Kỳ thi vì người học

GD&TĐ - Có thể thấy những điểm rất khác khi truyền thông đưa tin về kỳ thi quan trọng, mang tầm quốc gia dành cho học sinh sau khi kết thúc THPT năm nay và vài năm trước đây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn nhớ trước năm 2015, khi 2 kỳ thi quốc gia gồm thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức riêng rẽ, khoảng thời gian trước kỳ thi diễn ra luôn tràn ngập thông tin về những lò luyện thi ngộp thở.

Cả tháng trước thi, học sinh từ khắp các tỉnh ùa về thành phố lớn, hàng ngày “cày” lò luyện thi với lớp học chật chội nhưng chứa cả trăm con người, tối ngủ nhà trọ để nuôi giấc mơ vào đại học. Gánh nặng thi cử mà những học sinh này cùng người nhà “được” trải nghiệm rõ ràng không chỉ là vài ngày diễn ra kỳ thi.

Rồi gần ngày thi sẽ là hình ảnh những bến xe quá tải; những gương mặt thí sinh bỡ ngỡ, căng thẳng, lo lắng; phụ huynh mặt phờ phạc, sạm nắng gió đưa con đi ứng thí với cả bao gạo quê. Cổng trường thi ngày ấy luôn là nỗi ám ảnh bởi những ánh mắt lo âu dõi theo con sau cánh cổng khóa; nhiều người ngủ gục trên ghế đá giữa cái nắng thiêu đốt ngày hè đợi con hết giờ thi…

Những hình ảnh ấy đã không còn ngay sau có kỳ thi đổi mới từ năm 2015. Giới truyền thông phản ánh về kỳ thi đã mang một màu sắc rất khác.

Như năm nay, có thể thấy rõ nhất là những phản ánh về sự chuẩn bị nghiêm cẩn, chu đáo, là quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc; là sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các trường ĐH; đặc biệt là sự chung tay của toàn xã hội hướng tới kỳ thi thực sự vì người học.

Đơn cử như Hà Nội, địa phương có số lượng thí sinh top đông nhất cả nước, riêng “nguồn” tình nguyện từ Thành đoàn đã huy động đến 12.000 sinh viên, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh và người nhà: Từ giữ xe, chở miễn phí khi có nhu cầu, đến phân luồng giao thông, phát quạt, nước uống miễn phí… Không chỉ Hà Nội, tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước, lực lượng tình nguyện hùng hậu đã sẵn sàng cùng thí sinh vượt qua kỳ thi với rất nhiều hình thức hỗ trợ đa dạng.

Tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), giáo viên, thanh niên tình nguyện cập nhật đến từng số điện thoại của thí sinh để hỗ trợ kịp thời nếu thí sinh đến trễ; thậm chí nắm đến cả số của chủ phòng trọ, nhằm gọi điện hoặc cử người đến đón trò cho kịp giờ thi nếu chẳng may ngủ quên vì học muộn. Tỉnh Quảng Nam chi 1,3 tỷ đồng giúp học sinh 6 huyện miền núi ở lại trường nội trú để ôn tập cho đến cận ngày dự thi…

Không chỉ thí sinh, cán bộ coi thi cũng được tạo những điều kiện tốt nhất. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cấp thêm 500.000 đồng cho mỗi cán bộ khi làm nhiệm vụ thi tại Thanh Hóa. Trường ĐH Thủy lợi ngoài lo kinh phí khoảng 250 triệu đồng thuê xe đưa, đón cán bộ, giảng viên lên đường làm thi, còn hỗ trợ mỗi cán bộ 1 triệu đồng/người/đợt. Trường ĐH Công nghệ TPHCM bao vé máy bay cho 7 cán bộ, giảng viên tham gia công tác thi tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Một số thông tin “đẹp” được điểm qua ấy cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm vì một kỳ thi nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng, không áp lực. Cũng cho thấy chủ trương tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, yêu cầu đổi mới giáo dục.

Theo lộ trình Bộ GD&ĐT báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Kỳ thi THPT quốc gia có lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020. Sau 4 năm tổ chức, kỳ thi đã đáp ứng yêu cầu thi cử gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh và xã hội; cung cấp thông tin phản hồi tin cậy về chất lượng giáo dục phổ thông để điều chỉnh quá trình dạy học.

Năm nay, với công tác chuẩn bị được chăm chút kỹ lưỡng trên nhiều mặt, sự tiếp tục vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào sự thành công của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của một lộ trình đổi mới thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ