Một kỳ thi quốc gia được tổ chức tốt
TS Phạm Văn Bồng khẳng định: Thành công lớn nhất của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là về mặt tổ chức thi. Đây là kỳ thi đầu tiên được tổ chức thi nhằm hai mục đích vừa để xét tốt nghiệp vừa để lấy kết quả thi làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh nên có rất nhiều khâu phải chuẩn bị như:
Xây dựng quy chế thi, công tác đề thi, coi thi, chấm thi trên toàn quốc theo mô hình mới và phải chuẩn bị trong một khoảng thời gian ngắn; Tuy nhiên tất cả mọi công tác cho đến nay đã kết thúc suôn sẻ, tốt đẹp, không có bất kỳ vấn đề nào lớn xảy ra.
Thành công nữa là kỳ thi đã có định hướng rõ ràng trong xã hội. Kỳ thi “hai trong một” đã giảm đi rất nhiều áp lực trong xã hội, trong thí sinh và gia đình.
Trước đây các kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH diễn ra với áp lực nặng nề ở cả người đi thi và cơ quan tổ chức thi. Kỳ thi năm nay đã giảm được chi phí cho xã hội, giảm nguồn lực chi cho công tác này.
Kỳ thi cũng đã có tác động sâu sắc đến sự phân tầng các trường ĐH một cách ngẫu nhiên. Đến nay, các trường ĐH về cơ bản đã tuyển được những thí sinh có điểm tương ứng với những kỳ thi trước của trường mình.
Điều này chứng tỏ kỳ thi có tác động đến sự phân tầng trong hệ thống các trường ĐH, CĐ hiện nay. Trường nào có chất lượng đào tạo tốt, được xã hội công nhận sẽ tuyển được những thí sinh có năng lực tốt.
Dấu ấn đậm nét của một kỳ thi đổi mới
“Với tỷ lệ bình quân ở cả hai cụm thi trên 90% học sinh tốt nghiệp THPT là con số hợp lý, phản ánh đúng thực tế giáo dục phổ thông hiện nay ở các vùng miền cả nước.
Các trường đại học đã cơ bản hoàn thành công tác tuyển sinh và số lượng sinh viên tuyển được nhiều hơn mọi năm. Đấy là thành công về mặt chuyên môn đáp ứng được cả hai tiêu chí trên đây” - TS Phạm Văn Bồng chia sẻ.
Chỉ nên tối đa 2 nguyện vọng
Bày tỏ ủng hộ chủ trương tiếp tục tổ chức kỳ thi năm 2016 theo hình thức của kỳ thi vừa qua, TS Phạm Văn Bồng đề xuất nên thực hiện trên cơ sở tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ thi năm 2015 để có những điều chỉnh các công tác còn bất cập, chưa thật hợp lý để kỳ thi có nhiều thành công hơn.
Cụ thể, theo ông, nên rút ngắn thời gian xét tuyển sinh trong kỳ xét tuyển, thí sinh không được rút hồ sơ xét tuyển, nhằm giảm tải cho công tác tuyển sinh.
Bên cạnh đó là cân nhắc các mức điểm ưu tiên dành cho các đối tượng thí sinh sao cho tránh được bất cập là có nhiều thí sinh có điểm ưu tiên cao do hưởng nhiều diện ưu tiên. Hiện nay, việc đưa ra nhiều tiêu chí để tính điểm ưu tiên cũng đã bất cập, do được xây dựng cách đây đã nhiều năm nay.
TS Phạm Văn Bồng cũng cho rằng, đợt xét tuyển ban đầu của kỳ xét tuyển, thời gian xét tuyển kéo dài dẫn đến nhiều hạn chế, mệt mỏi cho người làm tuyển sinh và cả cho các thí sinh.
Các đợt tuyển sinh về sau Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh rất kịp thời. Chủ trương của Bộ GD&ĐT dành nhiều cơ hội đỗ ĐH cho thí sinh là đúng, tuy nhiên khi thực hiện đã có nhiều vấn đề nảy sinh, nhất là định hướng nghề nghiệp của nhiều em bị thay đổi do nhiều yếu tố chi phối nên không đỗ ĐH đúng theo định hướng nghề nghiệp của mình.
Theo TS Phạm Văn Bồng thì trong những năm tới, nên chăng chỉ dành cho thí sinh tối đa 2 nguyện vọng để cân nhắc, đăng kí xét tuyển. Đồng thời phần mềm tuyển sinh phải được nghiên cứu hoàn thiện hơn.
“Hình thức tổ chức ở các cụm thi cũng cần nghiên cứu tổ chức lại sao cho khoa học hơn. Theo hình thức tổ chức thi năm nay, kỳ thi có hai cụm thi là các trường ĐH tổ chức và cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, tổ chức thi có sự tham gia giám sát của các trường ĐH. Đây là năm đầu nên sự phối hợp vẫn có khó khăn nhất định.
TS Phạm Văn Bồng