(GD&TĐ) - Tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, trong ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hoàng Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền là 2 thành viên Chính phủ tiếp theo “đăng đàn”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội |
Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng
Phần trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề cập 3 nội dung chính, trong đó nạn “chặt chém” khách du lịch được quan tâm nhiều nhất.
Thừa nhận thực trạng, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Điều này có nguyên nhân từ việc phối hợp liên ngành chưa tốt, việc kiểm tra giám sát những điểm có nguy cơ chưa cao, hình thức xử phạt còn thấp. Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng phổ biến và nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt để xử lý.
Đại biểu Nguyễn Hoài Phương (đoàn Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về quan điểm nên thành lập cảnh sát du lịch. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Bộ VH-TT&DL đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhưng đây là vấn đề lớn nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong lúc chưa có lực lượng này, ngành Du lịch rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của lực lượng cảnh sát trật tự để du lịch môi trường du lịch tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị áp dụng camera tại các điểm du lịch trọng điểm, nơi có nguy cơ du khách bị “chặt chém”, bị chèo kéo để giám sát và xử phạt nghiêm hơn. Hiện Bộ VH-TT&DL đang soạn thảo một nghị định về xử phạt đối với lĩnh vực này một cách nghiêm minh, chặt chẽ với mức phạt cao để đủ sức răn đe những người vi phạm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) đặt câu hỏi về giải pháp đưa ngành Du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết đã có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Du lịch hiện nay đóng góp 6% GDP, giải quyết được việc làm cho 1,4 triệu người. Tại nhiều địa phương du lịch trở thành ngành mũi nhọn. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lớn của đất nước và còn bị các nước trong khu vực “bỏ xa”.
Điều khiển phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Liệu đến 2020, du lịch Việt Nam có phát triển tương xứng với tiềm năng hay không?”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định đến năm 2015, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến 2020 phấn đấu thu hút hơn 10 triệu khách quốc tế, thu khoảng 18 - 20 tỷ USD. Du lịch có tiềm năng lớn nhưng để biến thành hiện thức cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Đào tạo nghề vẫn còn nhiều bất cập
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã tập trung làm rõ các vấn đề: Giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn…
Liên quan đến đào tạo nghề và việc làm cho người dân, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng Chuyền về giải quyết thực trạng hiện nay, nhiều nguồn lực đầu tư cho dạy nghề nhưng cơ sở không phát huy hiệu quả như có trường có thầy nhưng không đủ trò hoặc ngược lại; nhiều học viên tốt nghiệp nhưng không đáp ứng được nhu cầu xã hội, của doanh nghiệp.
Đối với câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Trong những năm gần đây, đầu tư cho dạy nghề được tăng cường, với trên 1.000 cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực này chưa đạt được như mong muốn, nhiều học viên tốt nghiệp nhưng trình độ, tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp.
Để khắc phục, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các trường nghề không phải dạy nghề theo những gì mình có mà phải gắn với thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp. Trường dạy nghề cần phải tìm hiểu nhu cầu thị trường để thay đổi cách thức giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực.
Vấn đề người lao động mất việc làm hoặc không có việc làm là nội dung chất vấn đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) gửi đến Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, kèm câu hỏi về các giải pháp khắc phục. Theo quan điểm của Bộ trưởng, người dân bị mất việc làm hoặc đang không có việc làm thì cần phải được đào tạo lại để họ chuyển đổi nghề sao cho phù hợp với khả năng hơn. Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương tìm hiểu số lượng lao động ở nhóm đối tượng trên cũng như nắm bắt khả năng, trình độ lao động để có phương án đào tạo lại nghề cho họ một cách hiệu quả nhất.
Đi sâu vào vấn đề đào tạo nghề, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) đề nghị làm rõ chức năng đào tạo nghề giữa Bộ LĐ-TB& XH và Bộ GD&ĐT. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Đào tạo nghề cho những ngành nghề phục vụ mục tiêu sản xuất thì do Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp quản lý; còn đào tạo nghề từ Trung cấp chuyên nghiệp trở lên thì Bộ GD&ĐT quản lý. Theo Bộ trưởng, sự phân công như Chính phủ quy định như hiện nay là hợp lý. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng nêu rõ: Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án Đổi mới cơ bản về giáo dục – đào tạo, trong đó có nội dung quan trọng là đào tạo nghề. Với những băn khoăn của rất nhiều đại biểu về sự chồng chéo trong đào tạo nghề (như phân công giữa đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp với Trung cấp nghề, Cao đẳng chuyên nghiệp và Cao đẳng nghề) chắc chắn sẽ được Bộ LĐ-TB&XH tư vấn với Bộ GD&ĐT và cùng Bộ GD&ĐT xem xét, xử lý một cách kỹ lưỡng những bất cập (nếu có) trong quá trình xây dựng Đề án. |
Khánh Sơn