(GD&TĐ) - Sáng nay (22/10), kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sẽ chính thức khai mạc và sẽ tiến hành làm việc trong 26 ngày. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tiếp xúc cử tri ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Anh Tú) |
Theo dự kiến chương trình, sau phần khai mạc của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 trước QH. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
QH cũng sẽ nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về nội dung Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội; nghe Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 và nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về nội dung này.
Buổi chiều, QH sẽ nghe các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013 và nghe báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách thẩm tra nội dung này. QH cũng nghe dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn...
Được biết, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; nghe báo cáo về Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế; xem xét báo cáo công tác năm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng.
Đặc biệt, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; xem xét, thông qua 2 Nghị quyết quan trọng gồm Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn…
Minh Hằng (tổng hợp)