Cúc là một thiếu nữ rất “Huế”. Nghiêm đường thuộc giòng dõi thế gia ở Vỹ Dạ, một vùng mà nếp sống như xa xôi với thôn quê, vùng dành riêng cho các vị hưu quan, các ông tham, ông thị. Nếp sống quan dạng kiểu cách đó được biểu lộ rõ ràng.

Ông Quách Tấn khi được tin ấy cho là điều không may cho anh Trí, vì không được xếp vào môn đăng hộ đối.

Hai người quen biết nhau được một thời gian, các mối liên lạc dường như chỉ thông qua thơ ca là chính.

Rồi đến một ngày, cụ Thương tá Hoàng Phùng về hưu, rồi cụ mang cả gia đình quay trở về sinh sống ở Vỹ Dạ. Năm 1936, Hàn Mặc Tử có dịp ra Huế để dự hội chợ, ông mang theo tập thơ “Gái quê” để tặng cho một số người quen trong đó có những người em của Kim Cúc, Hàn Mặc Tử cũng đã đi về Vỹ Dạ, đứng trước cổng nhà của Kim Cúc nhưng chỉ đứng vậy rồi quay gót ra về.

Đến năm 1939, khi nhà thơ đã bệnh nặng, Kim Cúc có gửi cho nhà thơ một tấm ảnh cỡ 6x9, hình Kim Cúc mặc áo dài lụa trắng đứng sau vòm cây xanh mát, ngay sau khi nhận được tấm phiếu ảnh ấy, Hàn Mặc Tử đã viết một mạch bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” nổi tiếng cho đến tận bây giờ…

Có thể nói, sau mối tình với Kim Cúc, người phụ nữ số 2 đã đi qua cuộc đời của Hàn Mặc Tử là Mộng Cầm. Ông Nguyễn Bá Tín kể: “Tôi biết được chị Mộng Cầm chỉ qua lời giới thiệu nửa đùa nửa thật của Thúc Tề. Anh Trí thì dấu kín, ở nhà không ai hay biết gì.

Thúc Tề cho tôi biết, Mộng Cầm tên thật là Nghệ, cháu kêu thi sĩ Bích Khê bằng cậu ruột, quen biết Hàn Mặc Tử qua văn thơ trên báo chí Saigon.

Mộng Cầm ở với cậu, lúc bấy giờ dạy học tại Phan Thiết… Mối tình giữa hai người đã có một thời sôi nổi trong giới văn nghệ sĩ. Họ bàn tán thêu dệt theo cảm ý hay suy đoán của mỗi người.

Có người thương Hàn Mặc Tử thì trách Mộng Cầm bạc bẽo vội ôm cầm thuyền khác, khi vừa nghe tin anh mắc ác bệnh, nhất là khi nghe những lời thơ cay đắng của anh. Cũng có người bênh vực Mộng Cầm còn quá trẻ mà nghiệp chướng hồng nhan đẩy đưa vào một cuộc tình hữu thủy vô chung tạo nhiều tai tiếng cho nàng.

Chưa ai biết rõ mối tình đó ra sao cả. Gia đình của chị cũng không hề hé răng tiết lộ, dù là để thanh minh.

Chỉ nghe mang máng một chuyện tình khá du dương, khi thì lầu Ông Hoàng, khi thì Cù lao Mũi Né…Sau thời gian anh Trí vào Sài Gòn ôm mộng làm báo với bạn bè, rồi quay trở lại Quy Nhơn sống ở ngôi nhà số 20 Khải Định. Trong thời gian anh Trí ở đây, có một lần chị Mộng Cầm ghé đến thăm, rồi ra đi rất vội vàng…Không lâu sau đó, nghe nói chị lập gia đình. Từ đó tôi không nghe ai nói gì về chị, ngoài trừ những chuyện huyền thoại về sau này…”.

Về mối tình thứ ba của Hàn Mặc Tử, ông Tín cho biết: “Khác với những mối tình âm thầm kín đáo, hoặc dè dặt của Hoàng Hoa, của Mộng Cầm, chị Mai Đình là người yêu thơ cũng như yêu con người phong cùi đó, một cách ồn ào, sôi nổi và tha thiết nhất.Thơ của chị cảm ứng với Hàn Mặc Tử rất nhiều. Chị Mai Đình làm thơ rất có khiếu và dễ dàng, ý thơ tình nghĩa, súc tích gắn bó với thơ Hàn Mặc Tử gần năm mươi năm nay. Tôi nói gắn bó với thơ anh Trí, vì hiện nay chị đã có gia đình.

Từ thời tiền chiến, và suốt thời kỳ kháng chiến, thơ chị được truyền khẩu hoặc trao tay người này qua người khác, mà toàn là các bạn làng văn.

Có lẽ chị chất phác dễ thân mật. Bất cứ chỗ nào có vài người họp lại để nói về thơ anh Trí là có chị tham gia. Cho nên có rất nhiều bài thơ nghe nói là của chị sáng tác, vẫn còn chờ đợi được minh xác chưa ai dám tự tiện phổ biến.

Tôi cũng có dịp đọc được, thơ hay, tình nghĩa và tự nhiên. Nhà văn Trần Thanh Mại từng viết về chị trong cuốn Hàn Mạc Tử rằng: “Về người đàn bà này (Mai Đình) ta có thể nói nhiều hơn, kể rõ ràng hơn, mà không ngần ngại phải chạm đến danh giá của một kẻ nào, đến cái mà họ trương lên làm danh giá.

Một người đàn bà không cần dư luận, một người trong hạng người thành thật nhất xã hội. Họ đáng liệt vào chế độ lễ nghi, mọi thứ do người bày đặt ra để che lấp cái giả dối của người.”.

Lời phê bình trên đây thật rộng rãi đủ để không cần phải dè dặt, lịch sự nữa…

(Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.