Ký ức của những người lính xây nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Đông Nam Bộ

Ký ức của những người lính xây nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Đông Nam Bộ

(GD&TĐ) - Tôi đã may mắn được gặp kiến trúc sư Lê Quốc Tạo và kỹ sư Lê Trọng Quang là các cựu chiến binh của sư đoàn 7, quân đoàn 4 trong chuyến thăm Bảo tàng quân đội. Ký ức câu chuyện xúc động về việc xây dựng nhà tưởng niệm Bác Hồ giữa chiến trường miền Đông Nam Bộ được những người lính nhắc lại với niềm tự hào khôn xiết.

Với tấm lòng kính yêu Bác, để động viên cán bộ chiến sĩ sư đoàn, toàn bộ ban chỉ huy của sư đoàn 7 thấy sự cần thiết phải xây nhà tưởng niệm Bác Hồ ngay giữa khu vực đóng quân trong thế da báo. Ban lãnh đạo sư đoàn đã giao cho kiến trúc sư Lê Quốc Tạo thuộc phòng tham mưu sư đoàn 7 chịu trách nhiệm thiết kế công trình nhà tưởng niệm Bác Hồ với sự chủ trì trực tiếp của đại tá Lê Nam Phong (nay là trung tướng) và giao cho tiểu đoàn 25, đại đội 2 là đơn vị công binh chịu trách nhiệm thi công.

Bản thiết kế công trình nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Đông Nam Bộ
Bản thiết kế công trình nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Đông Nam Bộ

Nhà tưởng niệm ngầm dưới mặt đất

Bản vẽ nhà tưởng niệm Bác Hồ phải đảm bảo một số tiêu chí phù hợp với hoàn cảnh thời chiến lúc bấy giờ. Nhà tưởng niệm nằm cách Bộ tư lệnh sư đoàn 1 cây số để ban chỉ huy dễ dàng cho mọi chỉ đạo. Đồng thời cũng nằm gần hội trường họp để các chiến sĩ trước mỗi cuộc họp đều có thể đến thắp nén hương Bác. Nhà tưởng niệm được thiết kế với rất nhiều lối thoát hiểm dẫn ra những con đường ngầm bí mật đề phòng sự cố xảy ra. Và một điều mang tính địa phương là nhà tưởng niệm phải chịu được những trận nắng khắc nghiệt mùa khô và những cơn mưa như thác đổ mà không bị ngập lụt trong mùa mưa.

Kiến trúc sư Lê Xuân Tạo
Kiến trúc sư Lê Quốc Tạo

Kiến trúc sư Lê Quốc Tạo cho biết: Nhà thờ Bác có hình lục giác, biểu tượng của cánh hoa sen nở gắn liền với hoa sen quê hương Bác. Sáu góc là hình tượng sáu con rang vươn cao. Công trình được chủ yếu xây dựng bằng vật liệu gỗ tốt có ở rừng Trường Sơn. Mái của nhà tưởng niệm được lợp bằng lá trống quân.

Quần thể và khu nhà tưởng niệm Bác được thiết kế với khoảng diện tích 500m2 gồm có cổng chào bằng tre, lối vào, hệ thống hầm hào, khoảng không gian cho người vào thắp hương, các lối thoát hiểm ở sâu dưới lòng đất 1,5m. Riêng nhà tưởng niệm của Bác có diện tích trên dưới 150m2 với chiều rộng 12m, cao 5m và nằm sâu dưới lòng đất 1,5m. Ở chính giữa của nhà tưởng niệm trang trọng đặt ảnh Bác, lư hương, lọ hoa bằng đồng do anh em công binh gò từ catut dàn pháo, hương hoa được mua ở Campuchia về.

Phá mìn, chặt cây rừng không…tiếng động

Đơn vị công binh D25 đã tiến hành khảo sát địa hình. Địa điểm được lựa chọn phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí bí mật và an toàn. Đơn vị công binh đã tìm vị trí lý tưởng nằm trong khu rừng cách chi khu Chân Thành của quân Ngụy 7 cây số, cách chi khu Đồng Xoài 10 cây số, cách tỉnh lỵ Bình Long 20 cây số và nằm cách sân bay Biên Hòa 40 cây số và cách không xa các chi khu địch ở Trảng Bàng, Dầu Tiến, Tống Lê Chân. Xung quanh khu vực thi công, thám báo và biệt kích thường xuyên theo dõi. Pháo kích ngày đêm từ các chi khu Ngụy nã vào.

Việc xây dựng công trình nhà tưởng niệm Bác Hồ ngay trong thời điểm chiến tranh ác liệt nên gặp vô vàn thách thức. Nhóm xây dựng đã nghiên cứu tình hình rồi đưa ra phương án thi công tối ưu nhất.

Khó khăn đầu tiên mà đại đội 2 phải khắc phục là cưa đổ các cây trên diện tích 500m2. Là rừng già, nguyên sinh, đường kính cây lớn nên việc cưa cây đã khó, việc hạ cây xuống còn khó khăn hơn nhiều. Khi hạ cây phải tạo các cột chống, hàng chục chiến sĩ bám vào cây và đưa cây đổ từ từ xuống mặt đất. Mỗi lần hạ cây, nhiều chiến sĩ bị xây xát, bật máu tươi. Việc chặt, di chuyển cây hoàn toàn bằng sức người nên rất vất vả. Chính bàn tay và khối óc của các chiến sĩ công binh anh hùng đã đảm bảo bí mật và an toàn trước những phương tiện do thám tối tân của địch.

Kỹ sư mỏ Lê Trọng Quang
Kỹ sư mỏ Lê Trọng Quang

Do yêu cầu nhà tưởng niệm Bác và hội trường phải nằm sâu 1,5m dưới lòng đất nên phải bắn mìn, phá đá. Việc này được giao cho kỹ sư Lê Trọng Quang tổ chức thực hiện. Đất đá, nham thạch được sắp xếp xen kẽ các lớp cuội kết, sạn kết, sa thạch với độ cứng F8 đến F10 nên rất cứng. Anh Quang cho biết: Bộ Tư lệnh yêu cầu tiếng nổ mìn không được vang xa vì doanh trại vµ chi khu của quân địch chỉ cách đó trong tầm 10 cây số. Sau khi tính toán, đơn vị đã báo cáo nổ mìn theo phương án: Mỗi lần nổ 10 phát. Mỗi phát cách nhau 1 phút. Việc đục đá, tạo lỗ nổ mìn hết sức khó khăn, tay chân rộp rát, một số chiến sĩ bị thương.

Với sự mưu trí, dũng cảm và tấm lòng tưởng nhớ Bác, công trình nhà tưởng niệm Bác Hồ đã được nhanh chóng xây dựng ngay giữa thời kỳ chiến tranh giữa khu rừng miền Đông Nam Bộ trong thời gian 3 tháng vào cuối năm 1953. Hàng trăm ngàn lượt chiến sĩ đã vào thắp nén hương thành kính với Bác kính yêu. Từ đó những người lính của sư đoàn 7, quân đoàn 4 có thêm động lực to lớn để vượt qua mọi gian khổ hy sinh giành thắng lợi ở các trận đánh công sự vững chắc đầu tiên như Chân Thành, Dầu Tiếng, Cầu Sông, Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long, Định Quán, Xuân Lộc; quyết chiến đấu để tiến vào giải phóng Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước.

Nguyễn Huệ
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ