(GD&TĐ) - Tôi nhớ mãi câu chuyện về một hiệu trưởng người nước ngoài. Mỗi sáng, bà đến trường rất sớm, đứng ngoài cổng chào từng học sinh của mình đến trường. Cuối ngày, dù bộn bề công việc, vị hiệu trưởng này cũng không quên ra cổng để tạm biệt học trò. Học sinh trong trường, lớn, bé, ngoan ngoãn, ngỗ nghịch, bà nhớ tên không sót một ai. Có lẽ, để làm được điều này, phải yêu nghề lắm, yêu học trò lắm lắm! Và nhìn xung quanh, mới thấy rằng không ít thầy cô của chúng ta vẫn đang âm thầm yêu trò, yêu nghề như vậy.
->> Em đâu muốn là học sinh cá biệt!
Đuổi em, thầy dạy ai?
Thầy cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng để học sinh noi theo |
Thạc sỹ Ngô Trường Đức (nguyên giáo viên Trường Lam Sơn, Thanh Hóa) kể lại những câu chuyện đáng nhớ khi giảng dạy ở một trường dân lập:
Học sinh tôi dạy rất nghịch ngợm, hiếu động, nhiều em tỏ ra ngỗ ngược, bất cần. Hôm đó, như mọi lần, tôi đang giảng bài thì nghe góc lớp có tiếng cười đùa rất to, điển hình là trò Dũng. Tôi gọi Dũng mang vở lên kiểm tra. Vở của em không ghi một dòng nào bài học của tôi. Tôi chưa kịp nói gì thì Dũng cất tiếng: “Thầy đuổi chưa để em ra ngoài?”.
Tôi rất bất ngờ về thái độ của Dũng và tự nhiên trả lời em: “Thầy đuổi em ra ngoài thì thầy còn dạy ai! Thầy không đuổi mà phạt em đứng ở góc lớp chép bài”. Sau 5 phút, tôi nói với Dũng: “Bây giờ, thầy cho em về chỗ với điều kiện em phải ghi chép và làm bài đầy đủ, cuối giờ mang vở lên cho thầy kiểm tra. Hoặc nếu không em cứ đứng ở góc lớp”. Tất nhiên là Dũng chọn cách đầu tiên. Từ đó, lớp trật tự và Dũng đã giữ đúng lời hứa ghi chép và làm bài đầy đủ.
Một hôm, tôi được gọi đến nhận học sinh mới. Em chuyển trường từ Gia Lâm về vì bị đuổi học. Ấn tượng về cậu học trò là gương mặt sáng, thông minh nhưng thái độ vênh vênh, ngỗ ngược, tỏ ra thiếu lễ độ. Nhìn thấy thầy giáo mà không một lời chào hỏi, ánh mắt thậm chí còn thách thức.
Nhận em vào lớp, tôi nói với em và phụ huynh: “Kể từ hôm nay em là một tờ giấy trắng tinh đối với thầy và thầy cũng là một tờ giấy trắng tinh đối với em. Thầy không biết em vì lý do gì chuyển xuống đây. Thầy chỉ quan tâm xem em sẽ sinh hoạt và học tập như thế nào trong thời gian tới”.
Tôi không nhắc lại quá khứ, lỗi lầm khiến em mặc cảm; bên cạnh đó tạo điều kiện giúp cậu trò mới làm lại từ đầu khi vào lớp mới. Đáp lại sự kỳ vọng của tôi, em đã thay đổi, dẫu đi học xa hơn 20 cây số nhưng không hề bị muộn học hay nghỉ học buổi nào. Tự mang tiền đến đóng học phí đúng hẹn. Được giao trọng trách lớp phó, em đã giúp tôi rất nhiều trong công việc của lớp. Sự thay đổi đó làm chính cha mẹ em phải ngạc nhiên và tất nhiên rất vui mừng. Qua đây, tôi thấy được một điều: Chúng ta đừng quá mặc cảm về những lỗi lầm trong quá khứ của học trò. Hãy tạo niềm tin ở các em, cho cơ hội, chắc chắn các em sẽ tiến bộ.
“Thưa thầy, em không biết làm” – nhận được câu trả lời này của học trò, nhiều thầy cô thường có phản ứng khó chịu, mắng mỏ. Tôi suy nghĩ rất nhiều về tình huống này. Một hôm, khi gọi học sinh lên bảng, tôi lại được nghe câu trả lời quen thuộc đó.
Tôi nói: “Không sao, em cứ lên bảng. Chính vì em không biết làm nên thầy mới có mặt ở lớp. Còn nếu các em biết làm rồi thì chắc chắn thầy không ngồi đây làm gì cả. Thầy sẽ hướng dẫn cho em cách làm”. Và trên bảng, tôi hướng dẫn học sinh đó cách làm bài đơn giản nhất với câu 1, câu 2. Câu 3 em đó đã tự làm được. Tất cả học sinh trong lớp theo dõi say sưa và tự làm được hết bài tập vào vở. Từ đó, tôi không còn nghe học sinh nào trả lời khi được gọi lên bảng: “Thưa thầy, em không biết làm” nữa.
Cứ vun trồng cho quả ngọt
Giáo dục đạo đức, lối sống đúng sẽ giúp học sinh tự tin bước vào tương lai |
“Cây nếu được vun trồng rồi cũng cho ra quả, chỉ có quả chín sớm hay chín muộn thôi” – câu nói của cô giáo chủ nhiệm như thức tỉnh tôi khỏi nỗi đau khổ, dày vò vì đưa con khó bảo bao năm nay – Đây là tâm sự của một người mẹ tưởng chừng đã buông tay không nắm giữ được đứa con bất hảo của mình.
Chị Bùi Lê Dung (Ba Đình, Hà Nội) kể: Làm cha, mẹ có đứa con hư thật là đau khổ. Con trai tôi là đứa trẻ bình thường, không học giỏi lắm nhưng cũng thi được vào lớp 10 Trần Phú (hệ B). Niềm vui chẳng tày gang vì cháu vi phạm nội quy của trường, gây ảnh hưởng lớn đến tập thể. Tôi được gợi ý chuyển trường cho cháu.
Tìm được một trường dân lập, coi như hình phạt cho con, chúng tôi đã có một thời gian hoang mang, sống trong sự dằn vặt vì cháu có biểu hiện bất cần, không nghe lời, lười học, giao du với những bạn bỏ học. Con chúng tôi lại lần thứ 2 được đề nghị chuyển trường.
Ngôi trường thứ 3 chọn cho con, tôi đặt khá nhiều kỳ vọng, nhưng nhìn thấy cô chủ nhiệm vóc người mảnh khảnh, rất nhẹ nhàng, tôi hơi nản lòng. Cô hiền thế này thì làm sao mà trị được nó… Nghe kể về con, cô chỉ cười và bảo: “Bác không phải lo, tôi coi như không biết gì về quá khứ của cháu. Cháu bắt đầu là học sinh mới thì tất cả đều trắng, mới hết”.
Tôi không ngờ, cô giáo có thể cảm hóa được con trai tôi. Có lẽ là bởi sự không định kiến, bởi tình thương yêu, bởi sự kiên nhẫn, giống như chăm một cái cây èo uột cần nhiều công sức tưới tắm vun trồng vậy. Từng sống trong lo âu, thấp thỏm 3 năm trời, nhưng thật hạnh phúc khi con tôi thay đổi, thi đỗ tốt nghiệp với 40 điểm. Nghĩ lại, chút nữa tôi đã để con mình thất học và có thể còn mất con.
Tri ân nhà trường, thầy cô giáo, tôi xin nhắc lại nguyên câu nói của ông ngoại cháu, một người già trên 70 tuổi: “Những thầy cô giáo dạy được những đứa nghịch ngợm như cháu tôi thật đáng kính trọng. Đó là những người thầy chân chính và yêu nghề, là những người thầy giáo tốt”.
Cảm hóa bằng tình yêu thương, lòng bao dung
Tình yêu thương sẽ là liều thuốc tốt nhất để cảm hóa cũng như giáo dục đạo đức, lối sống tốt nhất cho học sinh |
Cô giáo dạy Văn Lê Thị Thơm (Hà Nội) nhớ mãi câu chuyện về cô học trò P, người mà trong giờ dạy, nhiều lần cô phải “lặng người” trước những câu trả lời ngang tàng, vô lễ:
Một lần, do không chép bài trong giờ học và có thái độ vô lễ, tôi yêu cầu P viết bản kiểm điểm. Ngay chiều hôm đó, P đến lớp muộn khoảng 25 phút trong tư thế “ưỡn ẹo”. Được 10 phút, P ngang nhiên dùng điện thoại (dù nhà trường đang cấm rất gắt gao). Tôi thu lại điện thoại này, gửi lại chỗ một cô giáo có trách nhiệm trong trường để ngày mai cùng giáo viên chủ nhiệm xử lý.
Tưởng mọi chuyện dừng lại ở đó, tôi chủ quan về muộn nhất trường. Ra khỏi cổng, linh tính báo điều chẳng lành, một nhóm tụ tập khoảng 3 - 4 cô gái tuổi từ 17 - 18, đầu tóc xanh đỏ ngồi trên xe máy, trong đó có P. Ngay lúc đó, tôi bị một cô gái trong nhóm đi xe Wave ép tôi, không cho tôi vượt cũng chẳng cho rẽ, có lúc tôi tưởng xe mình sẽ bị đổ. Chỉ đạo những hành động đó, không ai khác, chính là P.
Tôi thực sự thấy “chờn chợn” vì mình đơn thương độc mã và căng óc tìm giải pháp an toàn nhất. Rồi tôi quyết định dừng xe vào một cửa hàng bán quần áo trên đường Khâm Thiên. Có lẽ những cô gái kia bị đánh lạc hướng, nên chừng 5 phút sau, hai chiếc xe “bất kham” lao ngược trở lại. Không thấy động tĩnh gì, tôi nai nịt cẩn thận, mặc thêm áo đi đường, đeo kính, chỉnh lại gương xe và cuối cùng về đến nhà an toàn.
Việc đầu tiên, tôi gọi điện báo cho cô giáo chủ nhiệm, đồng thời xin với cô giáo chỉ nhắc nhở, phân tích chứ đừng xử lý P ngay tại thời điểm này.
Ngày hôm sau, tôi rất bình thản trước P, không đả động gì tới chuyện tối qua. Thấy thái độ của tôi như vậy, P tỏ vẻ khá lúng túng, sợ hãi. Tôi nói “Cô biết tất cả nhưng cô không sợ, vì đó chỉ là hành động dại dột nhất thời mà thôi”.
Nhưng, buổi học sau, P lại mang điện thoại đến lớp. Bị thu máy, P đã cãi láo. Như giọt nước làm tràn ly, cô giáo chủ nhiệm có ý định không cho P học nữa vì đã mắc quá nhiều lỗi và không chịu sự giáo dục của giáo viên chủ nhiệm, của nhà trường. Tất nhiên là P xin và hứa, nhưng càng xin, càng hứa thì cô giáo chủ nhiệm càng khó chịu vì thực sự đó là lần hứa thứ “n” rồi.
Không hiểu sao, nhìn P rơm rớm nước mắt tôi lại thấy lòng mình dịu lại. Tôi lại nghĩ đến những đứa con của mình lúc có lỗi và tôi tin P. “Bắt” ngay được suy nghĩ của tôi, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu tôi bảo lãnh cho P. Tôi đồng ý. P rất bất ngờ vì người “cứu” em lại là tôi, người mình có ý định “xử đẹp” hôm nào.
Tôi tâm sự rất thật lòng những suy nghĩ của mình với P, nói rõ tôi yêu quý em như thế nào, mong em tiến bộ như mong mỏi, kỳ vọng chính người thân của mình. Và tôi đề nghị P ký một bản cam kết, em đã ngoan ngoãn thực hiện tất cả các điều đó. Khó có thể tin, từ đó P đã thực sự có tiến bộ. Không những thế, em lại rất gần gũi tôi, tâm sự với tôi về bản thân, gia đình mình.
Từ câu chuyện mình đã trải qua, tôi nhận thấy, với những học sinh hư càng không thể nguyên tắc, cứng nhắc. Chính các em mới là đối tượng để cái “tâm” người thầy tỏa sáng. Bên cạnh đó, không nên có tư tưởng giáo viên bộ môn chỉ đơn thuần là lên lớp dạy. Hãy cùng chia sẻ với những công việc đầy chông gai của giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời, bản thân giáo viên chủ nhiệm cũng phải đặt vấn đề “cùng giáo dục” với giáo viên bộ môn mà mình cho là phù hợp.
Trong thực tế, không phải với đối tượng nào các giáo viên cũng cảm hóa thành công. Nhưng họ vẫn cố gắng hết mình, tận tâm tận sức giúp đỡ dìu dắt học sinh tiến bộ. Với người thầy tâm sáng, trao yêu thương, gửi niềm tin, gieo kỳ vọng đến mỗi học sinh… cũng có thể coi là trọn vẹn thông điệp tình người.
Ở Việt Nam, rất nhiều nhà giáo đã thu phục học sinh bằng sự mẫu mực và tình cảm yêu thương chân thành. Chính nhờ các thầy cô mà có biết bao học sinh cá biệt, đến gia đình cũng tưởng “đồ bỏ đi” đã trưởng thành, thậm chí thành đạt. Một ngày, cô giáo chợt thấy cay cay khóe mắt khi nhận được tin nhắn của học sinh cá biệt ngày nào giờ đã trưởng thành: “Con vẫn muốn nhắc lại lời cảm ơn cô, người mẹ thứ 2 của con!”. |
Hải Bình