(GD&TĐ) - Sách giáo khoa (SGK) từ trước tới nay vốn được coi là một trong những “chìa khóa” để thầy và trò mở vào cánh cửa tri thức nhằm phục vụ cho việc dạy và học trong nhà trường. Không giống như trước đây, hiện nay SGK đã phổ biến trong hành trang đến lớp của HS. Tuy nhiên để phát huy hết chức năng của công cụ cẩm nang này đòi hỏi HS phải có kỹ năng thuần thục và khoa học. Sau đây là chia sẻ kinh nghiệm từ những GV ở TPHCM xung quanh rèn kỹ năng này.
Cần nâng cao kỹ năng sử dụng SGK cho học sinh Ảnh: Thái Hòa |
Theo cô Nguyễn Thị Nguyệt – GV Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TPHCM, 3 kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng tìm tư liệu và kỹ năng làm việc với SGK luôn được coi trọng vì giúp cho các em trưởng thành hơn các thao tác làm việc trong một tiết học cụ thể.
Chính vì thế trong bài dạy Chu kỳ tế bào và quá trình nguyên phân (Bài 18) tại lớp 10A6, cô đã đưa ra 3 yêu cầu cần thiết về kỹ năng hoạt động của HS. Ngoài kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng tìm tư liệu, chọn lọc thông tin cô giáo dạy bộ môn Sinh học đặc biệt “nhấn mạnh” kỹ năng làm việc với SGK. Riêng đối với bài 18 thì đây là phần kiến thức sinh học cổ điển nhất.
Một lợi thế khác mà cô Nguyệt đã khẳng định thêm là khi sang học ở chương trình lớp 12 thì các em sẽ gặp lại bài này trong chương Di truyền. May mắn cho GV khi đứng lớp là tất cả HS đều có SGK để trên mặt bàn. Điều đó có nghĩa là các em không có gì khó khăn khi tiếp nhận tri thức đầu tiên từ SGK. Không chỉ là tri thức quan trọng của chương trình khối 10, bài Chu kỳ tế bào và quá trình nguyên phân thật sự lý thú khi những kiến thức đó liên quan trực tiếp đến các “diễn biến” thật trong cơ thể con người.
Ngay trong tiết học trước, GV đã căn dặn cả lớp về xem trước SGK và yêu cầu trả lời được một vài câu hỏi đơn giản nhất. Có thể nói “đi 1 con đường mà về đến 2 đích” vì yêu cầu này không chỉ giúp các em làm quen với bài học sắp tới theo kiểu đón đường mà còn là cách bắt buộc mọi thành viên trong lớp phải có SGK và biết quy trình làm việc với nó. Nhờ vậy mà ngay từ lúc vào phần 1 của bài giảng, nhóm HS đã đứng lên thuyết trình được khái niệm và đặc điểm chu kỳ tế bào.
Mặc dù chưa đầy đủ và đặc biệt chưa sâu sắc lắm nhưng dù sao vẫn được GV cổ vũ động viên tinh thần sớm làm quen với bài học của ngày hôm sau. Khi sang phần Quá trình nguyên phân, trước khi cho cả lớp xem clip biểu diễn các kỳ của nguyên phân, GV cũng yêu cầu HS nghiên cứu nội dung chính trong SGK về cấu tạo tế bào như màng sinh chất, tế bào chất, nhân và màng nhân, cặp trung tử và thoi phân bào.
Ngữ văn là phân môn đòi hỏi HS bám sát SGK nhiều nhất. Mục đích của việc giảng dạy bộ môn này là nâng cao hiểu biết cho người học những kiến thức cuộc sống ngoài văn bản. Nhưng điều đó không có nghĩa là cả người học và người dạy thoát ly văn bản và lãng quên việc khám phá văn bản trong SGK. Khi HS hiểu được nguyên lý “Đọc văn bản cũng là một cách phân tích và cảm thụ tác phẩm” thì lúc đó các em mới hào hứng với công việc mình đang làm.
Để tận dụng hết “chất xám” trong SGK, GV cũng cần phải biết hướng dẫn các em thực hiện đúng những yêu cầu mà người biên soạn đưa ra. Chính vì thế đối với cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp – GV Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TPHCM tiếp cận văn bản là công việc đòi hỏi phải được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Mặc dù có em đã đọc tác phẩm trước khi đến lớp nhưng mỗi giờ giảng văn cô Diệp đều yêu cầu các em nghe lại văn bản một cách thường xuyên và trọn vẹn. Những gợi ý từ SGK nếu GV biết khai thác đúng lúc và đúng chỗ thì làm cho bài giảng hấp dẫn hơn, sâu sắc hơn. Còn không thì dễ có những tác dụng ngược.
Chỉ coi Tiểu dẫn là một tư liệu quan trọng giúp các em tham khảo và tìm cách chọn lọc thông tin từ trong đó mà ra. Khi dựa vào SGK để đặt ra hệ thống câu hỏi, GV cũng phải biết hướng tới đối tượng trả lời cho phù hợp với từng câu hỏi. Những HS yếu hoặc trung bình thì nên dành cho những câu hỏi kiến thức xoay quanh SGK khi ở dạng này hay dạng khác. Sách GV vốn là cây “gậy dẫn đường” cho người soạn giáo án nhưng cũng không vì thế mà thoát ly toàn bộ những gì đã có trong SGK. Bởi vì SGK không chỉ là pháp lệnh yêu cầu mọi người phải chấp hành nghiêm mà điều quan trọng hơn là giúp HS đi đúng với con đường mà SGK đã vạch lối.
Có như vậy trình độ HS dù được nâng cao nhưng vẫn vững vàng và chắc chắn vì được đứng trên một nền móng định sẵn. Cái hay của SGK đã được đổi mới là những câu hỏi Hướng dẫn học bài vừa có tác dụng kiểm nghiệm tri thức vừa có hiệu lực gợi mở ý. Tùy theo cách sáng tạo của GV và đặc biệt là tùy theo từng đối tượng HS mà định thời gian để các em làm việc với loại câu hỏi này. Nếu gặp HS yếu, cảm thấy kiến thức cao siêu trừu tượng thì GV có thể giới thiệu ngay phần Hướng dẫn học bài để các em làm quen với bài mới dưới dạng thức khác.
Còn đối với các lớp khá giỏi thì nên đưa phần hướng dẫn học bài sau khi các em đã làm chủ được toàn bộ kiến thức đã học. Có như vậy những cái gì trong SGK đưa ra mới có tác dụng triệt để và hoàn thiện. Sách giáo khoa mới trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động dạy và học từ 2 phía.
Nguyễn Hoàng Anh