(GD&TĐ) - Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có địa chỉ nào đào tạo phương pháp dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ. Chính vì vậy, bao thế hệ giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài phần nhiều truyền thụ bằng kinh nghiệm. Có lẽ vì vậy mà chỉ những người thầy gắn bó với công việc đặc biệt này mới có những kỷ niệm khó quên không thể tìm được ở bất kỳ một lớp học hay giảng đường nào.
Vừa là thầy, vừa là trò
Choi Go A Ra, cựu sinh viên Đại học Hà Nội hiện nay là cô giáo dạy tiếng Việt cho người Hàn Quốc |
Từng công tác ở Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQGHN) gần chục năm, nhà giáo Hồ Hải Thuỵ cho biết, chính thời gian dạy học tại trường cũng là lúc thầy “tranh thủ” học thêm được nhiều thứ tiếng khác nhau từ các học viên.
Ham thích tìm hiểu những ngôn ngữ mới nên thầy Thụy luôn xung phong nhận lớp có sinh viên thuộc quốc gia có ngôn ngữ mình chưa từng tiếp xúc. Thầy thường bắt đầu công việc dạy lớp mới bằng cách tìm hiểu về ngôn ngữ của học trò từ những cuốn sách ở quầy ngoại văn. Thầy Thụy kể:
Tôi luôn tranh thủ học ngược lại học trò mỗi khi dạy họ tiếng Việt. Do đó, cứ sau một năm học vỡ lòng, sinh viên nước ngoài biết tiếng Việt đến đâu thì tôi cũng biết được tiếng của họ gần gần như vậy. Chính nhờ kiên trì với cách này mà dần tôi phát hiện ra những nét khác nhau trong mối quan hệ tiếp xúc giữa tiếng Việt và các thứ tiếng khác. Kinh nghiệm ấy giúp tôi dạy có hiệu quả hơn trong những năm về sau. Nhưng, năm nào phải nhận dạy hai lớp cho hai đối tượng sinh viên đến từ quốc gia khác nhau quả thực rất vất vả, vì điều đó đồng nghĩa với việc phải đồng thời phải học hai thứ tiếng.
Nhớ nhất là thời gian nhận dạy lớp sinh viên Cuba. Người Cuba nói tiếng Tây Ban Nha. Như thông lệ, tôi bắt đầu “học ngược” cùng với sinh viên. Nhưng lần này, tôi đã vượt xa sinh viên của mình. Chỉ sau một, hai tháng, trong khi tôi đã bắt đầu nói chuyện với sinh viên của mình bằng tiếng Tây Ban Nha thì họ vẫn còn bập bẹ tiếng Việt. Đó là vì, trong khi sinh viên vất vả học “revolución” là “cách mạng” thì tôi đã biết đó là cái “révolution” của Pháp mà tôi biết từ hồi còn nhỏ. Cứ như thế, trong khi sinh viên đánh vật với những từ tiếng Việt thì tôi chỉ cần lẳng lặng chuyển từ vốn tiếng Pháp sang tiếng Tây Ban Nha là xong. Cuối năm đó, tôi đã nói chuyện với sinh viên bằng tiếng Tây Ban Nha thành thục.
Dạy tiếng Việt bằng ... âm nhạc
Khóa học Tiếng Việt miễn phí cho người nước ngoài tại Viện phát triển Ngôn ngữ |
Thanh điệu và đại từ nhân xưng trong tiếng Việt có lẽ là thử thách “khủng khiếp” nhất đối với bất kỳ một học viên nước ngoài nào. Và bản năng của những học viên vốn ngôn ngữ không có thanh điệu luôn tìm cách “chống trả” các thanh điệu tiếng Việt.
Chị Ngọc - người gắn bó với việc dạy “a, b, c” cho người nước ngoài vừa căng thẳng - kể: Mấy lần giật thót mình vì học viên kể chuyện: “Hôm nay em ăn thịt bồ” (thực ra là “ăn thịt bò”); hoặc “Ôi, hôm nay cô giáo mặc đẹp thối!”. Thì ra, đi chợ nghe người bán hàng chào mời: Mua đi, quả hôm nay rẻ thối, cô học viên người Úc hỏi lại và được giải thích “rẻ thối” nghĩa là “rẻ quá” nên áp dụng luôn để khen cô giáo.
Một vài lần dạy “6 dấu” cho những học viên mới như vậy, nhận thấy học trò “mặt xanh nanh vàng” vì sợ, chị Ngọc thấy rằng, nếu không biết cách bắt đầu đúng, rất có thể nhiều người sẽ vì sợ mà không dám tiếp tục học tiếng Việt nữa.
Trong quá trình suy nghĩ, tìm tòi, thấy rằng, một số bài hát dành cho trẻ em Việt Nam khá chuẩn về âm, lại ngộ nghĩnh, dễ thương, chị Ngọc quyết định lấy đó làm “đầu câu chuyện” trong những bài học đầu tiên. Hai bài được chị tin dùng là “Tập đếm” và “Con chim non” mà bé Xuân Mai hay hát. Không ngờ, học sinh của chị rất hào hứng, giờ học nhờ đó chẳng những bớt căng thẳng mà còn sôi động thêm rất nhiều.
Tuy nhiên, nhiều tình huống ngộ nghĩnh cũng từ đó mà ra. “Thử tưởng tượng, một ông tây cao to, ăn mặc lịch sự mà lúc nào cũng nghêu ngao hát “Em yêu chim, em mến chim”, rồi “Một với một là hai, hai thêm hai là bốn” thì buồn cười đến mức nào.
Còn thầy Hồ Hải Thuỵ thì nhớ mãi “thử nghiệm” đầu tiên phương pháp mới mình ấp ủ nhưng chưa có điều kiện thực hiện là với một học trò người Pháp. Cách dạy rất đặc biệt. Tuần đầu, thầy Thụy chỉ duy nhất dùng bản ghi các nốt nhạc, dòng lời nhạc thì toàn chữ “la”. Trong quá trình dạy, thầy đọc những bài thơ bằng tiếng Việt rồi yêu cầu học trò dùng tiếng “la” để “nhại” lại. Ví dụ, khi đọc “Trên trời mây trắng như bông” thì anh người Pháp phải nói lại bằng “la là la lá la la”. Chưa đầy một tuần, hầu như anh đã thuộc và ngâm được bài thơ ngắn.
“Như vậy là tuần đầu, tôi chỉ cho anh người Pháp “hát” truyền khẩu mà hoàn toàn không nhìn thấy những dấu thanh điệu. Tuần sau, mới bắt đầu vào bài như bình thường. “Thí nghiệm” đã thành công vì sau 3 tháng, anh học trò vui mừng khoe tôi mọi người khen anh nói chuẩn, không hề lơ lớ “như Tây” – thầy Thụy vui vẻ nhớ lại.
Uốn lưỡi với “n”, “l”
Peter Smith sành điệu với phương ngữ xứ Nghệ |
Không chỉ người nước ngoài mới “vật vã” khi học tiếng Việt. Nhiều giáo viên ở Hà Nội cho biết, bản thân cũng “toát mồ hôi” để học trò có thể nói “chuẩn” tiếng mẹ đẻ.
Sau thời gian nghỉ hè, cô Thanh - một giáo viên tiểu học ở nội thành Hà Nội phát hoảng khi phát hiện học trò yêu tên Phương tự nhiên phát âm lẫn lộn “n” và “l”.
“Cuối buổi, tôi đã nhắn Phương ở lại nói chuyện riêng, cô bé cứ khóc rấm rứt vì vừa ngại, vừa sợ. Đến khi nói chuyện với mẹ của em mới vỡ nguyên nhân. Thì ra, gia đình cho em về quê Hưng Yên chơi cả tháng nhà bà ngoại rồi lây tật nói ngọng lúc nào không hay. Cũng may, vì mới chớm lên sau một tuần uốn nắn, cô bé đã không còn nói ngọng nữa” – cô Thanh kể lại.
Gia đình chị Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội) lại rơi vào tình huống oái oăm khác. Nguyên nhân bắt đầu từ cách đây vài năm trước. Do bí người, anh chị công việc quá bận rộn nên phải thuê người giúp việc. Cô giúp việc người Thái Bình trẻ, rất được việc, lại khéo chiều trẻ con nên cả nhà ai cũng quý. Thằng bé nhà chị Hòa nhiều khi còn quấn cô giúp việc hơn cả mẹ. Nhờ đó mà chị yên tâm đi làm, xong công việc có thể thoải mái spa, thư giãn mà chẳng phải lo đến việc về nhà tắm rửa, cơm nước cho con.
Ai ngờ, ngày đầu tiên con vào lớp 1, chị nghe tin như “sét đánh” từ cô giáo: Con chị nói ngọng rất nặng, đặc biệt là “n” và “l”. Lúc đó, chị mới để ý và té ngửa: Nguyên nhân từ chính cô giúp việc.
Thế là, ngoài việc nhờ cô giáo trên lớp, nhờ cô dạy thêm ở nhà, cả nhà chị đều phải “vào cuộc” chữa ngọng cho con. “Đúng là bài học nhớ đời” - chị Hòa tâm sự.
Thường giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tốt nghiệp các ngành học như Ngữ văn, Ngôn ngữ hay Lịch sử...; một số khác tốt nghiệp khoa tiếng Anh các trường ngoại ngữ. Đội ngũ khác nhau dẫn đến việc dạy tiếng Việt có những khó khăn khác nhau. Ngược lại, giáo viên tiếng Anh rất thạo về phương pháp. Tuy nhiên, những giáo viên này sự hiểu biết tiếng Việt không sâu, phân tích tiếng Việt nhiều khi không chính xác. Từ đó, sẽ làm giảm hiệu quả dạy học. Thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng MA |
Hiếu nguyễn
TIN LIÊN QUAN |
---|