(GD&TĐ) - Trong cả 2 phiên làm việc ngày hôm qua 22/5, các ĐBQH đã thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.
->> Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII: Để phòng chống, phải xác định rõ hành vi khủng bố
->> Khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII
Tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn
Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013 được trình lên Quốc hội trong phiên khai mạc ngày 20/5 cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2013, Chính phủ tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn… Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đạt được kết quả bước đầu khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 4,89%, đạt mục tiêu đề ra. Một số sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng khá; hàng tồn kho giảm dần. Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, nhất là sản xuất lúa gạo, khai thác hải sản…
Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Chính phủ xác định 6 giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn”.
Cần xem lại các con số báo cáo
Nhấn mạnh về những khó khăn trầm trọng mà nền kinh tế đang phải đối mặt, đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TP HCM) cảnh báo tăng trưởng hơn 5% hiện nay là nguy cơ chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện nhìn vào quý này cao hơn quý kia là đã mừng. Theo ông sự mất sức cạnh tranh của kinh tế Nhà nước và tư nhân trong tình hình hiện nay là điều phải quan tâm.
Đối với chính sách tài khóa, vị chuyên gia này cho rằng việc khống chế nợ công là cần thiết; nhưng năm 2013 - 2014, Quốc hội phải có một quyết định khó khăn là xem lại mức tăng bội chi để nới lỏng chính sách tài khóa.
Cho ý kiến về những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2102, đại biểu Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đã thực hiện khá tốt những chỉ tiêu như: Lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cần phải xem lại các số liệu đánh giá về kinh tế xã hội hiện nay. Hiện các đánh giá về lãi suất, vốn vay, tỷ lệ hộ nghèo... đều không thống nhất. Cụ thể nhất là theo báo cáo của các tỉnh, GDP đều tăng tới 9 - 10% trong khi GDP cả nước chỉ tăng hơn 5%.
Thẳng thắn hơn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) bức xúc cho rằng những con số nêu trong báo cáo của Chính phủ hời hợt, không trung thực, không phản ánh được tình hình. Theo đại biểu, với những con số báo cáo đó, công luận không cảm nhận hết sự nghiêm trọng của tình hình. Thực chất mô hình tăng trưởng của ta là mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn, xem GDP là một thành tích để phấn đấu với nhau, khen thưởng với nhau.
Cũng với đề xuất cần phải xem xét lại các số liệu đã được báo cáo, đại biểu Trương Thị Ánh (Đoàn TP HCM) lưu ý thời gian qua Chính phủ đánh giá nợ công vẫn ở mức an toàn; nhưng thực tế Quốc hội vẫn chưa có biểu quyết và chưa biết như thế nào là an toàn. Riêng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chúng ta có biểu quyết chỉ tiêu (tại kỳ họp thứ 4 – PV). Còn nợ công thì cứ nói nhưng chỉ biết ghi nhận mà không có tiêu chí nào để định mức giám sát và Chính phủ điều hành trong mức đó. Theo đề nghị của đại biểu, Chính phủ cần nghiên cứu xác định chỉ tiêu an toàn cho nợ công và cần được Quốc hội thông qua.
Khánh Sơn