Kỷ luật khiển trách 4 giảng viên

Kỷ luật khiển trách 4 giảng viên

(GD&TĐ) - Trước việc PGS.TS Phan Thị Cúc và nhóm tác giả (đều là giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) đồng biên soạn và đứng tên chủ biên hai cuốn sách “Tài chính Quốc tế” và “Nguyên lý thực hành Bảo hiểm” bị tố giác “đạo sách”, ngày 27/4/ 2010, Bộ GD&ĐT đã chính thức thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí về biện pháp xử lý.

Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã chỉ đạo nhà trường nghiêm túc xem xét, xử lý vụ việc này. Được biết, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã tiến hành họp xử lý nghiêm túc vụ việc.

Kỷ luật khiển trách 4 giảng viên ảnh 1
 

Trong cuộc họp trên, bản tường trình của PGS.TS Phan Thị Cúc đại diện cho nhóm tác giả trên đã được đưa ra. Theo bản tường trình, nhóm tác giả đã nhận khuyết điểm là thiếu trách nhiệm trong lúc sử dụng tài liệu của tác giả khác. Cụ thể có 2 chương đã sử dụng trong cuốn sách của GS.TS Trần Ngọc Thơ. Bản tường trình này cũng nêu nguyện vọng của PGS.TS Phan Thị Cúc là xin nghỉ công tác quản lý khoa và chấm dứt hợp đồng lao động.

Một số ý kiến trong Hội đồng kỷ luật của Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã được đưa ra thảo luận sau sự việc. Trong đó có cho rằng: Nhà trường đã có ứng xử khá tốt. Sau khi sự việc xảy ra, Trường đã có các văn bản báo cáo Bộ, gửi Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Việc làm này đã tích cực giữ mối quan hệ giữa hai trường, các nhà khoa học của hai trường tiếp tục cộng tác.

Về xử lý vụ việc của Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng khá nghiêm túc. Ngay sau khi thông tin được đưa ra dư luận, Nhà trường đã kiểm điểm các thành viên tham gia viết sách trong nhóm tác giả trên, thu hồi số sách đã xuất bản, không được tái bản, thu hồi số tiền đã bán sách, yêu cầu nhóm tác giả trên xin lỗi tác giả sách của Trường Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và đồng ý xem xét nguyện vọng xin chấm dứt hợp đồng lao động của PGS.TS Phan Thị Cúc.

Tuy nhiên, có ý kiến trong Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng: PGS.TS Phan Thị Cúc đã nhận thấy khuyết điểm của mình. Nhưng gần đây, do lớn tuổi, không chịu được áp lực quá lớn của dư luận nên đã nhập viện. Suốt thời gian cống hiến cho các đơn vị công tác, chưa có sai phạm gì, đây là sai phạm lần đầu ngay ở tuổi nghỉ hưu. Về phương diện “nhân văn” nên xử lý kỷ luật ở mức độ nhất định, chủ yếu để chấn chỉnh mọi biểu hiện sai có thể xảy ra. Các ý kiến thảo luận ở Hội đồng kỷ luật của Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh phần lớn thống nhất kỷ luật cả nhóm tác giả biên soạn sách- giảng viên trên với một mức kỷ luật như nhau đó là kỷ luật khiển trách cả nhóm biên soạn. Việc kỷ luật chủ yếu để nhắc nhở những tác giả cần phải nghiêm túc khi biên soạn, trích dẫn.

Chịu hình thức kỷ luật khiển trách trên gồm 4 giảng viên: Phan Thị Cúc, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hoàng Hưng, Nguyễn Thị Tuyết Nga- đều là giảng viên của Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Lý do kỷ luật là vì sử dụng tài liệu của tác giả khác trong biên soạn giáo trình mà không được sự đồng ý của tác giả, làm ảnh hưởng đến uy tín của Khoa, Trường.

Thanh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ