Kỹ năng nghề - Chìa khóa cho việc làm bền vững

GD&TĐ - Một khảo sát mới đây được thực hiện bởi Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, nhu cầu về kỹ năng của người lao động mà doanh nghiệp cần có đang ngày càng nhiều hơn. 

Kỹ năng nghề - Chìa khóa cho việc làm bền vững

Tuy nhiên, sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp lại chưa được chú trọng, dẫn đến những kỹ năng nghề được đào tạo không phù hợp với yêu cầu. Vấn đề đang trở thành một thách thức lớn trong việc nâng cao năng suất lao động và giải quyết việc làm cho giới trẻ trước những thay đổi nhanh chóng về công nghệ.

Nhu cầu của doanh nghiệp

Những phát hiện của khảo sát chỉ ra nhu cầu kỹ năng mà doanh nghiệp cần bao gồm cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng cốt lõi như khả năng tư duy sáng tạo, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề. Nghiên cứu “Nhu cầu về kỹ năng trong kỷ nguyên công nghệ mới” chỉ ra, đối với các doanh nghiệp, việc thiếu các kỹ năng cốt lõi ở mức nghiêm trọng hơn. Các kỹ năng kỹ thuật có thể được đào tạo tại doanh nghiệp nhưng các kỹ năng cốt lõi cần cả một quá trình đào tạo để có thể đạt được.

Gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam không có dự báo về nhu cầu kỹ năng trong tương lai. Trong khi đó, sự kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo hầu như chỉ dừng lại ở hình thức doanh nghiệp nhận sinh viên đến thực tập, và sự hợp tác trong quá trình phát triển giáo trình và học liệu và xây dựng kế hoạch đào tạo lao động có kỹ năng còn tương đối yếu. 38% số các doanh nghiệp được khảo sát, cho biết họ chưa bao giờ tham gia các hoạt động hợp tác này.

Được biết, đến năm 2016, trong tổng số 54,36 triệu lao động Việt Nam, chỉ có 11,21 triệu (20,6%) đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Như vậy, cả nước vẫn còn trên 43,15 triệu người chưa qua đào tạo. Hơn nữa chất lượng lao động có sự chênh lệch vùng miền rõ rệt, cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo, lao động kỹ thuật cao còn thấp...

Những phát hiện nói trên cho thấy mối liên kết cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn lỏng lẻo và chưa thực sự được chú trọng, điều này đang trở thành một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng và năng suất lao động.

Khuyến nghị chính sách phát triển

Thực trạng kỹ năng nghề không phù hợp với thị trường lao động cũng đã được chỉ ra trong Báo cáo xu hướng thị trường lao động Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với tựa đề “Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi: Kỹ năng nghề và năng suất trên thị trường lao động”.

Theo đó, các doanh nghiệp trong nước đánh giá lạc quan hơn về giáo dục phổ thông và đào tạo nghề so với các doanh nghiệp nước ngoài, và doanh nghiệp nước ngoài gặp nhiều khó khăn hơn so với doanh nghiệp trong nước trong vấn đề tuyển dụng lao động, đặc biệt là đối với các công việc kỹ thuật và quản lý.

Các khuyến nghị chính sách được đưa ra trong báo cáo bao gồm: Cải thiện tính linh hoạt của thị trường lao động; nâng cao chất lượng của lực lượng lao động; cải thiện đào tạo nghề và giáo dục phổ thông; xây dựng liên kết giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo, trường cao đẳng với các người sử dụng lao động tại địa phương; và củng cố các mối quan hệ lao động tại nơi làm việc.

Theo ILO, Việt Nam nên cải thiện các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động thông qua sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề. Khuyến khích thế hệ trẻ đam mê theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học là việc quan trọng, bởi người lao động theo học các ngành khoa học này thường được người sử dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất tìm kiếm. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là đối với các bạn nữ trẻ trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Các doanh nghiệp Việt Nam ít kỳ vọng hơn về các cơ hội từ việc nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động địa phương so với các quốc gia lân cận trong khu vực ASEAN. Điều này phần nào thể hiện những quan ngại về năng suất lao động khá thấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ