Kỳ 2: Dạy và học theo mô hình trường học mới

Kỳ 2: Dạy và học theo mô hình trường học mới

(GD&TĐ) - Mỗi lần có khách đất liền ra là Trường Sa một lần có lễ hội. Nhưng hội hôm nay đặc biệt vui, đặc biệt háo hức. Từ đám trẻ nhỏ cho tới vị khách tóc muối tiêu, thậm chí cả vị chuẩn đô đốc hải quân dạn dày sóng gió cũng hồi hộp chờ thời khắc tiếng trống trường vang lên. 

->> Kì 1: Lớp học đặc biệt "4 trong 1"

Hôm nay, Trường Sa khánh thành ngôi trường đầu tiên của quần đảo sau gần 40 năm kể từ ngày giải phóng! Với bọn trẻ, niềm vui được nhân lên gấp bội khi vừa có ngôi trường mới vừa nhận được tin vui - người mẹ thứ hai, cô giáo Bùi Thị Nhung vừa xin tiếp tục ở lại, gắn bó lâu dài với chúng. 

Mỗi người góp một viên gạch hồng

Rồi thời khắc long trọng ấy cũng đã tới. Tiếng trống trường vang lên trầm ấm, át tiếng đại dương ầm ào ngoài kia. Đó là một lễ khánh thành đặc biệt, quan khách còn đông hơn cả học sinh. Đám trẻ nhỏ vừa vui mừng vừa bỡ ngỡ vì nhiều người lớn quá còn trong số các quan khách, không ít người bất giác khẽ đưa tay nhanh chóng giấu đi giọt nước mắt của sự xúc động. Kể từ nay, học sinh trên đảo đã có trường mới, lớp mới hai tầng khang trang, sạch đẹp và kiên cố, với đủ các phòng chức năng để học tập tốt hơn. 

Ngôi trường là kết quả của cuộc vận động “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” do quỹ học bổng Vừ A Dính phát động. 10,5 tỷ đồng là con số không hề nhỏ nhưng cũng không thể nào nói hết được tình cảm của đất liền gửi gắm ra khơi xa. "Đã có rất nhiều học sinh, trong đó có cả những em khuyết tật đã dành những đồng tiền ít ỏi của mình góp một viên gạch hồng xây trường cho các bạn nhỏ ở Trường Sa", Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa - Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính không giấu được sự xúc động trong lời phát biểu của mình. 

Kỳ 2: Dạy và học theo mô hình trường học mới ảnh 1
Cô Bùi Thị Nhung trong lớp học ghép 4 trong 1

Để có được ngôi trường ấy, còn có sự chung tay góp sức của rất nhiều con dân đất Việt, bất kể tôn giáo, bất kể giàu nghèo, từ những cán bộ cao cấp, doanh nhân, doanh nghiệp, cho đến bà con Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới, cho đến các nhà tu hành, những người dân lao động trên cả nước. Họ đóng góp không phải với tâm thế của một người làm từ thiện mà với trách nhiệm của mỗi người con với Tổ quốc mình. “Ngôi trường là tình cảm, là trách nhiệm đối với đất nước của tất cả những người con đất Việt đang ngày đêm hướng về Trường Sa thân yêu…" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng nói. Ông mong mỏi: Ngôi trường sẽ giúp các thầy cô giáo, các em học sinh trên đảo có thêm động lực để vượt qua khó khăn. Các cháu an tâm học tập, thầy cô cũng thấy ấm lòng khi nhận được sự chia sẻ những khó khăn từ đất liền. Với điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp học mới, các thầy, cô giáo và các em học sinh của đảo Trường Sa vượt qua khó khăn để “dạy tốt, học tốt”.

Bao giọt nước mắt xúc động đã rơi xuống? Chắc chắn, trong số đó có những giọt nước mắt nóng hổi của cô giáo Bùi Thị Nhung - người đã rời bỏ ngôi trường thân yêu và quen thuộc trong đất liền để đưa hai còn cùng ra gắn bó với quần đảo bão tố này. Cô chỉ nghẹn ngào: Ước mơ của cô trò em đã thành hiện thực…

Nỗi buồn của cô giáo Nhung

Vừa nghẹn ngào, mừng rỡ vì từ năm học mới, đám trò nhỏ sẽ có trường ra trường, lớp ra lớp nhưng cô Bùi Thị Nhung không giấu nổi nỗi buồn. 5 năm, kể từ năm 2008, cô đã gắn bó với Trường Sa, đã chứng kiến không biết bao nỗi buồn ngày chia tay: Chia tay lũ chim non khi chúng học xong Tiểu học phải vào đất liền để học tiếp lên THCS. Chia tay đám học trò trở về đảo bịn rịn và đầy cảm xúc. Và lần này đến lượt cô. Sau 5 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Trường Sa, cô phải thuyên chuyển trở về đất liền.

Bà Hoàng Thị Lý chụp ảnh chung với phụ huynh, giáo viên và học sinh
Bà Hoàng Thị Lý chụp ảnh chung với phụ huynh, giáo viên và học sinh 

 Sắp tới, dân cư trên đảo sẽ có nhiều biến động. Năm học mới đảo có thể chào đón những học sinh mới là con em của các hộ dân mới ra đảo định cư. Rồi chúng sẽ có các thầy cô giáo mới nhưng sau nhiều năm gắn bó với đảo, trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả bám trường bám lớp, yêu thương học sinh như con; cô sẽ không còn được đứng trên bục giảng của ngôi trường mới. Niềm khát khao cháy bỏng bấy lâu khi trở thành hiện thực cô lại phải chia xa nó. 

Tất nhiên, nỗi buồn sẽ sớm trở thành niềm vui. Và câu chuyện giáo dục ở Trường Sa sẽ tiếp tục có hậu hơn nếu nguyện vọng của cô Nhung được giải quyết. "Nếu phải thuyên chuyển về đất liền, tôi sẽ không được tiếp tục phát huy kinh nghiệm, đóng góp cho giáo dục nơi đây nữa". Vì vậy, sau khi bàn bạc, thuyết phục chồng, cô Nhung đã đề đạt nguyện vọng tiếp tục gắn bó với Trường Sa. 

Dạy và học theo mô hình trường học mới

Trong 10 ngày của hành trình “Tiến ra biển, đảo quê hương” có Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa Hoàng Thị Lý. Đem tâm tư của cô giáo Bùi Thị Nhung chia sẻ với bà Lý. Bà không giấu nổi sự tự hào: Nhung là một giáo viên nhiệt huyết, tận tâm với nghề, hết lòng với học sinh trên đảo, được các em học sinh yêu quý. Tỉnh Khánh Hòa cũng đang xem xét nguyện vọng của cô giáo. 

Kỳ 2: Dạy và học theo mô hình trường học mới ảnh 3
Ngôi trường mới của học sinh trên đảo Trường Sa Lớn

Để khắc phục khó khăn đặc thù của các điểm trường trên các đảo, Sở GD&ĐT Khánh Hòa sẽ đưa mô hình trường học mới (VNEN) vào giảng dạy tại các điểm trường này. Chủ trương này của tỉnh Khánh Hòa đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép triển khai. “Đây sẽ là điều lý tưởng cho việc dạy và học ở Trường Sa. Mô hình Trường học mới với các phương pháp giảng dạy rất phù hợp với các lớp ghép tại đảo, phù hợp với trình độ của các học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau trong lớp học”, bà Lý khẳng định.

Tỉnh Khánh Hòa cũng đã hoàn thành sơ bộ Đề án phát triển giáo dục huyện Trường Sa. Theo đó, dự kiến tỉnh sẽ đưa 6 giáo viên ra các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, và Song Tử Tây; Đây là việc mà UBND tỉnh, huyện Trường Sa kiến nghị từ lâu nhằm đảm bảo điều kiện học tập cho con em hộ dân trên các đảo.

Phó giám đốc Hoàng Thị Lý tin tưởng, không có trở ngại nào trong việc áp dụng mô hình mới này bởi mọi giáo viên dạy chương trình Tiểu học hiện nay đều có thể giảng dạy mô hình này. Mô hình là tập hợp các phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm. Cái mới ở đây là cách thức tổ chức lớp học, khuyến khích học sinh tự học, học theo nhóm. Mô hình này áp dụng vào các lớp ghép trên đảo sẽ khuyến khích học sinh phát huy tính chủ động trong học tập, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở cho học sinh. Hiện tỉnh Khánh Hòa đang tuyển giáo viên, sau đó sẽ tiến hành tập huấn phương pháp và kĩ năng dạy học theo VNEN để dạy học tại các đảo. Đây sẽ là luồng sinh khí mới thổi vào các lớp học ghép ở Trường Sa. 

Hy vọng, đây sẽ là luồng sinh khí mới thổi vào các lớp học ghép ở Trường Sa, các em được tiếp cận với phương pháp dạy học mới giúp phát triển tư duy, tài năng những công dân tương lai của biển đảo. Người dân trên đảo an tâm hơn trong lao động, sản xuất, bám biển, gắn bó xây dựng huyện đảo Trường Sa góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. 

Theo kinh nghiệm gần như có một không hai của cô Bùi Thị Nhung, lớp học “4 trong 1” cần phải cân nhắc khi sử dụng các phương pháp dạy học sao cho phù hợp với các em ở độ tuổi khác nhau. Ngay như việc sử dụng đồ dùng trực quan sinh động vào tiết học cũng phải cân nhắc xem các lớp học có dùng chung được hay không. Đây chính là hạn chế trong lớp học ghép để giáo viên và học sinh phát huy hiệu quả tiết học.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ