Kỷ niệm đặc biệt của giáo viên cắm bản

GD&TĐ - Với những giáo viên cắm bản, chỉ cần học sinh đến lớp đầy đủ, siêng năng học tập đã là món quà vô giá để họ tiếp tục bám trường, bám lớp.

Kỷ niệm đặc biệt của giáo viên cắm bản

Quà tặng là bó mía, mớ rau

Gần 30 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, thầy Điêu Chính Quỳnh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tà Hộc (Mai Sơn, Sơn La) tâm sự: Chừng ấy năm công tác, thầy có 2 lần nhận được quà của học sinh. Lần đó đã cách đây hơn 10 năm, khi thầy còn công tác ở Trường Phổ thông Cơ sở Chiềng Sung, cuối buổi học ngày 20/11, một em học sinh đem đến tặng thầy một bó hoa rất nhiều màu sắc: Vài nhánh hoa cải, một ít hoa rừng, đôi chùm hoa khế và có cả hoa cỏ may.

Một lần khác, khi thầy chuyển đến Trường THCS Nà Bó, đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy nhận được quà của học sinh. Quà cũng chỉ là những đóa hoa rừng và vài củ khoai, củ sắn... Mộc mạc đơn sơ, nhưng chất chứa biết bao tình cảm chân thành. Cho đến giờ thầy vẫn không quên những kỷ niệm rất đỗi thân thương ấy.

Thầy Quỳnh chia sẻ: Từ đó đến nay, thầy chưa từng nhận được hoa, quà của học sinh. Trái lại, thầy và các đồng nghiệp còn dành một phần lương để tặng quà cho các em học sinh vào dịp 20/11. “Chúng tôi tổ chức các phong trào, hoạt động để khuyến khích học sinh thi đua trong học tập như: Phong trào “Hoa điểm 10”.

Theo đó, những học sinh đạt nhiều điểm 10 trong “Tuần lễ 20/11” và đi học chăm chỉ, không nghỉ buổi nào sẽ được nhận phần thưởng. Phần thưởng có thể là vài quyển vở, quyển sách tham khảo hay cây bút máy... nhưng cũng khích lệ được tinh thần học tập của các em. Đó cũng là cách để giáo viên chúng tôi giữ chân học trò và cũng là dịp để giáo dục các em về truyền thống Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11” – thầy Điêu Chính Quỳnh chia sẻ.

Cũng giống như thầy Quỳnh, gần 20 năm gắn bó "gieo chữ" nơi vùng đất khó nhưng khái niệm tặng hoa và quà cho giáo viên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam đối với thầy Nguyễn Trung Huấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nà Ớt (Sơn La) là điều xa xỉ. Duy nhất một lần thầy được học sinh tặng quà nhân ngày 20/11 là một bó mía non.

Thầy Nguyễn Trung Huấn: Là giáo viên cắm bản nếu chỉ nhiệt huyết thôi thì chưa đủ, mà cần cả sự kiên trì

Thầy Huấn nhớ lại: Ngày đó mới ra trường, thầy được phân công dạy học ở Trường THCS Chiềng Dong. Năm ấy là năm đầu tiên thầy dạy học ở bản. Sáng sớm ngày 20/11, thầy vừa mở cửa phòng đã được một học sinh ôm bó mía non đến tặng. Mía do gia đình em trồng được, chưa đến ngày thu hoạch nhưng vì quý mến thầy nên em đốn trước để làm quà biếu trong Ngày Tết của Nhà giáo. Nghĩ lại vẫn thấy vui và hạnh phúc.

Được biết, trước khi về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nà Ớt, thầy Nguyễn Trung Huấn từng có gần 8 năm dạy học ở Trường THCS Chiềng Dong. Đường đến trường bụi mù đất đỏ, vì thế ngày nắng cũng như ngày mưa, giáo viên đều phải mặc áo mưa, đi ủng đến trường. Song khó khăn nhất là việc vận động học sinh đến trường. Ở đây vẫn còn phong tục, tập quán cưới vợ, gả chồng sớm cho con. Và điều đó luôn là rào cản ngăn bước chân các em đến trường. Do đó, món quà giá trị và có ý nghĩa nhất của giáo viên cắm bản đó chính là học sinh đến trường đầy đủ, không bỏ học giữa chừng.

Theo thầy Huấn, để vận động được các em đến trường, giáo viên phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà", nếu một lần chưa thành công thì đến nhà 4 - 5 lần, miễn sao đón được các em trở lại trường, lớp. "Vì thế, đã là giáo viên cắm bản, thì chấp nhận những khó khăn, vất vả. Và đã là giáo viên cắm bản nếu chỉ nhiệt huyết thôi thì chưa đủ, mà cần cả sự kiên trì. Nhưng đổi lại, chúng tôi luôn được đón nhận những tình cảm chân thành, trong veo của các em học sinh và bà con dân bản" - thầy Nguyễn Trung Huấn bộc bạch.

Vừa dạy học, vừa lo cho trò

    "Đứng trên bục giảng nơi vùng khó, cần lắm những giáo viên tâm huyết với nghề. Bởi họ chính là những người "gieo chữ", ươm mầm xanh cho dân bản, làm thay đổi tương lai cho vùng đất khó. Những hy sinh, cống hiến của họ sẽ được tiếp nối bằng những nụ cười và bằng niềm vui đến trường của trẻ thơ".
 
Cô Trần Thị Dung 
Phó Phòng GD&ĐT TP Lào Cai  

Hơn 10 năm nay, ngày ngày cô Hà Kim Bái vượt gần 40km đường rừng để đến Trường Tiểu học số 2 Xuân Hòa (Bảo Yên, Lào Cai) dạy học. Nhiều lần định bỏ cuộc nhưng nhìn những ánh mắt trẻ thơ, niềm khao khát con chữ của các em học sinh khiến cô không đành lòng rời xa. Vậy là quyết định ở lại, bám trường, bám lớp để dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc. Ba năm nay, cô được điều động về dạy học ở bản Tổng Mo. Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, Dao, Pà Có.

Cô Hà Kim Bái cho biết: Ở Tổng Mo, không điện, không sóng điện thoại và thiếu cả nước ngọt. Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn và thiếu thốn đủ bề. Trước đây, lớp học được làm bằng tranh tre, nứa lá nên mùa Đông là nỗi sợ hãi và ám ảnh đối với thầy - trò. Cô Hà Kim Bái chia sẻ: Những ngày mưa gió, rét mướt, nhìn học sinh co ro trong lớp học mà thầy không dạy được nữa. Vậy là thầy tất bật tìm kiếm vật dụng để che đậy những nơi gió lùa, mưa hắt. Khổ nỗi nếu che đậy hết thì lớp học lại thiếu ánh sáng trầm trọng.

“Lúc nào chúng tôi cũng phải dự trữ củi để đốt lửa sưởi ấm cho các em. Nhiều lúc cũng nản lòng, nhưng khi chứng kiến cảnh học sinh đi chân trần trong ngày giá lạnh, áo không đủ ấm nhưng các em vẫn đến lớp đầy đủ, đúng giờ và miệt mài bên từng trang sách, khiến tôi không đành lòng rời bỏ các em. Các em cần lắm con chữ để thay đổi cuộc đời" – cô Hà Kim Bái trải lòng và cho biết: Hiện nay, các lớp học tranh tre, nứa lá đang được thay thế bằng những phòng học kiên cố. Điều mà thầy – trò chúng tôi mong mỏi bấy lâu nay đã và đang trở thành hiện thực.

Kể về Ngày Nhà giáo 20/11 của mình, cô Hà Kim Bái tủm tỉm cười: "Ở đây, học sinh còn không biết đến ngày 20/11 là gì. Vì thế không có chuyện giáo viên được học sinh tặng hoa, tặng quà như ở vùng xuôi. Đến gần ngày 20/11, chúng tôi dạy về chủ đề nhà giáo; lúc này các em mới biết đến Ngày Nhà giáo Việt Nam. Khi biết rồi, em nào em nấy thi nhau vẽ tranh tặng thầy. Em thì vẽ về ngôi trường, em thì vẽ về chân dung thầy giáo, có em thì vẽ ước mơ của mình trong tương lai... Nói chung là muôn màu sắc và cũng là muôn vàn tình cảm thầy - trò được chất chứa trong từng nét vẽ".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ