Đây vừa là lễ hội cầu mưa mang tính Phật giáo, vừa là Tết Năm mới. Mở đầu ngày hội, mọi người té nước cho tượng Phật, sư sãi và những người già có uy tín nhất, rồi té nước chúc phúc cho nhau.
Người Lào cũng thực hiện phóng sinh cho các loài động vật như rùa, cá, cua, chim, lươn và các con vật nhỏ khác, bởi người ta tin rằng trong dịp Tết ngay cả động vật cũng cần được tự do. Ngày Tết, sư trụ trì cùng các nhà sư, ni cô và dân làng đi hái hoa tươi đem về chùa cúng Phật.
Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa là lộc. Lạp thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Hương vị độc đáo của món lạp được quyết định bởi thính gạo rang rắc vào đó. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví Năm mới làm ăn có nhiều điềm xui. Lạp thường được ăn với xôi nóng. Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào thì lạp được xem như là linh hồn của người Lào trong Năm mới. Người ta có thể đem chúc nhau bằng món lạp. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng Năm mới sẽ có nhiều lộc.
Ngày Tết, khách đến xông nhà người Lào được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Theo quan niệm của người Lào, để những lời cầu chúc “hiệu nghiệm”, trong ít nhất ba ngày, người được buộc phải để sợi chỉ trên tay, không được tháo chỉ vì bất cứ lí do nào.
Theo phong tục của đất nước “Triệu voi”, người Lào không bao giờ cầu cho mình mà chỉ cầu cho người khác, bởi theo quan niệm của người Lào, khi bạn cầu điều tốt lành cho người khác, thì điều tốt lành cũng sẽ đến với bạn.
Cũng giống như Việt Nam, Tết cổ truyền ở các nước châu Á luôn là dịp để các thành viên xa gia đình trở về đoàn tụ, sum họp trong sự hòa thuận, yêu thương. Đây cũng là dịp để mọi người ăn ngon mặc đẹp, vui chơi lễ hội đón xuân và chúc phúc cho nhau. Tùy theo mỗi quốc gia, dân tộc mà có những đặc trưng riêng trong văn hóa Tết, song điểm tương đồng cũng là nét đẹp chung bao trùm tất cả vẫn là tính chân, thiện, mỹ - một nét đẹp đậm tính nhân văn Á Đông.