(GD&TĐ)- Một trong những khó khăn của các cơ sở đào tạo nghề ở nước ta hiện nay là thiếu giáo viên dạy nghề được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành, đặc biệt là giáo viên dạy nghề về Cơ khí, Điện và Điện tử. Theo kết quả điều tra của Tổng cục dạy nghề, trong thời gian tới, nhu cầu về giáo viên đào tạo nghề rất lớn, đến năm 2015, số GVDN còn thiếu là 20.000 người. PGS.TS Nguyễn Trọng Khanh - Trưởng khoa SPKT – Trường ĐHSP Hà Nội trao đổi với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại điện tử xung quanh vấn đề này.
Sinh viên khoa Sư phạm kỹ thuật (ĐHSP Hà Nội) thực hành. Ảnh: gdtd.vn |
>Cơ hội với ngành kỹ thuật hạt nhân
>Cẩn trọng khi lựa chọn ngành Tài chính – Ngân hàng
>Công nghệ đa phương tiện – Ngành mới, nhiều triển vọng
>Công nghệ sinh học - ngành học của tương lai
PV: Nhận định của ông về nhu cầu xã hội đối với ngành Kỹ thuật điện – kỹ thuật điện tử?
PGS.TS Nguyễn Trọng Khanh: Hiện nay và trong tương lai, kỹ thuật điện và kỹ thuật điện tử có mặt trong hầu khắp các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội; nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực lao động về hai ngành này ngày càng cao, không chỉ cho các cơ sở sản xuất trong nước mà còn cho công tác xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, trong hệ thống 95 trường cao đẳng nghề, 345 trường trung cấp nghề, 675 trung tâm dạy nghề (số liệu 2009) đều đào tạo các nghề liên quan tới hai lĩnh vực kỹ thuật điện và điện tử.
PV: Bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2012, khoa SPKT trường ĐHSP Hà Nội mở mới 3 ngành học trong đó hai ngành đào tạo giáo viên dạy nghề là Cử nhân Đại học Sư phạm kỹ thuật Điện và Điện tử và một ngành đào tạo giáo viên phổ thông là Cử nhân Đại học Sư phạm kỹ thuật Tin học. Ông có thể cho biết những thông tin sơ bộ về những ngành học này, năm nay sẽ tuyển bao nhiêu chỉ tiêu?
PGS.TS Nguyễn Trọng Khanh |
PGS.TS Nguyễn Trọng Khanh: Việc mở mới hai ngành học Sư phạm kỹ thuật Điện và Sư phạm kỹ thuật Điện tử dựa trên nhu cầu cao của xã hội về đội ngũ giáo viên dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc cũng như sự phù hợp với kinh nghiệm và thế mạnh của khoa cả về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Theo học các ngành trên, sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về Kỹ thuật Điện hoặc Kỹ thuật Điện tử trên cả hai phương diện lý thuyết và thực hành nghề. Bên cạnh đó, khối kiến thức về nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cũng được triển khai ngay từ những năm đầu của khóa học. Đây là mô hình đào tạo được đánh giá là có nhiều ưu điểm trong đào tạo giáo viên. Theo kế hoạch, năm nay khoa Sư phạm kỹ thuật chúng tôi sẽ tuyển 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành.
Ngoài ra, năm nay chúng tôi còn mở thêm ngành Sư phạm kỹ thuật – Tin học, đây là một quyết định của BGH trường ĐHSP Hà Nội phù hợp với định hướng của Bộ GD&ĐT đào tạo giáo viên dạy ghép môn ở trường phổ thông. Theo đó chúng tôi đã hợp tác với khoa Công nghệ thông tin của trường để xây dựng chương trình và triển khai đào tạo bắt đầu tư năm 2012. Với chương trình đào tạo này, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể dạy được 2 môn là Công nghệ và Tin học ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
PV: Nhu cầu giáo viên hai ngành học này như thế nào? Nếu ra trường, ngoài công tác giảng dạy, sinh viên có thể đảm nhiệm các công việc kỹ thuật theo chuyên ngành tại các công ty, doanh nghiệp không?
PGS.TS Nguyễn Trọng Khanh: Một trong những khó khăn của các cơ sở đào tạo nghề ở nước ta hiện nay là thiếu giáo viên dạy nghề được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành, đặc biệt là giáo viên dạy nghề về Cơ khí, Điện và Điện tử. Theo kết quả điều tra của Tổng cục dạy nghề, trong thời gian tới, nhu cầu về giáo viên đào tạo nghề rất lớn, đến năm 2015, số GVDN còn thiếu là 20.000 người.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công tác tại các trường Trung cấp, các trường Cao đẳng nghề, chuyên nghiệp. Ngoài ra, với kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về kỹ thuật, các em có thể công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Do vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên học hai ngành này không chỉ có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ của người giáo viên dạy nghề mà còn có thể là cán bộ quản lí, kĩ thuật viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh về kĩ thuật điện và kĩ thuật điện tử. Đây chính là đặc thù của ngành, giúp cho sinh viên khi ra trường có cơ hội tốt để lựa chọn việc làm.
PV: Hiện có bao nhiêu trường ĐH có đào tạo cử nhân Đại học Sư phạm kỹ thuật Điện và Cử nhân Đại học Sư phạm kỹ thuật Điện tử?
Khoa sư phạm kỹ thuật - Trường ĐHSP Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn |
PGS.TS Nguyễn Trọng Khanh: Theo chúng tôi được biết, ngoài khoa SPKT trường ĐHSP Hà Nội, hiện có 3 trường Đại học SPKT là SPKT Hưng Yên, SPKT Nam Định, SPKT TP Hồ Chí Minh và một trường CĐSPKT Vĩnh Long là có chức năng và có truyền thống đào tạo GVDN. Trong thời gian gần đây, một vài trường đại học kỹ thuật cũng mới thành lập thêm khoa SPKT thực hiện nhiệm vụ trên như ĐHCN - Đại học Thái Nguyên, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Nông nghiệp 1... Theo “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011”, trong số các cơ sở đào tạo trên, mới chỉ có 4 cơ sở đào tạo hai ngành Sư phạm Kĩ thuật điện và Sư phạm Kĩ thuật điện tử. Như vậy, có thể thấy số cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề về hai ngành điện và điện tử vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu xã hội.
PV: Những lưu ý đối với sinh viên có nguyện vọng học hai ngành học này tại trường nói riêng và sinh viên muốn học về Điện – Điện tử nói chung?
PGS.TS Nguyễn Trọng Khanh: Đối với những sinh viên khi theo học hai ngành này cần lưu ý tới đặc điểm nghề nghiệp chuyên môn yêu cầu không chỉ cần có lòng ham thích nghề nghiệp và năng khiếu về kĩ thuật mà còn có năng khiếu sư phạm. Với công việc sau này có tính đặc thù của nghề nghiệp là giáo viên kĩ thuật nên ngoài tích cực học tập về kĩ thuật cần chú trọng tới việc trau dồi nghiệp vụ sư phạm và năng lực giáo dục đạo đức cho học sinh.
Để quyết định đăng ký theo học, các em học sinh cần tham khảo thêm thông tin về các chuyên ngành và chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 tại trang thông tin của khoa SPKT và trường ĐHSP theo các địa chỉ: http://spkt.hnue.edu.vn hoặc http://www.hnue.edu.vn.
Hiếu Nguyễn (thực hiện)