Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt

(GD&TĐ) - Việc lấy phiếu tín nhiệm được Quốc hội bắt đầu vào chiều 10/6, trên cơ sở danh sách đã được các đại biểu bỏ phiếu tán thành trong phiên làm việc buổi sáng. Kết quả kiểm phiếu và nghị quyết xác nhận kết quả này, Quốc hội sẽ thông qua trong buổi sáng hôm nay (11/6) và công bố đến đông đảo cử tri cả nước.

v
Lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc thông qua

Mở đầu phiên làm việc toàn thể tại hội trường sáng 10/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trước thời điểm bỏ phiếu, tất cả các vị thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm đều đã có báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian từ khi được bầu giữ chức vụ được giao và nhất là trong 1 năm vừa qua gửi các đại biểu Quốc hội. Đây là nguồn thông tin quan trọng nhất để các đại biểu cân nhắc, xem xét trước khi tiến hành bỏ phiếu.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Việc lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi mỗi đại biểu phải khách quan, thận trọng, chính xác và hết sức công tâm để đảm bảo chất lượng hoạt động của Quốc hội. “Tôi cũng là một người tham gia bỏ phiếu và cũng là người được Quốc hội đánh giá tín nhiệm, bỏ phiếu. Vì vậy, tôi có hai tâm trạng, vừa hồi hộp chờ đợi kết quả xem Quốc hội đánh giá mình thế nào để tiếp tục phấn đấu, đồng thời cũng có tâm trạng khi đánh giá, bỏ phiếu đồng chí khác”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ; đồng thời tin tưởng Quốc hội sẽ hoàn thành tốt trọng trách trước Đảng, Nhà nước, trước cử tri và nhân dân cả nước.

Đối với các tiêu chí để xem xét danh sách những vị thuộc diện được bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho biết phải thỏa mãn các tiêu chí: Đang giữ chức vụ được Quốc hội bầu và phê chuẩn; có thời gian giữ chức vụ đó khoảng 1 năm. Danh sách do Quốc hội quyết định tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết danh sách những người sẽ lấy phiếu tín nhiệm. Với 476 đại biểu tán thành (tỷ lệ 95,58% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua danh sách 47 vị lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Đó là 47 chức danh cấp cao do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Sau khi danh sách được thông qua, ngay trong buổi sáng 10/6, các đại biểu tiến hành thảo luận ở Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm. Tổng hợp kết quả thảo luận này đã được Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương báo cáo lên Quốc hội tại phiên làm việc chiều cùng ngày; cùng với báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm. Ngay sau đó, Quốc hội bầu Ban Kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Theo dự kiến chương trình, mở đầu phiên làm việc sáng nay 11/6, Ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu, trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm tới toàn thể cử tri và nhân dân cả nước.

Đối với trường hợp ông Vương Đình Huệ, từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính Quốc hội đã miễn nhiệm để nhận nhiệm vụ công tác khác. Ông Vương Đình Huệ có đủ thời gian theo quy định nhưng hiện không còn là Bộ trưởng Tài chính, chức danh được Quốc hội phê chuẩn, vì vậy trường hợp ông Vương Đình Huệ sẽ được tiến hành lấy phiếu ở đơn vị công tác mới.

Ông Đinh Tiến Dũng mới được Quốc hội bầu giữ chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính nhưng chưa đủ thời gian để tiến hành đánh giá về chức danh này, còn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã được Quốc hội miễn nhiệm. Trường hợp ông Nguyễn Hữu Vạn cũng mới được Quốc hội phê chuẩn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước nên cũng chưa đủ điều kiện thời gian để đánh giá, bỏ phiếu. Vì vậy, ông Đinh Tiến Dũng, ông Nguyễn Hữu Vạn không thuộc danh sách những nhân sự lấy phiếu tín nhiệm kỳ này.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ