(GD&TĐ) - Ngày 4/6, Quốc hội tiếp tục làm việc toàn thể tại hội trường, thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; với những vấn đề trọng tâm được tập trung như quyền làm chủ của người dân, bộ máy chính quyền địa phương, vai trò của kinh tế nhà nước trong các thành phần kinh tế… Các nội dung này được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên cả nước.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền làm chủ của người dân
Thống nhất với quy định nêu trong Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là “Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”, tuy nhiên khá nhiều đại biểu vẫn bày tỏ sự băn khoăn là làm thế nào để hiến định này đi vào cuộc sống mới là điều mà người dân mong muốn.
Đại biểu Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên) phân tích thực tế người dân - người chủ của quyền lực nhà nước – đang gặp rất nhiều khó khăn, phiền hà trong các việc như khám chữa bệnh, học hành, xin việc, trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, trong việc được giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn... Như vậy quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đang bị hạn chế, đang bị một số tổ chức và cá nhân làm ngược lại. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị bổ sung một ý tiếp theo Khoản 3, Điều 2 là “tất cả các hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật”.
Nhấn mạnh việc bản Dự thảo quy định “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là điều đã được quy định trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 của nước ta cũng như rất nhiều Hiến pháp của các nước trên thế giới, đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) cho rằng, quy định như vậy không bao quát hết và không khẳng định hết trong một đất nước với thể chế dân chủ, đương nhiên mọi quyền lực hay quyền bính thuộc về nhân dân. Do đó, ông đề nghị Ban dự thảo giải thích thêm tại sao ở nước ta chỉ có “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” mà không phải là “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân?”.
Nhiều ý kiến phản đối phương án bỏ Hội đồng Nhân dân
Về chính quyền địa phương, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng đây là vấn đề cần được nghiên cứu và khẳng định sớm, việc kéo dài thí điểm (bỏ tổ chức HĐND cấp phường, xã ở một số địa phương), chậm tổng kết sẽ không đáp ứng được yêu cầu hiện nay, thậm chí kìm hãm sự phát triển. Theo một số ý kiến tại nghị trường, cả hai phương án mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra đều chưa đủ sức thuyết phục. Cụ thể như phương án một (bỏ HĐND cấp cơ sở) thì quá chung chung, hơn nữa lại giao luật định thì sẽ tạo điều kiện kéo dài thí điểm, gây nên sự thiếu ổn định. Việc thiết kế bộ máy chính quyền địa phương cần Hiến pháp quy định chứ không luật định. Còn phương án hai (giữ nguyên cơ cấu) thì cơ bản như cũ, không có thay đổi gì.
Từ góc nhìn không đồng tình với việc bỏ tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, xã vì như vậy vô hình trung đã “đánh mất sự giám sát và quyền làm chủ ở cơ sở của nhân dân”, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) đề nghị, để Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, không cắt bỏ thiết chế làm chủ của nhân dân, cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đảm bảo cho HĐND các cấp hoạt động có hiệu quả, thực chất, thực quyền, thực hiện đầy đủ vai trò cơ quan đại diện của dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân địa phương, là nơi đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) phát biểu ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại nghị trường Quốc hội |
Phải rạch ròi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương
Các phương án về Quốc hội quyết định ngân sách Nhà nước cũng là một trong những nội dung được tập trung thảo luận của các đại biểu Quốc hội trong ngày 4/6. Cụ thể tại Khoản 4, Điều 75, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nêu 2 phương án: Phương án 1: Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; Phương án 2: Quốc hội quyết định dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách Trung ương.
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng cần phân định rõ ràng ngân sách quốc gia do Chính phủ trung ương đại diện và thông qua Quốc hội gồm có phần chi trung ương và phần chi phân bố cho địa phương. Cho nên phải phân biệt rạch ròi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Cái gì của quốc gia thì 1 đồng Quốc hội phải dự toán, phải giám sát và phải quyết toán. Còn cái gì của địa phương dù có 100 đồng thì cái đó do HĐND địa phương quyết định. Bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án 2, nhưng ông cũng đề nghị phải làm rõ hơn cái nào là ngân sách địa phương phần nào là ngân sách quốc gia, hỗ trợ địa phương là nằm trong phần phải xử lý. Điều khoản này phải tạo điều kiện tăng tự chủ phần ngân sách địa phương. Phần địa phương nào mà khoản tiền tự thu càng lớn thì tự chủ càng lớn, còn phần nào tự thu càng nhỏ thì tự chủ càng nhỏ.
Ở một góc độ khác, đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) lại bày tỏ sự đồng tình phương án thứ nhất, và cho rằng qui định như phương án 1 là phù hợp thẩm quyền của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, phù hợp nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội là đại diện cho nhân dân của cả nước quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, trong đó có vấn đề về tài chính, ngân sách.
Đối với các quy định đề xuất của Dự thảo về các thành phần kinh tế (Điều 54), đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng tiếp tục quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để khẳng định rõ tính chất “định hướng XHCN” của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, điều này không có gì mâu thuẫn hoặc cản trở sự phát triển kinh tế thị trường.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về các nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết có ý kiến đề nghị thay đổi các chi tiết, màu sắc trong Quốc kỳ, Quốc huy và phần lời của bài Quốc ca. Tuy nhiên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy việc sử dụng các biểu trưng này đã có quá trình lịch sử tương đối lâu dài, đã được quy định và sử dụng ổn định từ Hiến pháp năm 1980 đến nay, do vậy, xin kế thừa các quy định này của Hiến pháp hiện hành. |
Khánh Sơn