Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV Kỳ vọng đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân

GD&TĐ - Sáng 20/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Nhà Quốc hội. Bên cạnh chú trọng công tác xây dựng pháp luật, kỳ họp này cũng tập trung xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV Kỳ vọng đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân

Phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ cho một kỳ họp thành công

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực phấn đấu khẩn trương triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, đất nước ta còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong nước, tình trạng khô hạn kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; sự cố môi trường và lũ lụt ở một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển nông nghiệp, đời sống của nhân dân. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường; giá dầu thô giảm mạnh, duy trì ở mức thấp hơn so với dự kiến kế hoạch, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước và các cân đối vĩ mô.

“Trước tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao, có những giải pháp quyết liệt, đột phá để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tập trung vào ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, có nhiều ý kiến chất lượng, góp phần cho kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Kinh tế - xã hội đạt kết quả khá toàn diện ở các lĩnh vực

Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Quốc hội báo cáo kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017. Báo cáo đánh giá mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Ở lĩnh vực GD&ĐT, báo cáo ghi nhận nhiều kết quả tích cực: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện chính sách hỗ trợ học sinh, kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 84,1%, đã có 53/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn. Đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo năng lực, phẩm chất người học và quá trình học tập. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng bảo đảm nghiêm túc, an toàn, thuận lợi. Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trường công lập; đã có 17 trường đại học, cao đẳng công lập thực hiện cơ chế tự chủ.

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2017, báo cáo đề ra mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; phát triển văn hóa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ…

Nhiệm vụ đặt ra với ngành GD&ĐT là tiếp tục triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Có cơ chế tài chính hợp lý, bảo đảm giáo dục phổ cập. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo cho các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển các trường chất lượng cao. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục; Tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Cũng trong ngày 20/10, Quốc hội nghe các báo cáo: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020…

Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã tới đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tham gia đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV vào lăng viếng Bác có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các vị đại biểu Quốc hội.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội thành kính bày tỏ biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ