Kỳ IV: Những ngân hàng tay trót dính chàm

GD&TĐ - Có lẽ vụ bê bối LIBOR (lãi suất giao dịch liên ngân hàng London) là một trong những tội phạm tài chính lớn nhất mà bạn chưa từng nghe tới. 

Kỳ IV: Những ngân hàng tay trót dính chàm

Bê bối LIBOR

Khi vụ bê bối này được phát hiện năm 2012, LIBOR là mức lãi suất được áp dụng với hàng nghìn tỷ dollar của các hợp đồng tài chính trên toàn cầu.

Mức lãi suất này cũng ảnh hưởng tới giá trị các khoản vay doanh nghiệp, vay sinh viên, thế chấp… Vì vậy, kiểm soát được LIBOR có thể mang lại những lợi nhuận khổng lồ.

Ở mức trung bình, các ngân hàng có thể vay tiền lẫn từ nhau trong một khoảng thời gian ngắn. Mỗi ngày, các ngân hàng hàng đầu sẽ nộp mức lãi suất vay của họ cho Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA).

BBA sẽ loại bỏ các mức lãi suất cao nhất và thấp nhất, chỉ để lại mức trung bình. Mặc dù mức trung bình này được tính toán cho nhiều loại tiền tệ khác nhau cũng như thời gian đáo hạn khác nhau, nhưng mức lãi suất đồng USD trong 3 tháng được coi là quan trọng nhất.

Không may, một số ngân hàng đã phối hợp để tung hứng các con số này. Trong nhiều năm, họ đã cung cấp lãi suất tăng vọt hoặc sụt giảm cho BBA.

Khi một ngân hàng thay đổi các con số của mình, họ sẽ nhận lợi nhuận từ các giao dịch của các công cụ tài chính dựa trên sự tăng giảm của các con số. Sự gian lận này cũng ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hoặc cá nhân có các khoản vay dựa trên LIBOR.

Tất nhiên việc tung hứng các con số là một “nghệ thuật gian lận” vô cùng tinh vi và phức tạp, nhưng cũng tạo ra lợi nhuận khủng. Deutsche Bank là một trong những ngân hàng lớn nhất tham gia gian lận kiểu này.

Mặc dù các nhà chức trách gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh tội lỗi và đưa ra pháp luật các cá nhân phạm pháp, nhưng ngân hàng này cũng đã bị phạt 1,74 triệu USD.

Xử ép quân nhân, dối lừa hưu trí

Khi các quân nhân Mỹ được chính phủ chỉ định tới các vùng chiến địa, theo một điều luật của Mỹ, họ được nhận một số quyền nhằm bảo vệ tài sản của mình.

Chẳng hạn như trong trường hợp một người lính bị kẻ thù bắt và bị giam giữ như tù binh chiến tranh trong một thời gian, thì chắc chắn anh ta không thể chi trả các khoản cho chiếc xe của mình (như tiền mua trả góp chẳng hạn).

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng tuân thủ các điều luật. Wells Fargo là một trong các ngân hàng như vậy. Ngân hàng này đã giam xe của nhiều thành viên quân đội Mỹ đang thực thi nhiệm vụ ở nước ngoài.

Trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2015, Wells Fargo thu hồi ít nhất 413 ô tô trong diện này, trong đó có vụ thu hồi chiếc xe của một quân nhân đã phục vụ tại Afghanistan và bán đấu giá chiếc xe này, không những thế còn dai dẳng tróc nã gia đình quân nhân này để đòi thêm khoản tiền 10.000 USD mới chịu xóa khoản vay mua xe. Ngân hàng này đã bị phạt 24 triệu USD do các hành động trái pháp luật.

Sau một đời làm việc, người về hưu thường hy vọng sẽ tiếp tục sống một cách ổn thỏa với lương hưu của mình. Thế nhưng không phải lúc nào cũng vậy, bởi quỹ lương hưu nằm trong két của ngân hàng.

Năm 2011, Ngân hàng New York Mellon bị cáo buộc đã chiếm đoạt 2 tỷ USD từ quỹ hưu trí ở khắp nước Mỹ bằng cách thổi phồng tỷ giá hối đoái và che mắt khách hàng trước số tiền đó.

Các tài liệu của vụ kiện cho rằng ngân hàng này đã đảm bảo tỷ suất cạnh tranh, nhưng thực ra lại cung cấp mức thấp nhất có thể và nhét túi khoản tiền 2 tỷ USD dôi ra từ sự chênh lệch này.

Khoản tiền đáng ra phải thuộc về khách hàng là những người hưu trí này chiếm đến 75% doanh thu ngoại hối của ngân hàng. Năm 2015, Ngân hàng New York Mellon thỏa thuận chi trả 180 triệu USD cho những thỏa thuận liên quan đến các khiếu nại này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.