Long đong thân phận nhà thiết kế tên lửa Saturn V
Sau Đại chiến Thế giới II, cả hai được nước Mỹ tuyển dụng qua chiến dịch Paper Clip (Ghim kẹp giấy). Từ năm 1950, Wernher von Braun làm việc cho dự án Tên lửa đạn đạo liên lục địa và trở thành công dân Mỹ năm 1955. Năm 1958, Wernher von Braun gia nhập Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và trở thành Giám đốc Trung tâm Marshall, đồng thời là kỹ sư trưởng của tên lửa vũ trụ Saturn V – tên lửa danh tiếng đã đưa các nhà du hành vũ trụ lên mặt trăng. Wernher von Braun được coi là cha đẻ của chương trình Vũ trụ Mỹ.
Arthur Rudolph, đồng nghiệp thân thiết và là phó của Wernher von Braun dưới thời Đức Quốc xã, vẫn đồng hành cùng nhau trong một chặng đường dài sau đó, tuy nhiên lại gặp những trắc trở tới không ngờ. Sau khi sang Mỹ, năm 1960, Arthur Rudolph trở thành Giám đốc dự án Saturn V, chịu trách nhiệm giám sát thiết kế và thi công tên lửa khổng lồ này. Tháng 1/1969, ông về hưu trong niềm kiêu hãnh rằng chính những sáng tạo của ông đã đưa con người lên Mặt trăng. Thế rồi, giai đoạn những năm 1970 – 1980, quá khứ xa xưa lại trỗi dậy, đè nặng bóng đen lên cuộc đời Rudolph.
Cũng giống như von Braun, Rudolph từng tham gia phát triển tên lửa V2 dưới thời phát xít Đức. Nhiệm vụ này được thực hiện ngầm dưới mặt đất và sử dụng lực lượng lao động cưỡng ép từ một trại tập trung gần đó. Ước tính có ít nhất 12.000 người đã chết trong quá trình thiết kế tên lửa V2; nhiều người cho rằng Arthur Rudolph là người phải chịu trách nhiệm vì những cái chết này.
Dưới sức ép nặng nề và lo ngại cho tương lai của vợ con, ngày 28/11/1983, Rudolph ký một bản thỏa thuận với OSI (Văn phòng điều tra đặc biệt) rằng ông sẽ rời nước Mỹ và trả lại tư cách công dân Mỹ. Với thỏa thuận này, Rudolph sẽ không bị truy tố. Tháng 3/1984, Arthur Rudolph và vợ là Martha Rudolph trở về Đức và hy vọng nhận lại tư cách công dân Đức như đã thỏa thuận. Tuy nhiên, nước Đức phản đối quyết định của Mỹ, với lý do khi đó Arthur Rudolph không phải là công dân của bất kỳ nước nào. Tháng 7 cùng năm, để quyết định về quyền công dân của Rudolph và xem xét việc có đưa ông ra tòa hay không, chính quyền Đức yêu cầu các tài liệu từ OSI. Tháng 3/1987, cuộc điều tra kết thúc, Rudolph được nhận quốc tịch Đức và không phải ra tòa, nhưng danh tiếng của ông đã bị mây đen che phủ vô cùng nặng nề.
Năm 1985, đại diện Bill Green của thành phố New York đề xuất tước huân chương của NASA đã trao tặng cho Rudolph. Đề nghị này được nhắc lại vào năm 1987. Năm 1999, bản thân Rudolph cũng nộp đơn xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ để tham dự lễ kỷ niệm 20 năm cho cuộc đổ bộ đầu tiên tới mặt trăng, nhưng bị từ chối.