Kỳ II: Mối nguy tiềm ẩn từ những thành phố “ma”

GD&TĐ - Năm 1946, một thành viên Hải quân Mỹ đã tiếp cận người dân ở Bikini Atoll. Quân nhân này đã lừa mị những người dân ngây thơ nơi đây rằng họ là những người “được chọn” giống như người Israel, miền đất của họ cũng là miền đất “được chọn” để hoàn thiện bom nguyên tử nhằm ngăn chặn một thảm họa chiến tranh mới. 

Kỳ II: Mối nguy tiềm ẩn từ những thành phố “ma”

Bikini Atoll, Cộng hòa đảo quốc Marshall

Những người dân hòn đảo nhỏ này thuận lòng tạm rời bỏ mảnh đất chôn rau cắt rốn của họ.

Trong suốt 8 năm sau đó, hòn đảo là nơi thử bom hạt nhân của chính phủ Mỹ. Họ đã ném xuống các hòn đảo của Marshall 67 trái bom, trong đó Bikini gánh chịu 23 trái. Một trong những trái bom ném xuống Bikini có sức công phá mạnh hơn trái bom đã hủy diệt Hiroshima hàng ngàn lần.

Cuối những năm 1960, các quan chức Mỹ tuyên bố hầu hết nơi đây đã gần như hết ảnh hưởng của các vụ nổ nguyên tử. Nhiều người dân Bikini quay lại quê hương. 10 năm trôi qua, họ bắt đầu nhận thấy các phản ứng phụ từ phóng xạ. Những người phụ nữ gánh chịu nhiều ca sảy thai và thai lưu, những đứa trẻ được sinh ra mang trong mình những chứng bệnh bẩm sinh. Nhiều người dân nơi đây bị các căn bệnh về tuyến giáp, tỷ lệ ung thư cao hơn nhiều so với các nước khác.

Các nhà khoa học đã kiểm tra thấy tỷ lệ phóng xạ vẫn cao bất thường ở nơi này. Những người dân Bikini Atoll lại phải từ biệt quê hương một lần nữa. Ngày nay, hòn đảo này vẫn không có người. Mức phóng xạ cao gần gấp đôi so với mức an toàn cho con người sinh sống. Điều cần nói thêm, chính địa danh Bikini đã trở thành tên gọi của loại áo tắm hai mảnh của chị em về sau, như một sự cảnh báo về mối “nguy hiểm” chẳng kém gì “vùng đất chết” này.

Geamana, Romania

Năm 1977, nhà lãnh đạo độc tài Nicolae Ceausescu của Romania ra quyết định khai thác một mỏ đồng lớn ở đất nước này và cần một địa điểm để tập kết các chất thải độc hại từ việc khai khoáng. Ông Ceusescu đã hy sinh một thị trấn là Geamana. 400 gia đình người dân sinh sống nơi này đã được di chuyển. Một chiếc hồ nhân tạo lớn đã được đào tại khu vực này và trở thành hố chôn rác thải độc hại.

Thời điểm hoàng kim, sản lượng của điểm khai thác này lên tới 11.000 tấn đồng/năm. Cùng với việc mở rộng khai thác mỏ, chiếc hồ chứa chất thải cũng ngày càng được mở rộng. Gần như toàn bộ thị trấn nhanh chóng bị bao phủ bởi chất thải.

Hồ chứa chất thải ở Geamana vô cùng độc hại, chứa nhiều loại hóa chất khiến nhiều phần của hồ trở nên đỏ đòng đọc. Mức hóa chất siêu độc cadmium nơi đây cao gấp 10 lần cho phép. Lượng cadmium có thể gây biến đổi trong cây cối, động vật và hủy hoại gan, thận và phổi của con người.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ