Tri thức làm nên giá trị của con người?

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ dạy con cần phải rèn luyện trở thành người có tri thức. Nhiều người lại cho rằng, có tri thức mà không có lối sống văn hóa, trở thành người tử tế cũng chẳng có ích gì.

Học sinh cần trau dồi cho bản thân thật nhiều tri thức để vượt qua những khó khăn. Ảnh minh họa
Học sinh cần trau dồi cho bản thân thật nhiều tri thức để vượt qua những khó khăn. Ảnh minh họa

Không đóng khung ở bằng cấp

Trong kỳ thi môn Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 ở Hà Nội có trích một đoạn văn: “Người ta kể rằng, có một máy phát điện cỡ lớn của Công ty Pho bị hỏng. Một hội đồng gồm nhiều kĩ sư họp 3 tháng liền tìm không ra nguyên nhân. Người ta phải mời đến chuyên gia Xten-mét-xơ.

Ông xem xét và làm cho máy hoạt động trở lại. Công ty phải trả cho ông 10.000 đô la. Nhiều người cho Xten-mét-xơ là tham, bắt bí để lấy tiền. Nhưng trong giấy ghi biên nhận, Xten-mét-xơ ghi: “Tiền vạch một đường thẳng là 1 đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá 9.999 đô la”. Rõ ràng người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà người khác không làm nổi”.

Sau đoạn trích là câu hỏi “phải chăng tri thức làm nên giá trị con người”?

Một số học sinh cho rằng, khi dịch bệnh khiến nền kinh tế trở nên khó khăn, mọi người mất việc làm, chỉ có tri thức mới giúp họ khẳng định được giá trị của mình. Quả đúng vậy, việc tìm ra 1 đường thẳng là điều đơn giản, ai cũng có thể làm được nên nó không mang lại giá trị lớn. Ngược lại, tìm đúng chỗ để vạch đường thẳng ấy thì không phải ai cũng làm được. Điều đó mới mang lại giá trị lớn lao.

Đồng quan điểm đó, nhiều người cho rằng, giá trị đích thực của một con người nằm ở bằng cấp, chứng chỉ mà người đó nhận được.

Tuy nhiên, thực chất đây vẫn chưa phải là giá trị của một con người trong cuộc sống. Bằng cấp chỉ chứng minh được bạn đã học tập như thế nào, trau dồi kiến thức trong trường học ra sao. Thậm chí bằng cấp còn không thể hiện được kinh nghiệm và kết quả công việc mà bạn đảm nhiệm.

Trái lại, những người không học qua trường lớp, chẳng có bằng cấp chứng chỉ gì, đôi khi lại thành công ở nhiều lĩnh vực, khiến người khác kính nể. Vì thế, bằng cấp chưa thật sự nói lên giá trị của một người.

Chúng ta chớ nên quy chụp việc học ở trường lớp, học hàm, học vị cao mới làm nên giá trị con người. Kiến thức không chỉ đóng khung ở trường lớp, kiến thức còn là những bài học ta học được từ trường đời.

Thực tế, có nhiều người dù không có bằng cấp học hành nhưng họ có lối sống văn hóa rất tốt. Họ làm được nhiều việc có ích cho xã hội, thường yêu người nghèo và tử tế với những người xung quanh. Trong cuộc sống, họ cũng được nể trọng và có tiếng nói ở địa phương. 

Không ngộ nhận vẻ đẹp bên ngoài và giá trị con người

Tri thức là một dạng tổng hợp của cảm nhận, kinh nghiệm, giá trị, thông tin trong ngữ cảnh giúp tạo khuôn khổ cho việc đánh giá và tiếp nhận những kinh nghiệm và thông tin mới. Còn giá trị con người là ý nghĩa về sự tồn tại của con người, là vị trí nhất định của họ trong xã hội.

Tri thức là một con đường dẫn đến sự thành công của mỗi con người, giúp họ có địa vị cao trong xã hội. Tri thức giúp con người có hiểu biết sâu rộng, phong phú, có thêm những kinh nghiệm trong cuộc sống để từ đó dẫn đến thành công. Tri thức giúp con người có chỗ đứng trong xã hội, giúp họ được nhiều người yêu mến và kính trọng. Tri thức cũng giúp con người rèn luyện đạo đức để có lối sống phù hợp.

Nhưng con người chúng ta cần biết vận dụng tri thức vào việc tốt, không nên lợi dụng để làm việc xấu, lấy lợi cho bản thân. Phê phán những con người chỉ biết học trong sách vở mà không biết vận dụng vào đời sống thực tế. Vậy trong mỗi chúng ta cần phải học tập không ngừng, vận dụng tri thức vào đời sống thực tiễn. Điều đó có nghĩa ngoài nâng cao kiến thức còn phải trở thành người tử tế từ những kiến thức đó.

Có thể nói, một con người được coi là có giá trị khi chúng ta có sự cống hiến làm nên sự tốt đẹp, văn minh, phát triển cho cộng đồng. Tri thức là những gì con người tích lũy được qua quá trình học hỏi, nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau. Có tri thức, con người mới có thể chung sống và làm việc.

Vốn tri thức hạn hẹp sẽ gây rất nhiều khó khăn cho chúng ta trong sinh hoạt và quá trình lao động. Có tri thức, con người sẽ biết cách giải quyết những tình huống trong cuộc sống.

Một đất nước phát triển luôn là một đất nước có những công dân giàu trí tuệ. Không chỉ vậy, tri thức còn giúp con người biết sống đẹp hơn, sống tốt hơn. Muốn có tri thức, con người cần không ngừng học hỏi và trau dồi bản thân. Dù bạn là ai, bạn đang trong độ tuổi nào, bạn làm nghề gì, việc học tập là điều cần thiết.

Việc chăm chút bên ngoài, làm đẹp cho bản thân mình không hề xấu, thực chất nó còn là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ ngộ nhận vẻ đẹp bên ngoài và giá trị thật sự bên trong của mình. Không thể lấy hình thức bên ngoài làm thước đo để đánh giá, giá trị của mỗi con người trong cuộc sống. Chẳng phải hoa hậu Thùy Tiên mới đây đăng quang ở đấu trường nhan sắc quốc tế cũng phần lớn là do tri thức mà cô đã trau dồi được từ sách vở, từ kỹ năng sống hay sao.

Thực tế, tri thức là kho tàng kiến thức khổng lồ mà con người đã tích lũy được nhiều năm nay. Tri thức của mỗi con người chính là những gì mà con người tích lũy được thông qua quá trình học tập, nghiên cứu. Đó có thể là tri thức từ kiến thức sách vở, có thể là rèn luyện bản thân trở thành người sống tử tế, văn minh, tích cực.

Như vậy, tri thức đóng vai trò vô cùng quan trọng và có tính quyết định đến việc thành công hay thất bại của con người. Chính vì thế, mỗi người hãy cố gắng trau dồi cho bản thân thật nhiều tri thức. Cha mẹ cần hướng dẫn, dạy trẻ biết nuôi dưỡng lý tưởng cao đẹp, những ước mơ lớn lao, vượt khỏi những đam mê thông thường, những khó khăn của thực tại để vươn lên học tập.

Nguyễn Thị Thanh Xuân - Giáo viên Trường THPT Nguyên Bình, Cao Bằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.