Quả chuông họ tìm mang tên Dhammazedi, được cho là lớn nhất thế giới với trọng lượng lên đến 270 tấn, đã nằm yên dưới đáy sông suốt 4 thế kỷ qua.
Quả chuông bí ẩn dưới đáy sông
Lâu nay nó vẫn được xem là biểu tượng tự hào của đất nước có 60 triệu dân, vừa mới thoát ra khỏi cảnh tự cô lập và sự quản lý của một chính quyền quân sự.
Nhiều nhà lãnh đạo Myanmar tin rằng việc tìm thấy quả chuông có thể giúp mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, biến quốc gia này thành hòn ngọc của châu Á.
Quả chuông nằm trong một bức màn đầy bí ẩn. Người ta nói rằng nhà vua Dhammazedi, một người sùng bái Phật giáo, đã ra lệnh đúc chuông vào cuối thế kỷ 15. Ngay sau khi hoàn thành, chuông đã được tặng cho chùa Shwedagon, ngôi chùa thiêng nhất Myanmar, nằm trên đỉnh một ngọn đồi ở Yangon.
Quả chuông nằm tại đó trong hơn 130 năm, cho tới khi nó bị tay lính đánh thuê người Bồ Đào Nha là Philip De Brito cướp mất. De Brito muốn chở quả chuông qua bên kia sông, tới vùng đất Thanlyin, khi đó được gọi là Syriam, để đun chảy nó ra, phục vụ việc đúc súng đại bác đặt trên tàu chiến.
Trải qua rất nhiều khó khăn, người của De Brito đã đưa được quả chuông xuống chân đồi và đưa nó lên một con tàu vận tải xập xệ. Nhưng do quả chuông quá nặng, con tàu đã chìm khi mới ra tới giao điểm giữa sông Yangon và sông Bago.
Quả chuông chưa bao giờ tới được Syriam, nơi từng thuộc về vương quốc Mon và về sau trở thành một bến cảng của người Bồ Đào Nha cùng người Pháp vào thế kỷ 16.
Phần lớn người Myanmar đều tin quả chuông vẫn nằm sâu dưới đáy sông, bị chôn vùi dưới nhiều lớp bùn. Tuy nhiên nhiều nỗ lực tìm kiếm quả chuông, có sử dụng các thiết bị soi quét đáy sông và rađa sóng âm đều không thành công.
Đặt cược vào sức mạnh siêu nhiên
Cuộc tìm kiếm mới nhất, dự kiến kéo dài 45 ngày và tốn kém 250.000 USD- khoản tiền thu được nhờ quyên góp từ các nhà hảo tâm, đang nằm dưới sự lãnh đạo của một cựu sĩ quan hải quân tên San Lin. Ông này tin rằng quả chuông quý đang được bảo vệ bởi một lời nguyền.
Hồi tháng Bảy, khi San Lin mở một cuộc họp báo nói rằng ông là hiện thân của 1 trong 14 người bảo vệ quả chuông và có khả năng giao tiếp với các linh hồn đang cản bước hoạt động tìm kiếm, rất nhiều nhà báo Myanmar đã cười lớn, cho đó là chuyện “tào lao”.
Nhưng thời gian gần đây, hoạt động tìm kiếm của San Lin đã thu hút sự chú ý của dư luận khi ông này vào cuộc không dùng công nghệ cao mà nhờ tới sự trợ giúp tâm linh.
Ông nhờ một nhà sư đọc các bài kinh cầu nguyện, tổ chức cúng tế cho các “nat” hay các linh hồn đang bảo vệ quả chuông. Nhà sư này cũng sẽ cung cấp thông tin về các vị trí tiềm năng có quả chuông khổng lồ để thợ lặn xuống kiểm tra.
Một bức tranh mô tả quả chuông Dhammazedi khổng lồ (trái).
Hiện tại câu chuyện xung quanh hoạt động tìm kiếm của San Lin đã xuất hiện tràn ngập trên trang nhất các tờ báo địa phương. Và nhờ sức mạnh của mạng xã hội, nhiều tin đồn thất thiệt liên quan tới việc tìm chuông đã xuất hiện, ví dụ như người ta đã tìm thấy dấu vết của quả chuông. Các tin đồn đó đã khiến hàng ngàn người hiếu kỳ đổ tới hai bờ sông Yangon để theo dõi cuộc tìm kiếm.
Hoạt động tìm chuông đã mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho những người sở hữu những con thuyền nhỏ. Họ sẽ thu phí để chở các vị khách ra tới một địa điểm chỉ cách thuyền của thợ lặn vài mét, để họ được chứng kiến cụ thể hơn cuộc tìm kiếm.
Trên bờ, người ta có thể mua các bản photocopy chứa nội dung mô tả về quả chuông và lịch sử ấn tượng của nó, với giá 0,2 USD mỗi tờ. Các cửa hàng bán đồ ăn nhanh và đồ uống cũng đã xuất hiện chóng vánh.
"Chúng tôi tới đây vì với tư cách các Phật tử, chúng tôi có trách nhiệm cầu nguyện để quả chuông trở lại với cái gốc của nó” - Tin May, 43 tuổi, chia sẻ. Chị đã mặc chiếc váy truyền thống đẹp nhất của mình khi tới chứng kiến cuộc tìm kiếm chuông.
“Như nhờ thầy bói tìm bò lạc”
Chit San Win, một sử gia đã tham gia vào vài cuộc tìm kiếm chuông trong 2 thập kỷ qua, nói rằng ông cũng muốn tin câu chuyện về quả chuông.
Nhưng khi các thợ lặn nhảy xuống dòng nước, và một số người đã nổi lên ngay chỉ sau vài phút bởi dòng chảy quá mạnh của sông Yangon, ông đã bắt đầu thể hiện sự nghi ngờ.
Theo lời ông, 3 văn kiện lịch sử gần đây viết về Myanmar trong cuối thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16 không nói gì về quả chuông. Ngoài ra vua Dhammazedi, người thường cẩn thận ghi chép lại mọi hoạt động hiến tặng của ông, cũng chẳng nhắc gì tới việc từng cho đi một quả chuông nặng bằng 100 con voi châu Á.
Dữ liệu duy nhất mà Win tìm thấy là nhật ký của một thương gia người Italy có tên Gasparo Balbi. Ông này đã đi tàu tới Myanmar trong thế kỷ 16 và viết vào nhật ký rằng ông có tận mắt nhìn thấy quả chuông khổng lồ.
Về việc San Lin đang sử dụng “ thuật siêu nhiên” để tìm chuông, Win nói rằng ông chẳng tin cựu quân nhân này sẽ thành công. “Người ta không thể tìm thấy quả chuông nhờ sự giúp đỡ của thuật chiêm tinh hay các linh hồn” – Win nói – “Chuyện chẳng khác gì anh nhờ một thầy bói giúp tìm con bò lạc và ông này trả lời rằng anh nên tìm nó ở tứ phía”.