Đó là kết luận sơ bộ, cùng những phân tích rất chân tình của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại buổi tọa đàm trực tuyến: Góp ý dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 do Bộ GD&ĐT phối hợp với báo Thanh Niên tổ chức chiều nay (22/1) tại thành phố Hồ Chí Minh. (Xem nội dung buổi tọa đàm TẠI ĐÂY)
Những cân nhắc thay đổi vì quyền lợi thí sinh
Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì phiên họp các Thứ trưởng, sau đó phân loại, xử lý cẩn thận các ý kiến đóng góp. Trong vòng 10 ngày đầu tháng 2 chúng tôi sẽ công bố chính thức phương án.
Bên cạnh dự kiến không thay đổi thang điểm để giữ tâm lý ổn định cho các học sinh, thầy cô giáo, các nhà trường, mặc dù sử dụng thang điểm 10 hay 20, về bản chất không thay đổi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết thêm: Tinh thần sẽ cho học sinh mang Atlat vào phòng thi.
“Về Atlat, đúng là dự thảo quy chế và quy chễ cũ có chỗ cho, chỗ không cho mang vào phòng thi. Nhưng nếu quy chế chủ trương không cho mang Atlat thì thông tin cụ thể trong Atlat cũng đã ghi trong đề rồi.
Tuy nhiên, tinh thần là cho thí sinh mang Atlat vào phòng thi để khuyến khích năng lực phân tích tổng hợp, không bắt các cháu học thuộc lòng, mang tài liệu dấm dúi vào để lấy số liệu” - Bộ trưởng cho biết.
Về quy định thí sinh tự do đăng ký thi, Bộ trưởng khẳng định: Sẽ đúng theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Theo đó, thí sinh tự do có thể đăng ký thi ở bất cứ đâu.
“Thậm chí đi nghỉ mát tăng sức khỏe trước khi thi, các em có thể thi ở ngay nơi nghỉ mát. Nhưng đây là với thí sinh tự do, còn thí sinh đang học ở trường thì phải theo tổ chức” – Bộ trưởng chia sẻ.
Việc kéo lùi thời gian thi, theo Bộ trưởng đây là tính toán đến nguyện vọng của thí sinh: Với các cháu phổ thông, thi ĐH vào tháng 7, nếu thi vào tháng 6 là mất đi một tháng ôn.
Điều này, thực chất giống như chuyện thang điểm 20. Nếu để các thí sinh hụt hơi, lo lắng không cần thiết thì không nên. Ta nên cân nhắc, để các trường ĐH có thời gian, điều kiện lo chỗ ở, lo chỗ thi cho thí sinh. Còn học sinh thì có tâm thế tốt nhất trước kỳ thi này.
Hình hài phương án thi cơ bản ổn định đến năm 2021
Đến 2021 nếu có thay đổi mới thay đổi phương án thi. Còn nếu có thay đổi trong thời gian này, sẽ không phải như rẽ phải, rẽ trái, đi lên hay đi xuống mà vẫn hướng như vậy, nhưng sâu sắc, hoàn thiện, đầy đủ và cập nhật với thế giới hơn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh việc đổi mới thi cử nằm trong hai lộ trình:
Lộ trình thứ nhất là thay đổi, đổi mới thi kiểm tra đánh giá – công việc đã tiến hành 3 - 4 năm nay. Ngay sau Đại hội XI kết thúc, Bộ GD&ĐT đã triển khai nghiên cứu, thực nghiệm nhiều công việc ở bậc tiểu học, trung học cơ sở,trung học phổ thông.
Trên cơ sở đổi mới dạy học đó, đổi mới kiểm tra đánh giá, thi học kỳ thế nào, lên lớp cuối năm… Hai năm gần đây đã thực hiện đổi mới thi tốt nghiệp mà đổi mới rõ ràng nhất là kỳ thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp 2014 vừa rồi.
Bộ trưởng khẳng định: Những đổi mới này nhằm thay đổi cách dạy - cách học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
Lần thay đổi trong kỳ thi này và cả những thay đổi tiếp tục tới đây chúng ra đã tính toán, triển khai đều chung nguyên tắc lấy quyền lợi, lợi ích lâu dài, căn bản của học sinh làm trung tâm, làm căn cứ, làm tiêu chí để xử lý.
“Tôi đã nhiều lần nói, và hôm nay nói lại, tôi rất mừng các thầy cô đã chia sẻ, đồng tình, chúng ta sẽ dành phần thuận lợi, cái tốt cho các cháu, cũng là lợi ích lâu dài của đất nước; giành phần khó về mình, về thầy cô giáo, nhà trường, cơ quan quản lý, để giúp việc dạy, việc học trong nhà trường được tốt.
Khi thay đổi như vậy sẽ có xê dịch, đảo lộn ít nhiều trong công việc của nhà trường, của các Sở, Bộ GD&ĐT và cả trong công việc của Chính phủ.
Hôm qua, khi họp Chính phủ, Thủ tướng có hỏi việc đổi mới thi cử thế nào? Tôi báo cáo Thủ tướng chúng ta đã có sự thay đổi. Tinh thần là cố gắng thay đổi ít, nhưng dẫn đến sự biến đổi của công việc nhiều; chắc chắn chúng ta phải sẵn sàng thay đổi” - Bộ trưởng chia sẻ.
Với câu hỏi, phương án này là của năm nào? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Đây là hình hài phương án cho đến khi chúng ta có lứa học sinh sẽ học chương trình SGK mới đi thi lớp 12.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, theo đó, sẽ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm 2018.
Đến 2021 nếu có thay đổi mới thay đổi phương án thi. Còn nếu có thay đổi trong thời gian này, sẽ không phải như rẽ phải, rẽ trái, đi lên hay đi xuống mà vẫn hướng như vậy, nhưng sâu sắc, hoàn thiện, đầy đủ hơn và cập nhật với thế giới hơn.
Cũng như vậy, phương án đến năm 2016 có thể có thay đổi chi tiết nào đó mà qua thực tiễn thấy có phương án, giải pháp hay hơn thì bổ sung thêm. Nhưng tổng thể sẽ cố gắng ổn định.
“Với kỳ thi năm 2015, nếu lắng nghe, trao đổi, đóng góp thật kỹ thì những bổ sung, sửa chữa của các kỳ tới đây sẽ ít. Chúng tôi rất hy vọng điều đó” - Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Anh Tú |
Hình dung cấu trúc đề thi
Bộ trưởng cho biết: Mô hình đề thi sẽ có câu dễ, câu khó, câu vừa sức; có câu đại bộ phận thí sinh làm được, có câu một số cháu yếu không làm được, có câu lại phải yêu cầu học khá; có câu để làm được thí sinh phải giỏi, xuất sắc. Đề thi phải làm hai việc: Xét tốt nghiệp và tuyển sinh.
Có thể Bộ GD&ĐT sẽ đưa lên mạng một số đề ví dụ, nhưng đại thể, số lượng câu, mức độ khó, trong đề toán, câu lượng, câu hình, đại số ra sao, sẽ gần như hai đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.
Tự tin với phương án cụm thi
Ta không ngăn cản các cháu thi ĐH. Với các trường ĐH, CĐ chỉ dùng kết quả thi phổ thông thì các cháu cứ vào. Nếu có trường nào tin cậy kết quả thi đó là nghiêm túc, sử dụng, Bộ GD&ĐT cũng rất hoan nghênh.
Về cụm thi tỉnh và liên tỉnh, Bộ trưởng cho rằng phải xuất phát từ thực tế: Giữa 2 kỳ thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ, xã hội và trong giới đều cho rằng kỳ thi ĐH có độ tin cậy cao hơn kỳ thi tốt nghiệp.
Bộ trưởng phân tích: Thời điểm thảo luận làm đề án trình Trung ương ra Nghị quyết và làm đề án đổi mới thi, có nhiều ý kiến đòi bỏ kỳ thi tốt nghiệp, giữ kỳ thi ĐH. Nhưng ta không bỏ được kỳ thi tốt nghiệp và không thể duy trì kỳ thi ĐH như cũ. Luật Giáo dục quy định phải có kỳ thi tốt nghiệp, còn luật Giáo dục ĐH thì yêu cầu các trường phải có quyền tự chủ trong tuyển sinh.
Trong bối cảnh như vậy và quán triệt Nghị quyết 29, chúng ta tính toán, đưa ra giải pháp: Thi THPT quốc gia làm 2 việc là xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Để có độ tin cậy thì phải duy trì tất cả những điều tốt và đảm bảo độ tin cậy mà kỳ thi tuyển sinh ĐH đã thực nghiệm cho kết quả. Như vậy ta buộc phải làm các cụm liên tỉnh. Thiết kế 2 - 3 tỉnh một cụm, để học sinh được trộn, đảm bảo sự khách quan, từ đó các nhà trường, xã hội mới tin cậy.
Về cách tổ chức cụm thi, vị lãnh đạo ngành Giáo dục lý giải: Cách làm cụm thi như vậy để thiết kế cho các cháu dự thi vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh ĐH, ngoài cái lợi là thi một lần, thì khoảng cách thi ngắn hơn. Mọi khi thí sinh phải về thành phố lớn, nay chỉ sang tỉnh bên cạnh.
Phần thí sinh chỉ thi tốt nghiệp, nếu bắt sang tỉnh bên thì quá vất vả. Do đó, chúng tôi cân nhắc ở Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, một số tỉnh khó khăn ở Tây Bắc, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, với các cháu chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp, không dùng kết quả thi đó để xét tuyển ĐH thì tổ chức tại địa phương, nhưng quy trình xét tuyển như cụm thi khác.
Ta không ngăn cản các cháu thi ĐH. Với các trường ĐH, CĐ chỉ dùng kết quả thi phổ thông thì các cháu cứ vào. Nếu có trường nào tin cậy kết quả thi đó là nghiêm túc, sử dụng, Bộ GD&ĐT cũng rất hoan nghênh. Còn xã hội, các trường ĐH và chúng ta sẽ chứng kiến, tham gia sự kiện, đánh giá và lòng tin vào kết quả thi qua thực tiễn sẽ chứng minh.
Như vậy, một số trường ĐH sẽ điều động lên các tỉnh, nhất là một số tỉnh khó khăn. Chúng ta đặt lợi ích, thuận lợi của thí sinh lên trên và sẵn sàng nhận một số khó khăn có thể có.
Có ý kiến lo lắng về các cụm thi có số lượng thí sinh quá lớn, tuy nhiên, trên thực tế đã từng làm việc này và làm thành công. Ví như ở Trường ĐH Cần Thơ, đã làm 13 năm nay, số lượng thí sinh rất lớn, lên đến trên 70.000, làm cho rất nhiều tỉnh ở khu vực miền Tây. Miền Trung, có cụm thi Quy Nhơn, làm cho khu vực Trung bộ và Tây Nguyên; Bắc Trung bộ có cụm thi Vinh, rồi cụm thi Hải Phòng…
Như vậy mô hình này đã làm 3 cụm thi trong 13 năm, 1 cụm trong 4 năm, thành phần như thế nào, sự phối hợp với các ban ngành đã có quy trình.
“Khi nào đến việc đó chúng tôi sẽ trao đổi với các Ban chỉ đạo địa phương, sở GD&ĐT… Trên cơ sở mô hình đã có khá thành công, ta vận dụng vào từng vùng đặc thù” – Bộ trưởng chia sẻ.
Tuyển sinh ĐH, CĐ: Các trường cùng xét từ đợt 1!
Bộ GD&ĐT không phân trường nào được xét tuyển đợt 1, đợt 2… Các trường cùng xét tuyển từ đợt 1.
Liên quan vấn đề xét tuyển vào ĐH, CĐ, Bộ trưởng cho biết, tất cả các trường cùng xét từ đợt 1. Những trường nào xét xong mà không đủ chỉ tiêu thì tiếp tục xét đợt 2, đợt 3.
Trước những băn khoăn về in giấy dự thi, xếp số báo danh, phòng thi, Bộ trưởng cho biết: Các trường ĐH sẽ làm việc này, sau đó truyền mạng đến các trường phổ thông, từ đó, nhà trường in ra và chuyển cho thí sinh để các cháu đỡ phải đi lại. Do vậy, các trường phổ thông hoàn toàn yên tâm.
Bộ trưởng cũng khẳng định không có chuyện trường tuyển vượt 1, 2 thí sinh mà bị kỷ luật. Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng không bao giờ soi các trường tuyển vượt 1, 2 thí sinh làm gì. Nhưng nếu cố ý lạm dụng thì sẽ xử lý kỷ luật nghiêm, bao gồm kỷ luật cả trường, phạt về kinh tế và kỷ luật Hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng trường.
“Khi giao quyền tự chủ mạnh xuống các nhà trường, Bộ GD&ĐT sẽ quay trở về làm thật tròn trịa trách nhiệm quản lý nhà nước. Trong đó có vấn đề thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý nghiêm minh những trường cố ý vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi nghĩ nếu vượt chỉ tiêu 5% thì không vấn đề gì” - Bộ trưởng khẳng định.
Nghị quyết 29 đã thực sự đi vào cuộc sống
Sau khi lắng nghe các phát biểu của thầy cô giáo tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phấn khởi bày tỏ: Qua ý kiến phát biểu của các thầy, cô khối các Sở GD&ĐT, trường phổ thông, đại học, cao đẳng, thấy rằng chúng ta không chỉ cập nhật kỹ thông tin, tìm hiểu sâu sắc mà còn tìm hiểu tinh thần, chiến lược, mục tiêu, nguyên tắc, quan điểm, bước đi của đổi mới GD - ĐT.
Đây không phải là ý kiến cá nhân, mà nhiều trường đã hội thảo công phu trong tập thể sư phạm, rồi có cả ý kiến của học sinh, cộng đồng xã hội, phụ huynh. Chúng tôi rất mừng, vì như thế, Nghị quyết 29 đã có một bước đi vào cuộc sống, thực sự đi vào tính toán, cân nhắc của chúng ta.
Tất cả các ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm đều được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng ghi nhận, lắng nghe. Ảnh. Anh Tú |
Có nhiều ý kiến rất hợp lý như: Chú ý học sinh nghèo, chỉ đạo các trường tổ chức thuận lợi nhất cho thí sinh đi thi, nhất là các cháu dự kiến thi đại học…. Chúng tôi xin tiếp thu tất cả các ý kiến và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp trong các ngày tới.
Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ từng bước hoàn thiện phương án, đưa ra Ban cán sự thảo luận. Khi có phương án chính thức, mong các thầy các cô phổ biến, quán triệt cho học sinh, sinh viên…; chủ động trên các phương tiện truyền thông địa phương, báo, đài, bằng các hình thức phù hợp để tuyên truyền giúp học sinh, phụ huynh yên tâm.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận