Kỳ thi đánh giá năng lực tác động tích cực đến dạy học

GD&TĐ - Đến mùa tuyển sinh năm 2019 này, số trường ĐH tổ chức/sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực gia tăng đáng kể. Từ chỗ chỉ có Trường ĐH FPT, Trường ĐH Việt Đức, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM)…, trong kế hoạch tuyển sinh năm nay, còn có Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Hoa Sen dự kiến tổ chức kỳ thi riêng đánh giá năng lực.

Kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH uy tín tạo sức hút lớn với thí sinh
Kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH uy tín tạo sức hút lớn với thí sinh

Riêng ĐHQG TPHCM, đã có 20 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi của ĐH này để xét tuyển trong năm 2019, trong đó có 8 đơn vị thành viên của ĐHQG TPHCM và 12 trường ngoài hệ thống. Chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức đánh giá năng lực năm 2019 của ĐHQG TPHCM cũng tăng, chiếm tối đa 40% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành. Chỉ riêng kỳ thi đợt 1 năm nay đã có trên 9.000 thí sinh đăng ký, tăng gần gấp đôi so với tổng số thí sinh dự thi của năm 2018.

Các kỳ thi đánh giá năng lực trở nên có sức hút, ngoài lí do mang tính kỹ thuật (có thể mở nhiều đợt trong năm, khác thời điểm thi THPT quốc gia, cho HS rộng thêm cơ hội vào trường ĐH mong muốn), còn có một nguyên nhân cực kỳ quan trọng là với sự đổi mới trong đánh giá, tiệm cận với tiêu chuẩn thi và đánh giá quốc tế, đã giúp các trường và thí sinh yên tâm vào kết quả thi (phản ánh đúng năng lực thật sự). Như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, bài thi được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills

Assessment) của Anh, đánh giá khá chính xác trình độ tư duy, năng lực vận dụng, áp dụng của thí sinh. Đặc biệt, với kỳ thi đánh giá năng lực, cấu trúc và nội dung bài thi đã có khả năng loại bỏ các yếu tố tiêu cực mà thi cử truyền thống thường mắc phải là nạn học tủ, học thêm, luyện thi tràn lan. Hay bài thi của Trường ĐH Việt Đức không nhằm mục đích kiểm tra kiến thức mà tập trung đánh giá các kỹ năng nhận biết, suy luận và xử lý vấn đề, việc thí sinh đi luyện thi là không cần thiết.

Trong thực tế, không ít HS đã có sự chuyển hướng trong ôn thi theo hướng tích cực. Lê Anh Minh, HS Trường THPT Gia Định (TPHCM) cho biết khi quyết tâm chọn đường vào ĐH qua kỳ thi này em quyết định không vào các lớp luyện thi nữa mà tập trung bám sát kiến thức SGK, dành thời gian tư duy và suy luận. Bên cạnh đó, em tìm đọc bổ sung kiến thức thực tế để biết thế giới xung quanh đang diễn ra điều gì và thế nào. “Hiện nay, năng lực không chỉ là kiến thức môn học mà còn cần biết vận dụng môn học đó vào cuộc sống. Em nghĩ cách thi của kỳ thi này đã bắt buộc HS phải thay đổi phương pháp học tập tiến bộ hơn, thay vì học vẹt, học tủ, học thuộc lòng” - Minh cho biết.

Tại nhiều trường THPT ở TPHCM, gần như các HS tốp đầu đều đăng ký dự thi các kỳ thi đánh giá năng lực, có trường gần 100% HS lớp 12 đăng ký như Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Trường THPT Lê Quý Đôn… Vì thế, bên cạnh việc tổ chức học và ôn tập hướng đến mục tiêu chung là Kỳ thi THPT quốc gia, các trường còn có định hướng cung cấp kiến thức và kỹ năng để HS đáp ứng yêu cầu các kỳ thi riêng.

Theo nhận xét của các giáo viên, đề thi đánh giá năng lực của các trường có độ rộng, bao quát kiến thức và thoát ly hoàn toàn với những câu hỏi truyền thống, tăng cường khả năng vận dụng. Từ đó, đòi hỏi HS không thể học bài theo kiểu thuộc lòng, luyện các dạng bài tập và theo giáo viên hướng dẫn. Khi không bị áp lực học thuộc, HS phải học hiểu, học linh động để vận dụng kiến thức vào giải quyết các câu hỏi.

Như vậy, có thể nói sự đổi mới trong kỳ thi đánh giá năng lực đã tác động tích cực đến thực tiễn dạy học của giáo viên và tình hình học tập của HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.