Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, nhiều cơ hội nghề nghiệp

GD&TĐ - Ngành này còn có tên gọi là ngành công nghệ tự động, đây là ngành của thời đại công nghiệp.

Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, nhiều cơ hội nghề nghiệp

 Trong quá trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và xu thế dịch chuyển lao động trên toàn thế giới đặc biệt chú trọng vào khoa học công nghệ, thì vai trò của ngành tự động hóa ngày càng trở nên quan trọng hơn, điều này đang thu hút giới trẻ đến với ngành tự động hóa.

Nhu cầu nhân lực tăng mạnh

Các nhà máy công nghiệp được hình thành, cũng là thời điểm mà ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình. Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa thể hiện vai trò quan trọng của mình trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp tại các nhà máy. Kỹ thuật điều khiển dựa trên cơ sở nền tảng khoa học vững chắc, đảm bảo cho việc điều khiển một cách nhanh chóng, chính xác đạt hiệu suất cao với các dây chuyền sản xuất phức tạp.

Với sự ra đời của các mạch điều khiển điện tử, các cảm biến tự động, thủy lực, khí nén... người ta có đủ cơ sở và công cụ để tăng lên mức tự động hóa của các máy móc công nghiệp, đồng thời với sự phát triển của máy tính, sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo ra hệ thống sản xuất linh hoạt có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm khác nhau mà không cần phải thay thế hay làm lại các thiết bị máy móc

Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là một ngành liên quan đến hầu hết mọi kỹ thuật khoa học công nghệ hiện đại nhất trong sản xuất. Theo học ngành này sinh viên sẽ nắm được khối kiến thức nền tảng bao gồm khối kiến thức về cơ khí, kiến thức về điện tử, kiến thức về công nghệ thông tin và máy tính.

Cơ khí, điện tử, máy tính là những thành phần không thể thiếu trên hệ thống tự động hóa; Khối kiến thức về thiết bị tự động như rơle, các cảm biến công nghệ cao, các cơ cấu chấp hành, các thiết bị khí nén thủy lực, và các thiết bị liên quan...; Khối kiến thức về kỹ năng lập trình điều khiển hệ thống trên máy tính PC, trên hệ thống nhúng, FPGA, trên các thiết bị điều khiển chuyên ngành như PLC, ZEN, LOGO…

Đặc biệt PLC là thiết bị điều khiển rất phổ biến trong công nghiệp, chuyên sâu về PLC giúp cho người kỹ sư có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp.

Thúc đẩy đổi mới đào tạo

Theo Hội Tự động hóa Việt Nam, trong những năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực công nghệ cao - tự động hóa tăng rất nhanh, chủ yếu là từ các doanh nghiệp FDI, các công trình lớn như nhà máy nhiệt điện, dầu khí... Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đào tạo ngành này đến năm 2020 đã lên đến 25.000 người.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực ngành cũng phát sinh từ yêu cầu sản xuất của các hãng lớn như: Inter, Canon... Với Tập đoàn Samsung, đã tuyển tới 10.000 kỹ sư vào tháng 4/2015 và 6.000 kỹ sư trong tháng 5/2016. Hiện tại nhân lực 2 nhà máy SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) đã lên tới hơn 110.000, con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng hàng tháng.

Hầu hết các trường kỹ thuật, công nghiệp đều đào tạo ngành hoặc bộ môn tự động hoá như: ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp Thái Nguyên…. Mỗi năm, lượng kỹ sư tự động hóa ra trường là khá đông.

Tuy nhiên, cũng như hiện tượng phổ biến ở nhiều ngành nghề khác, khi bắt tay vào công việc, các kỹ sư mới bắt đầu công việc đều rất khó khăn để theo kịp với yêu cầu. Đơn vị tuyển dụng đều phải dành thời gian cho kỹ sư mới “học việc”, thử việc và “đào tạo lại”, phải mất 6 tháng đến 1,5 năm, các kỹ sư trẻ mới có thể thực sự hiểu về công việc mà mình đang làm.

Do đó trong những năm gần đây, xu hướng đào tạo của các cơ sở đã khuyến khích sinh viên làm việc nhóm từ các bài tập lớn cho đến tiểu luận, đồ án, luận văn tốt nghiệp. Nhiều cơ sở đào tạo chủ trương đào tạo cơ bản, chú trọng đào tạo kỹ năng để sinh viên có khả năng nhanh chóng thích ứng với công việc thực tế trong môi trường đa ngành, đa nghề hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ