Kỳ 3: Bốc thuốc cho "đại văn xào"

Kỳ 3: Bốc thuốc cho "đại văn xào"

(GD&TĐ) - Việc “cầm nhầm” trước mắt, không ít SV vui vì đạt điểm cao, nhưng lâu dài sẽ phải trả giá bởi sự hời hợt, bởi kiến thức lỗ mỗ thiếu trước hụt sau. Để bảo vệ mặt danh dự cũng như giá trị thực học, nhiều SV, trí thức trẻ đã thành lập các diễn đàn, CLB kêu gọi tinh thần: Học thật - lĩnh hội tri thức thật. Tuy nhiên, chỉ ý thức và lòng tự trọng thôi vẫn chưa đủ để nạn đạo văn dứt bệnh.

Học thật thi thật cũng chính là nói không với luận văn
Học thật thi thật cũng chính là nói không với luận văn "xào"

Đi trên đôi chân gỗ

Hiện tượng “cầm nhầm” tri thức của một số ít SV khi làm khóa luận, luận văn tốt nghiệp thực tế đã gây phương hại đến chính bản thân người thực hiện đề tài (không lĩnh hội được gì). Mặt khác, với tâm lý thiếu nghiêm túc trong học tập, thiếu tự trọng bản thân rất dễ dẫn hình thành thói quen lừa dối, xem nhẹ kiến thức. Học giả, nghiên cứu giả  không chỉ mang lại hệ lụy không tốt cho môi trường nghiên cứu, học tập, mà còn mang lại phiền lụy cho chính tương lai công việc của các cử nhân đi trên “đôi chân gỗ” tri thức. 

Giảng viên T.N.K khoa Cơ khí, (Trường ĐH Bách khoa TP HCM) thẳng thắn: Việc “sao chép” nhìn nhận ở góc độ nào (để dẫn chứng, hay lập luận vấn đề) cũng đều không đúng. Bởi một sản phẩm nghiên cứu, đặc biệt là sản phẩm về tri thức thì tính thực tiễn, đòi hỏi sự tư duy và tìm tòi bao giờ cũng cần minh bạch. Thực tế, nhiều SV dù hiểu rất rõ và biết rất rõ hậu quả của việc “vay mượn - lắp ghép” khi thực hiện đề tài, nhưng họ vẫn cứ làm. Bởi mục đích của họ - điểm số - được ưu tiên thỏa mãn trước tiên, để tấm bằng ĐH được “đẹp” hơn. Tuy nhiên, nếu bị phát hiện, hậu quả cũng thật cay đắng. Câu chuyện về N.K.T, ngành Quản trị kinh doanh - cựu SV Trường ĐH Kinh tế TP HCM đã phải “khóc hận” vì sự lười biếng của mình khi luận văn về “Quản trị chi phí trong doanh nghiệp…” của anh bị GV phát hiện sao chép gần 60% từ 3 đề tài khác. Hậu quả không đến mức bị cấm thi, nhưng với điểm số thấp ngoài dự tính ban đầu, kết quả K.T đã phải nhận tấm bằng trung bình dù điểm số học tập toàn phần luôn trên 7,5. Sau sự cố “muối mặt” ấy. K.T đã tâm tư bằng một câu status đầy ẩn ý nhưng thể hiện rõ sự hối hận muộn màng trên trang cá nhân: “Cái gì có thể vay mượn được, chứ tri thức thì không thể. Nó có thể là của bạn hôm nay, nhưng ngay ngày mai nó sẽ làm  bạn tụt lại phía sau người khác. Vì thế, đừng bao giờ “vay mượn” tri thức của người khác nhé các bạn”.

“Tôi học thật” lên tiếng

TS Trần Mạnh Hùng (ĐH Bạc Liêu): Để xử lí một cách triệt để tình trạng đạo văn ở SV, các trường và ngành GD cần làm tốt công tác tuyên truyền, đi đôi việc sinh hoạt quy chế cho SV; Khi xét chọn SV được làm luận văn phải tính đến chất lượng và khả năng nghiên cứu, ưu tiên SV trong quá trình học tập đã tham gia NCKH; Đưa học phần Phương pháp NCKH làm môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo; Nâng cao chế độ chính sách đối với GV hướng dẫn và SV thực hiện đề tài cả vật chất, lẫn tinh thần; Gắn kết các đề tài nghiên cứu với doanh nghiệp và cuộc sống…

Trước thực trạng “đạo văn” đang lan tràn trong giới SV, nhiều nhóm SV, cộng đồng tri thức đã thành lập các diễn đàn, CLB học thật - thi thật để bài xích hiện tượng trên. Trong đó, có thể kể đến mô hình CLB “Face (For A Clean Education) - Vì một nền giáo dục sạch” của Trường ĐH Hoa Sen TP HCM, hay nhóm SV Trường ĐH Ngân hàng TP HCM nổi tiếng với Clip Hands kêu gọi sự trung thực trong học tập của SV. Chia sẻ về lời kêu gọi qua Clip Hands, bạn Vũ Minh Ngọc, trưởng nhóm cho biết: Thông điệp mà cả nhóm muốn gửi đến cho các bạn trẻ là sự trung thực trong học tập sẽ đem lại kiến thức thật, chỉ có điều đó mới đem lại thành công trong cuộc sống và sự thanh thản trong tâm hồn. Qua clip nhóm hy vọng sau khi xem, mỗi người trẻ có thể nhìn lại bàn tay mình và tự đặt câu hỏi: Liệu có bắt gặp hình ảnh của bản thân trong clip hay không? Họ có muốn vào đời với đôi bàn tay như vậy hay không? Để từ đó tự thay đổi chính mình.

Trong hơn 2 năm hoạt động, CLB “Face - Vì một nền giáo dục sạch” - dưới sự hỗ trợ của tổ chức Hướng tới minh bạch (Towards Transpareney) và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transpurency International), không chỉ phát động rộng rãi phong trào học thật, trung thực trong học tập, mà còn góp phần tái tạo niềm tin vào một nền giáo dục trong sạch trong cộng đồng SV các trường ĐH. Tại các diễn đàn và các cuộc thi do CLB “Face - Vì một nền giáo dục sạch” phát động, nhiều ý kiến đóng góp, giải pháp thiết thực được các bạn SV đưa ra nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng “đạo văn” hiện nay trong giới SV được nhiều người tán đồng: Từ việc kiến nghị tăng trách nhiệm của GV hướng dẫn, tăng cường các biện pháp kiểm soát đề tài khóa luận, luận văn tốt nghiệp bằng các ứng dụng công nghệ đến yêu cầu SV ký cam kết không “đạo văn” khi thực hiện các đề tài nghiên cứu… Bạn Huỳnh Phú Đông - SV năm cuối, khoa Thiết kế thời trang (Trường ĐH Hoa Sen) chia sẻ: Phong trào “Vì một nền giáo dục sạch”, “SV cần học thật - trung thực trong học tập” trường đang phát động, phần lớn các bạn SV đều ít nhiều ý thức được mặt trái và hệ lụy của việc “vay mượn” tri thức. Ngoài sự thay đổi ý thức học tập, nâng cao sự tự trọng của bản thân về khả năng tri thức của mình, các bạn SV cũng cần phải biết “tự xấu hổ” với hành động “đạo văn” khi thực hiện khóa luận, luận văn tốt nghiệp. Có như thế, hiện tượng “đạo văn” mới được đẩy lùi. 

Ảnh minh họa: Một hình ảnh tuyên truyền cho “Tôi học thật”
Ảnh minh họa: Một hình ảnh tuyên truyền cho “Tôi học thật”

Chỉ SV tự trọng thôi, chưa đủ

Bên cạnh sự nỗ lực học thật của SV, nhà trường cần xây dựng môi trường đảm bảo sự trung thực, tự trọng, sáng tạo của SV trong nghiên cứu. Trần Thế Nguyên, SV năm cuối Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cho rằng: Với bất cứ lý do gì, việc lấy công trình nghiên cứu của người khác làm của mình là điều không thể chấp nhận. Đã đến lúc ngành giáo dục cần phải sớm xây dựng được một hệ thống pháp luật, các trường ĐH cần sớm có hệ thống quy định chặt chẽ, rõ ràng về phòng chống “đạo văn” để có thể xử lý nghiêm các hành vi thiếu trung thực trong học tập. Trong đó, quan trọng nhất cần phải khơi dậy tinh thần nhận thức, tự giác học tập nơi SV, giúp SV hiểu và tránh rơi vào hiện tượng “đạo văn” khi thực hiện đề tài nghiên cứu.

Tiến sĩ Lê Tuấn Sơn ở ĐH HUFLIT lưu ý: “Khi phát hiện SV đạo văn, trước tiên phải xem xét động cơ dẫn đến hành động đó dựa vào cách viết của SV và độ khó của đề tài. Nếu xét thấy hoàn toàn do bản thân SV lười nhác, thiếu tinh thần nghiên cứu, học tập thì sẽ đánh rớt ngay. Còn nếu nghiên cứu thấy SV vẫn có ý thức nghiên cứu học tập nhưng vì lý do khách quan nào đó hoặc do đề tài quá khó đến mức SV không thể tự viết được, bắt buộc phải “lấy cắp” hoặc “bê nguyên xi” ý tưởng của người khác thì sẽ yêu cầu SV trong thời hạn cho phép dù hay dù dở cũng phải viết lại theo nhận thức của mình, phần nào buộc phải sử dụng của người khác thì buộc phải ghi rõ nguồn trích dẫn, nếu SV vẫn không thực hiện được thì phải chấm rớt…”.

Anh Tú  - Hoàng Công Chương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ