Kỳ 2: Thực học, thực nghiệp đẩy lùi "bệnh thành tích"

Kỳ 2: Thực học, thực nghiệp đẩy lùi "bệnh thành tích"

(GD&TĐ) - Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” xuất phát từ những bất cập, tồn tại trong thực tiễn giáo dục đã đưa ra những giải pháp căn cốt để giải quyết triệt để “bệnh thành tích”, đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội, đề xuất hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân…  

->> Kỳ 1: Đề xuất chủ động với tam giác người – việc – tiền

Giải pháp cho “bệnh thành tích” trong giáo dục

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
 

 Lâu nay, trong các văn bản của Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết triệt để “bệnh thành tích” trong giáo dục. “Trong Đề án cũng nêu vấn đề và đưa ra biện pháp khắc phục căn bệnh này” – Ông Bùi Mạnh Nhị chia sẻ.

Thực học, thực nghiệp bao hàm ý khái quát của vấn đề, nhấn mạnh đến việc chú trọng năng lực của HS, SV. Biện pháp được đề ra: Chú trọng quản lý chất lượng đầu ra; Học phải đi đôi với hành; Tăng cường thanh tra - kiểm tra; Đổi mới thi và đánh giá; Đổi mới quan niệm của người học về vấn đề đi học: Học cho mình, học có chất lượng thật, học để có nghề thực sự và hành nghề tốt. 

Tại sao cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân 12 năm?

c
Quy hoạch nguồn nhân lực hợp lý là yêu cầu bức thiết

 Được biết, Ban soạn thảo Đề án đã thống nhất kiến nghị duy trì hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm như trước. Trong đó, tiểu học và THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản bắt buộc (9 năm), THPT là giai đoạn giáo dục nâng cao, phân hóa, định hướng nghề nghiệp.

 Trao đổi với GD&TĐ, ông Bùi Mạnh Nhị cho biết quan điểm của Ban soạn thảo về vấn đề này: “Chúng tôi đã nghiên cứu hệ thống giáo dục của nhiều nước, phần lớn cũng 12 năm, có nước là 13 năm. Theo khảo sát ở 21 nước, số giờ dạy học trung bình là 8.984 giờ, cao nhất là Hoa Kỳ 12.893 giờ.

Trong khi đó ở Việt Nam, do chỉ dạy học 1 buổi/ngày (chính khóa) nên số giờ dạy học chỉ có 7.924 giờ. Nếu giảm xuống 11 năm, sẽ khó đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, những nghiên cứu khác cho thấy học sinh ở độ tuổi 17 chưa trưởng thành thực sự về tâm lý và nhân cách nếu như tốt nghiệp hệ phổ thông 11 năm”.

 Bên cạnh đó, trong thực tế, trường lớp ở nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, gần đây lại tăng cường một số chương trình ngoại ngữ, tăng hoạt động ngoại khóa… nên đề nghị cấu trúc hệ thống giáo dục 12 năm là hợp lý với giáo dục Việt Nam.

Bài toán đa chiều trong đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội

Tăng cường thanh tra – kiểm tra nhằm giải quyết triệt để bệnh thành tích
Tăng cường thanh tra – kiểm tra nhằm giải quyết triệt để bệnh thành tích
 

 Có một thực tế đang tồn tại là các trường đang đào tạo những gì mà nhà trường có chứ chưa đào tạo theo những gì mà xã hội cần. Kéo theo đó là hệ lụy nhiều ngành bão hòa nhân lực, dư thừa cán bộ đào tạo, sinh viên ra trường không có việc làm, nhiều cái xã hội cần chưa được đào tạo trong các nhà trường. Trong khi đó, nhiều ngành nghề xã hội cần thì lại thiếu nhân lực, nước ta cũng chưa có thị trường lao động theo đúng nghĩa của từ này.

Hiện Chính phủ đã có Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, theo đó tất cả các ngành đều xây dựng chiến lược phát triển nhân lực của mình. Trên cơ sở này, các địa phương cũng phải quy hoạch nguồn nhân lực cho địa phương, phải đặt hàng cơ sở giáo dục và ngược lại, bản thân nhà trường phải chủ động tìm hiểu dự báo, đơn đặt hàng để có điều chỉnh trong đào tạo.

 “Đây là bài toán đa chiều. Chính phủ đã ban hành Quy hoạch nguồn nhân lực cho các ngành. Các địa phương, các doanh nghiệp cũng phải xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực cho mình. Doanh nghiệp đặt hàng nhà trường. Nhà trường chủ động điều chỉnh, chủ động đào tạo. Đồng thời ngành thống kê phải góp sức với các ngành nghề để có số liệu, có dự báo chính xác. Có như vậy, mới đáp ứng đúng cầu, cầu mới là định hướng cho cung”  – Ông Bùi Mạnh Nhị cho hay. 

Ban soạn thảo Đề án kiến nghị trong những năm học trước mắt, vẫn duy trì hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm như hiện nay, trong đó tiểu học và THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, bắt buộc (9 năm), còn THPT là giai đoạn giáo dục nâng cao, phân hóa – định hướng nghề nghiệp (3 năm). Về lâu dài, vấn đề này vẫn cần tiếp tục nghiên cứu. 

Gia Hân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ