Kỳ thi THPT quốc gia: Bớt gian nan cho học sinh vùng khó

GD&TĐ - Đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình - Đoàn Phú Thọ - cũng là giáo viên đã nhiều năm công tác ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Kỳ thi THPT quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và giảm áp lực xã hội
Kỳ thi THPT quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và giảm áp lực xã hội

Những tiêu cực về thi cử được phát hiện ở một vài địa phương trong những ngày gần đây đã khiến cho một bộ phận cử tri và nhân dân đặt ra câu hỏi: Có nên duy trì Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở xét tuyển vào đại học, cao đẳng như hiện nay hay không? Băn khoăn ấy là chính đáng, song đại biểu Đinh Thị Bình cho rằng, cần đánh giá một cách khách quan về những ưu điểm và hạn chế của kỳ thi để có thể khẳng định có nên hay không nên tiếp tục tổ chức kỳ thi này.

Là một đại biểu Quốc hội hiện đang công tác trong ngành Giáo dục một huyện miền núi, đại biểu Đinh Thị Bình cho biết cảm nhận rõ những vất vả mà học sinh nơi đây phải đối mặt.

 Các em và gia đình đã phải nỗ lực suốt bao nhiêu năm trời để tìm đến cái chữ với ước mơ lập thân, lập nghiệp. Những khó khăn về đường đi, thiên tai hay nỗi lo cơm áo cũng không ngăn được con đường đến trường của các em. Trước đây, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng được tổ chức thành 2 kỳ thi riêng biệt, ước mơ của nhiều em học sinh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã không trở thành hiện thực. Bởi lẽ, việc tham dự cả hai kỳ thi đã trở thành gánh nặng cho chính các em và gia đình của mình. 
Đại biểu Đinh Thị Bình

Đánh giá Kỳ thi THPT quốc gia vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để làm cơ sở xét tuyển ĐH, CĐ qua từng năm đã rất thành công với những điều chỉnh hết sức hợp lý, đại biểu Đinh Thị Bình phân tích:

Việc áp dụng thi trắc nghiệm khách quan ở các bài thi phù hợp kỳ thi đánh giá kiến thức THPT với số lượng thí sinh lớn trong cả nước. Thi trắc nghiệm (mỗi thí sinh một mã đề thi) đảm bảo tính khách quan trong đánh giá cũng như chấm bài nhanh hơn và hạn chế việc luyện thi… giúp kiểm tra được khối lượng kiến thức rộng, tránh học vẹt học tủ và đảm bảo có kết quả chấm khách quan hơn thi tự luận

Bên cạnh đó, việc tổ chức các cụm thi tại địa phương với sự phối hợp của các trường đại học nhận được sự đồng thuận lớn của dư luận, đặc biệt là phụ huynh học sinh, giảm chi phí, tốn kém… cho thấy sự ưu việt của Kỳ thi THPT quốc gia. Niềm phấn khởi và cái được lớn nhất đó là dành mọi sự thuận lợi cho thí sinh, một kỳ thi thực sự nhẹ nhàng.

Các nguồn lực dành cho kỳ thi trên phạm vi cả nước nói chung cũng được tiết giảm đến mức tối đa. Đặc biệt, với học sinh ở các vùng khó, thay vì phải nhiều lần đi quá xa để dự hết các kỳ thi, các em chỉ cần tham dự một lần thi ở cự ly gần, giảm thiểu tối đa chi phí và công sức, nghĩa là con đường đưa các em đến với ước mơ cũng gần hơn và bớt đi phần nào những gian nan khó nhọc. Đó là những kết quả quan trọng mà Kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được và cần phải được khẳng định.

Bên cạnh những thành công ấy để khắc phục những “lỗ hổng” mà con người cố ý làm trái pháp luật xảy ra ở một vài địa phương vừa rồi, đại biểu Đinh Thị Bình rất mong Bộ GD&ĐT tiếp tục có những điều chỉnh hết sức chặt chẽ để kỳ thi tiếp tục tạo được sự đồng thuận lớn của xã hội.

“Qua những đánh giá và ý kiến góp ý ở trên, tôi mong rằng trong thời gian tới, Kỳ thi THPT quốc gia vẫn tiếp tục được duy trì” - đại biểu Đinh Thị Bình bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.