Kỳ diệu tộc người Rục

Người Rục (một trong 10 tộc người bí ẩn nhất thế giới) từng sống nhờ săn bắt hái lượm và có nguy cơ bị tuyệt chủng. 

Người Rục đã biết cấy lúa
Người Rục đã biết cấy lúa

Từ chỗ vật lộn để sinh tồn, họ đã được tiếp cận thế giới văn minh, hòa nhập với cộng đồng người Việt với nhiều kỳ tích.

Tộc người bí ẩn nhất thế giới

Mỗi lần dù phải vượt đường rừng hàng trăm cây số từ TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình lên xã miền núi, biên giới Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), nơi có người Rục sinh sống, chúng tôi vẫn háo hức đến lạ kỳ.

Sự bí ẩn của một tộc người thiểu số với những điều kỳ diệu (tưởng chừng như không thể) đã hấp dẫn chúng tôi. Chỉ khoảng 10 phút đi xe máy từ trung tâm xã theo con đường bê tông kiên cố là đã đến được với người Rục. Nếu như cách đây bốn năm, cũng quãng đường ấy phải mất hơn nửa ngày đường đi bộ, trèo đèo, lội suối.

Theo tài liệu và từ nhiều nhân chứng, vào tháng 9/1959, một đơn vị Công an vũ trang của tỉnh Quảng Bình đóng tại xã Thượng Hóa, nay là Đồn Biên phòng Cà Xèng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình trong lúc đi công tác thì tình cờ phát hiện một nhóm người sống trong những hang động bí hiểm nằm sâu hun hút trong dãy núi đá vôi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Thân hình họ gầy còm, da vàng, tóc đến lưng, người quấn bằng những vỏ, lá cây, đa số để trần sống trong các hang động ở núi Trườn và núi Cù Nhái. Thấy người lạ xuất hiện, những người này bỏ trốn vào trong hang hoặc lui sau những cánh rừng già, mất dạng. Các trinh sát về báo cáo sự việc kỳ lạ với chỉ huy đơn vị.

Lực lượng vũ trang lại đi vào rừng tìm hiểu và sau nhiều ngày vất vả cũng tiếp cận được với những “người rừng”. 12 hộ dân với 34 người Rục đầu tiên được đưa ra khỏi rừng, về sống tập trung trong một thung lũng thuộc xã Thượng Hóa, nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Do tập quán lạc hậu, quen ở trong hang sâu, do dịch bệnh (sởi, sốt rét) và do chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã khiến tộc người này có nguy cơ giảm dân số.

Đầu những năm 1960, người Rục lại dáo dác chạy vào rừng lánh nạn và sống kiểu nguyên thủy. Sau chiến tranh, chỉ có một bộ phận nhỏ người Rục trở về.

Thói quen quay lại rừng, về hang luôn thường trực trong tâm thức người Rục. Không ít trường hợp sau khi được vận động tới nơi ở mới đã quay về chỗ cũ sinh sống khiến cho lực lượng bộ đội rất vất vả. Cán bộ chiến sĩ lại vào rừng vận động đưa bà con trở ra.

Nụ cười của trẻ em Rục

Thiếu tá Trương Thanh Lưu, cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng, nhớ lại: “Vào năm 1995, 1996, chúng tôi vào rừng vận động, tuyên truyền đưa những người Rục còn lại về nơi ở mới. Nhiều người già, trẻ em không đi được nên chúng tôi phải cõng.

Nơi xa nhất cách chỗ ở hiện tại cũng đến 10km đường rừng núi. Lúc đó, anh em phải mang theo gạo, cá khô, mắm muối, lều bạt để sống lâu ngày trong rừng.

Nhiều người còn yêu cầu anh em phải vận chuyển cả đồ đạc, lán trại về khu tái định cư. Cho đến nay thì không còn người Rục nào sinh sống trong rừng. Thỉnh thoảng một số người nhớ nơi ở cũ nên quay về thăm”.

Nhiều nhà dân tộc học cùng các lực lượng, ban ngành chức năng xác định những cư dân trên là nhóm người Rục (cùng với nhóm người Mày, Mã Liềng, Sách, A Rem thuộc dân tộc Chứt).

Đầu năm 2013, tộc người Rục được đưa vào danh sách 10 bộ lạc còn nhiều điều bí ẩn nhất thế giới (theo bài viết “Người Rục Việt Nam lọt top 10 bộ lạc bí ẩn nhất thế giới” trên báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (infonet.vn) ngày 26-1-2013 cùng với các bộ tộc Surma (Ethiopia), Lone (Brazil), Jackson White (khu vực sông Mississippi), Yahia (người Mỹ bản địa), thổ dân vùng Amazon, Pintupi Nine (Australia), Sentinelese (biên giới Ấn Độ - Thái Lan) và hai bộ tộc bí ẩn ở New Guinea và Peru).

Sự vươn lên kinh ngạc

Sự quyết tâm của chính quyền các cấp, các ban ngành và BĐBP đã thực sự có hiệu quả. Đến nay người Rục đã có một cuộc sống ổn định tại ba bản: Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ.

Năm 2002, dự án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Rục xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa” của nhà nước với kinh phí 32 tỷ đồng được thực hiện tạo ra bước đột phá. Cơ sở hạ tầng tại các bản, mỗi hộ người Rục được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang.

Điện, đường bê tông, trạm xá, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng... về đến tận các trung tâm của bản. Giờ đây, đường vào các bản người Rục dễ dàng đi bằng ôtô, xe máy; không còn chia cắt, tách biệt như những năm trước. Mỗi hộ được ở trong căn nhà bê tông kiên cố.

Giúp người Rục có chỗ ở ổn định là việc làm đáng kinh ngạc, đầy tâm huyết của các lực lượng chức năng. Nhưng làm sao để người Rục sống được, không phải trợ cấp gạo ăn hàng tháng mãi được, sau khi đã thoát ly khỏi rừng cũng là câu hỏi khó, đầy trăn trở của chính quyền, các ngành chức năng.

Vừa rời khỏi hang đá nên trình độ dân trí, kỹ thuật sản xuất của người Rục còn thấp, hạn chế nên phải có phương án để tạo “cần câu” cho họ. Năm 2009, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình triển khai dự án cánh đồng Rục Làn (gần 5 tỷ đồng) với việc khai hoang 10ha đất ngay ở trước nơi Đồn Biên phòng Cà Xèng đóng quân. Nơi đây vốn là khu đất hoang, cây cối, cỏ dại mọc um tùm.

Để cải tạo đất làm cánh đồng lúa nước, bộ đội mất nhiều công sức, thời gian cộng với các máy móc, phương tiện. Đồng bào Rục háo hức lắm, nhiều người “cắm chốt”, ở cả ngày lẫn đêm để xem và phụ giúp các chiến sĩ canh tác, gieo mạ lúa.

Thực hiện phương châm “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng bàn bạc và cùng làm) với nhân dân và “hai bám” (bám dân, bám ruộng), Đồn BP Cà Xèng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giúp đỡ và trực tiếp lao động sản xuất với hàng nghìn ngày công.

Dù khó khăn, vất vả nhưng vì cuộc sống của người Rục, cán bộ chiến sĩ ngày đêm ra sức thi đua, lao động. Khi những mầm xanh của lúa mọc lên, bà con vui lắm.

Các thửa ruộng được chia cho từng hộ gia đình để họ có trách nhiệm hơn trong việc canh tác, sản xuất. Sau những vụ lúa đầu được bộ đội cầm tay chỉ việc thì nay nhiều hộ gia đình đã làm chủ trên mảnh ruộng của mình. Họ đã tự tay canh tác, sản xuất ra lương thực. 

Nhiều hộ có gạo dự trữ trong nhà, biết san sẻ khó khăn với người khác trong thiên tai, hoạn nạn.

Lần đầu tiên người Rục tiếp cận với lúa nước, điều mà trước đây họ chưa từng biết đến. Đây thực sự là một cuộc cách mạng, là dấu mốc quan trọng tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của người Rục với cuộc sống hiện đại, văn minh. 

Thành công của những vụ lúa nước đánh dấu tâm huyết, thành quả lớn của BĐBP và người Rục.        

Theo Công an TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ