(GD&TĐ) - Làm sao để nâng tầm văn hóa đọc Việt Nam? Đó là bài toán không dễ giải. Muốn thay đổi một cách triệt để phải bắt đầu từ việc khuyến khích và tạo thói quen đọc sách cho trẻ em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nguyên nhân nào khiến người dân ít đọc sách?
Chị Phùng Hà một cán bộ nhà Sách Kim Đồng nhận xét: Hiện nay sách chưa phải là lĩnh vực được các bạn trẻ quan tâm nhất. Trong xã hội hiện đại, giới trẻ có nhiều kênh chi phối khác ngoài sách như phim ảnh, internet, ca nhạc… Quỹ thời gian học tập như hiện nay cũng khiến nhiều bạn trẻ dần mất đi nhu cầu đọc sách hàng ngày.
Trong khi đó, cuộc sống dường như rất nhiều vô lý khi nhiều người có thời gian rảnh rỗi muốn được đọc sách lại không có nhiều sách để đọc và một bộ phận không có nhu cầu đọc sách. Bên cạnh đó hệ thống thư viện đã ít sách, chủng loại không phong phú và chưa thực sự cập nhật, cộng thêm thủ tục mượn sách còn rườm rà cũng là nguyên nhân khiến việc đọc sách của người dân bị hạn chế.
Với đối tượng học sinh, chương trình giáo dục còn chiếm nhiều thời lượng khiến các em không thể giành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Nhìn một cách tổng quát chúng ta chưa hình thành được một chiến lược phát triển văn hoá đọc với các kế hoạch phát triển trên bình diện quốc gia để cùng xây dựng một xã hội ham đọc sách. Theo anh Nguyễn Quang Thạch - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng, chênh lệch về việc phân bổ tài liệu sách giữa nông thôn và thành thị vẫn còn sự ngăn cách lớn. Trẻ em ở thành thị có điều kiện tiếp xúc nhiều với các thể loại sách và các kỹ thuật hiện đại thì không có thời gian đọc. Trẻ em nông thôn và miền núi ngoài việc học ở trường còn phải giúp đỡ cha mẹ nên không có nhiều cơ hội được đọc sách bên cạnh việc không có sách đọc.
Để giới trẻ đến với văn hóa đọc đòi hỏi thể loại sách phải đa dạng và hay. Ảnh: Việt Hải |
Trên thực tế người dân vẫn chưa được trang bị các kỹ năng đọc một cách hệ thống bài bản từ cấp tiểu học cho đến đại học. Điều này cũng tạo những ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình tiếp cận với sách. Bởi vì khi tiếp cận với sách người ta cũng phải tiếp cận ở mức độ khác nhau từ đơn giản đến hàn lâm. Có xây dựng được kỹ năng đọc sách thì người dân mới có thể tiếp cận sách một cách hiệu quả.
Giúp người đọc đến gần sách hơn
Với mục đích chia sẻ bổn phận mình với xã hội, anh Nguyễn Quang Thạch đã thực hiện việc làm thầm lặng của mình trong nhiều năm qua đó là việc đưa sách về nông thôn cho các em nhỏ.
Ban đầu anh tự mình mày mò nghiên cứu các mô hình về thư viện và cho đến năm 2007 anh thật sự bắt tay vào khởi động mô hình thư viện các dòng họ. Tự tay anh vận động các nhà văn cùng các nhà hảo tâm tặng sách cho họ và cùng họ mở rộng các tủ sách và nâng cao chất lượng các đầu sách. Sau hai năm mô hình tủ sách dòng họ đã được nhận một nguồn hỗ trợ lên tới vài trăm triệu. Anh còn tranh thủ sự giúp đỡ của Vụ thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các tổ chức để vận động và thực hiện cho tốt các mô hình. Năm 2011 anh Thạch bắt tay thực hiện mô hình tủ sách chiến sĩ. Sau 14 tháng gây quỹ, anh làm được khoảng 1000 tủ sách. Trong quá trình đưa sách về nông thôn anh nhận thấy tiềm năng đọc của người dân là rất lớn và nguồn lực để hỗ trợ cũng rất lớn nhưng phải biết huy động, kêu gọi mọi người cùng thực hiện.
Anh chia sẻ: “Đối với tủ sách của phụ huynh trong các nhà trường chỉ với 50 ngàn đồng do phụ huynh nhưng các cháu HS sẽ được đọc và mua sách với giả rẻ cả năm các cháu sẽ được đọc tới 300 đầu sách tương ứng với 3 triệu tiền sách trên thực tế”. Hiện tại anh Nguyễn Quang Thạch đang vận động mô hình tủ sách gia đình chiến sĩ và đã thành công. Nhiều GV là vợ chiến sĩ đã đứng ra xây dựng tủ sách dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng hàng ngày mang sách tới cho HS mượn đọc mà Thái Bình và Hưng Yên là hai địa phương áp dụng khá thành công mô hình này.
“Ngày hội Sách và Văn hóa đọc được tổ chức nhằm nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên về giá trị, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc giáo dục và hình thành nhân cách con người, từ đó khuyến khích đọc, hình thành thói quen đọc – tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng xã hội học tập – một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện. |
Châu Anh