Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Động lực thúc đẩy hoạt động dạy và học

Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Động lực thúc đẩy hoạt động dạy và học

Khẳng định vai trò quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo ông Nguyễn Văn Rớt, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền, tỉnh An Giang, kỳ thi là cơ sở xác định rõ mục tiêu giáo dục cấp THPT; là động lực thúc đẩy hoạt động dạy và học; có thể là cơ sở quan trọng trong việc tuyển sinh ĐH, CĐ nếu các trường có nhu cầu sử dụng điểm bài thi tốt nghiệp; hạn chế tình trạng các lò luyện thi, học tủ, học lệch. Nếu chúng ta chỉ xét tuyển không cấp bằng tốt nghiệp mà cấp chứng nhận hoàn thành chương trình THPT dẫn đến việc phải xem xét, sửa đổi Luật giáo dục 2019.

“Công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam rất tốt, học sinh đi học trở lại trước tháng 6/2020, kỳ thi được tổ chức trong tháng 8/2020 với phương châm "Học gì thi nấy, giảm độ khó, độ phân hóa" là hoàn toàn phù hợp” - ông Nguyễn Văn Rớt nhận định về phương án thi tốt nghiệp THPT được công bố.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội cho biết: Việc vẫn tổ chức kì thi cho học sinh lớp 12 là cần thiết, vì qua đó đánh giá được chất lượng dạy và học của các nhà trường trên toàn quốc; đồng thời tạo sự minh bạch, công bằng, là cơ hội để học sinh rèn luyện bản lĩnh thi cử, tạo động lực thi đua cho cả người học, người dạy…

Việc tổ chức kì thi với mục đích chủ yếu nhằm xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, thay vì tổ chức kì thi với 2 mục đích như mọi năm, đạt được yêu cầu giảm bớt khó khăn cho các em học sinh lớp 12 năm nay do tác động của dịch Covid, xét về mặt ý nghĩa nhân văn là rất tốt. Tuy nhiên xét về mặt nào đó các em học sinh cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tham dự tuyển sinh vào ĐH.

Khi thi và tuyển sinh có sự thay đổi, Trường THPT Phúc Lợi đã thành lập ban Tư vấn mùa thi năm 2020 để liên tục cập nhật tin tức mới của kì thi tốt nghiệp THPT 2020 và tình hình tuyển sinh của các trường ĐH để có sự chuẩn bị, hướng dẫn học sinh học tập phù hợp với phương thức thi và tuyển sinh mới.

Nhà trường cũng hướng dẫn học sinh tìm hiểu kĩ phương thức tuyển sinh của các trường để có hình thức học tập phù hợp, lựa chọn phù hợp.

Việc tập trung ôn luyện, nâng cao kiến thức để tham dự kì thi cuối cấp luôn được học sinh, cha mẹ học sinh và các nhà trường quan tâm và có kế hoạch chuẩn bị ngay từ đầu năm học.

Do tình hình dịch bệnh, kì thi cuối cấp năm nay đã có những thay đổi, việc tuyển sinh vào các trường ĐH cũng có sự thay đổi. Tại trường THPT Phúc Lợi, đã cập nhật ngay những thông tin mới về kì thi. Các thầy cô, tổ nhóm chuyên môn đã chuẩn bị đề cương ôn tập theo hướng tinh giản như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để hướng dẫn học sinh ôn tập. Đề cương hướng dẫn hoàn thành chi tiết và gửi tới các em học sinh trong nửa đầu tháng 4.

“Qua dạy học trực tuyến, qua các nhóm Zalo, Face… thầy cô hướng dẫn học sinh học tập, ôn luyện theo đề cương; đưa thời hạn học tập các nội dung và thực hiện kiểm tra sát sao việc học tập của học sinh.

Ban tư vấn mùa thi của trường không chỉ tư vấn giúp học sinh tự lựa chọn được nguyện vọng như ý, vừa sức, mà còn cùng với các thầy cô trong trường đồng hành, hướng dẫn học sinh ôn tập nói chung, ôn luyện phù hợp với nguyện vọng thi đại học nói riêng, giúp các em có thêm kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo làm bài thi tốt” – ông Nguyễn Quý Xuân chia sẻ.

Tại Trường THPT Nguyễn Hiền, ông Nguyễn Văn Rớt thông tin, hiện trường đang điều chỉnh kế hoạch phù hợp thực tế nhà trường đảm bảo thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT về giảm tải, khung thời gian học kỳ II, việc dạy học online, điểm số... bảo đảm nghiêm túc việc dạy học đi đôi với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.