Kỳ thi khắc phục được những băn khoăn của xã hội

GD&TĐ - Dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017 rõ ràng là hướng đến việc tốt hơn cho thí sinh và cho xã hội; đồng thời khắc phục được những băn khoăn về tính khách quan và công bằng giữa các cụm thi... 

Kỳ thi khắc phục được những băn khoăn của xã hội

Đây là nhận định của TS Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - khi trao đổi về dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017.

Rõ ràng lộ trình đổi mới

Làm công tác quản lý GD tại địa phương, theo sát các kỳ thi trong nhiều năm, thầy nhận định như thế nào về những điểm mới trong dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 của Bộ GD&ĐT. Những điểm mới này có tạo thuận lợi cho địa phương, nhà trường, giáo viên và HS hay không?

Tôi cho rằng trong lộ trình đổi mới Kỳ thi THPT quốc gia hướng tới việc tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng, nghiêm túc, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, khách quan, có tính phân hóa tốt làm cơ sở cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, giảm áp lực thi cử và tốn kém thì dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố là phù hợp, có nhiều ưu điểm và nhìn chung đáp ứng được yêu cầu đổi mới kỳ thi.

Các điểm mới trong dự thảo lần này là để khắc phục một số bất cập, hạn chế từ việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia của năm 2015 và 2016, tiếp tục hoàn thiện để công tác tổ chức thi, tuyển sinh năm 2017 hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho địa phương, nhà trường, giáo viên và HS.

Dự thảo cho thấy, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức về cơ bản như năm 2015 và 2016, là một kỳ thi chung làm cơ sở cho xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ, nhưng có một số điều chỉnh cho hợp lý hơn như: Giao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT; quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường CĐ, ĐH; tạo thuận lợi hơn cho thí sinh; giảm khó khăn, tốn kém cho việc tổ chức thi, giảm chi phí cho học sinh, gia đình HS; khắc phục được những băn khoăn của xã hội về tính khách quan và công bằng giữa các cụm thi...

Việc quy định thí sinh phải thi theo bài thi trong đó có 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc tổ hợp các môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, GD công dân) vừa tạo điều kiện để phát huy năng lực cá nhân của HS và cũng vừa giúp khắc phục tình trạng học tủ, học lệch trong HS.

Bộ GD&ĐT cũng khẳng định là các bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là các bài thi tổ hợp các câu hỏi của các môn riêng chứ không phải là bài thi tích hợp, liên môn nên giáo viên và HS cũng không phải lo lắng nhiều. Phương thức tính điểm xét tốt nghiệp cũng như năm 2016, từ 50% số điểm từ bài thi và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu kết hợp đánh giá cuối kỳ và đánh giá cả quá trình học của HS.

Về nội dung thi, dự thảo khẳng định năm 2017 nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT; năm 2018 nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm THPT. Qua đó, giáo viên và HS thấy rõ lộ trình, yên tâm giảng dạy và ôn tập bình thường theo chương trình, chuẩn kiến thức, kĩ năng hiện hành, không có gì bất ngờ, khó khăn.

Về hình thức thi, các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn, thi theo hình thức tự luận. Điểm mới năm nay là bài thi môn Toán và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan chứ không phải tự luận như trước đây; các bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội dạng tổ hợp.

Giáo viên và HS còn băn khoăn, lo lắng vì chưa quen với dạng thức đề thi này. Do vậy, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành định dạng đề thi mẫu để giáo viên và HS chủ động trong giảng dạy và ôn tập. Thời gian thi dự kiến trong hai ngày cũng đảm bảo gọn nhẹ, giảm chi phí, tốn kém, khó khăn cho việc tổ chức thi và vất vả cho thí sinh.

Dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017 rõ ràng là hướng đến việc tốt hơn cho thí sinh và cho xã hội. Tuy nhiên, để nhà trường, giáo viên, HS và xã hội không cảm thấy bất ngờ, bất an đối với những đổi mới của Kỳ thi THPT quốc gia, mà có sự đồng tình, ủng hộ với những đổi mới này, thì Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, đề ra định hướng và lộ trình đổi mới rõ ràng để các nhà trường, giáo viên và HS chủ động trong dạy học.

Kết quả thi chắc chắn sẽ đảm bảo độ tin cậy

Một số quan điểm cho rằng, việc giao kỳ thi cho địa phương tổ chức, các trường ĐH, CĐ sẽ không yên tâm sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Là người trong cuộc, từ thực tế tổ chức thi tại Bến Tre nhiều năm, thầy có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Theo tôi, thực tế việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia hai năm qua cho thấy việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi tốt nghiệp do Sở GD&ĐT chủ trì với sự giám sát của các trường ĐH, CĐ trong coi thi, chấm thi hoặc Sở GD&ĐT phối hợp với các trường ĐH chủ trì cụm thi ĐH đều được thực hiện chặt chẽ, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Với dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Sở GD&ĐT được giao chủ trì cụm thi có sự phối hợp, hỗ trợ và giám sát công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi của cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ; Hầu hết các bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan do phần mềm máy tính chấm; mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề riêng thì kết quả thi chắc chắn sẽ đảm bảo độ tin cậy cho các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng để xét tuyển.

Lưu ý các điểm mới để có kế hoạch, tập trung triển khai ngay đầu năm học

Thầy có thể cho biết phương hướng, chỉ đạo của Sở GD&ĐT Bến Tre nhằm đáp ứng được phương án thi đổi mới?

Trong hướng dẫn nhiệm vụ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã lưu ý các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX đảm bảo dạy học đầy đủ theo chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học, tránh tình trạng học tủ, học lệch; Tăng cường đổi mới kiểm tra, đánh giá, chú ý rèn luyện đối với các bài tập trắc nghiệm khách quan; đối với các môn Khoa học xã hội, cần tiếp tục yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước;

Đối với môn Ngoại ngữ tránh tư tưởng chờ thi môn thay thế, lưu ý chủ động, tập trung dạy học đầy đủ các nội dung trong chương trình, sách giáo khoa, chuẩn kiến thức, kỹ năng, tập cho học sinh giải các bài tập trắc nghiệm khách quan đối với bộ môn này.

Với dự thảo phương án thi THPT quốc gia mới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường học lưu ý các điểm mới để có kế hoạch, tập trung triển khai ngay từ đầu năm học. Lưu ý, tập cho HS làm quen và tăng cường rèn luyện cách làm bài tập trắc nghiệm khách quan đối với môn Toán và các môn Khoa học xã hội như Lịch sử, Địa lý, đặc biệt môn Giáo dục công dân vì đây là điểm mới.

Chuẩn bị khi Bộ GD&ĐT ban hành định dạng đề thi mẫu các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thì tăng cường rèn luyện dạng thức đề thi này cho HS.

Xin cảm ơn thầy!

“Tôi rất đồng tình việc môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, thi theo hình thức trắc nghiệm với 40 câu hỏi, bởi vì trong điều kiện dạy học Ngoại ngữ hiện nay còn nhiều khó khăn thì chưa thể kiểm tra các kỹ năng nói, nghe, viết và để khuyến khích phong trào dạy học Ngoại ngữ, tạo thuận lợi cho việc triển khai Đề án dạy học Ngoại ngữ thì không nên yêu cầu quá cao về kiến thức, kỹ năng đối với bộ môn này. Hãy đợi đến khi đã triển khai đồng bộ chương trình Ngoại ngữ mới thì lúc đó việc kiểm tra đầy đủ 4 kỹ năng sẽ thuận lợi hơn”.
TS Nguyễn Văn Huấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.